Phục dựng điện Kính Thiên: Đừng làm cho bằng được!

Không nên để lặp lại bài học của đàn tế Nam Giao (đàn Xã Tắc), vội vàng làm rồi vội vàng lấp.

Hà Nội một lần nữa lại đặt quyết tâm phục dựng điện Kính Thiên. Các ý kiến tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2021 diễn ra ngày 22/4, đều nhấn mạnh "phải có ý chí làm bằng được", "không được cầu toàn", cần nhanh chóng phục dựng điện Kính Thiên"...

Năm 1886, quân đội Pháp đã xây dựng một tòa nhà 2 tầng ngay trên chính nền điện Kính Thiên để làm Bộ chỉ huy pháo binh - Ảnh tư liệu

Năm 1886, quân đội Pháp đã xây dựng một tòa nhà 2 tầng ngay trên chính nền điện Kính Thiên để làm Bộ chỉ huy pháo binh - Ảnh tư liệu

Nêu quan điểm về việc này, ông Vương Duy Bảo - nguyên phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL cũng khẳng định giá trị quý giá của điện Kính Thiên, điện thể hiện chiều dài về văn hóa, lịch sử của nhiều triều đại. Vì thế, việc phục dựng lại là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng thừa nhận, để phục dựng được điện Kính Thiên trong bối cảnh hiện nay là rất khó.

Do đó, ông Bảo đề nghị trước khi thực hiện kế hoạch phục hồi các nhà khoa học, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng hệ thống dự liệu lịch sử Việt Nam về điện Kính Thiên. Trong đó bao gồm cả những phác thảo về hình dáng điện Kính Thiên thật chi tiết từ việc xác định kích thước, chất liệu, kiến trúc, cách bày trí trong điện... Tất cả đều phải thể hiện rất rõ.

"Không nên đặt ra vấn đề phải phục dựng lại điện Kính Thiên cho bằng được hay nhất định phải phục dựng lại điện Kính Thiên khi còn chưa chắc chắn về kiến thức lịch sử, về kiến trúc cũng như chưa nắm chắc về thời kỳ lịch sử.

Cố phục dựng điện khi chưa có đầy đủ thông tin, dữ liệu thì cái phục dựng lên khó bảo đảm sẽ phù hợp với quy luật lịch sử, phù hợp với kiến trúc lịch sử, cũng như khó phù hợp với thời kỳ của lịch sử, như vậy, cuối cùng sẽ trở thành lãng phí, vô bổ", ông Bảo thẳng thắn.

Ông Bảo cho biết, những thông tin hiện nay có được về điện Kính Thiên còn đang rất mờ nhạt, ngay cả trong sử sách ghi lại cũng không cụ thể, rất khó cho công tác phục dựng.

"Không nên để lặp lại bài học của đàn tế Nam Giao (đàn Xã Tắc), vội vàng làm rồi vội vàng lấp.

Nguyên nhân là do không hiểu rõ, không hình dung được về đàn tế Nam Giao ngày xưa như thế nào, vì thế không thể làm được. Kết quả như chúng ta đã thấy, cuối cùng di tích lại phải được phủ cát để bảo tồn.

Khát khao phục dựng điện Kính Thiên là rất chính đáng, rất cần thiết, tuy nhiên, việc phục dựng phải rất thận trọng, phải dựa trên những cơ sở khoa học, dựa trên dữ liệu lịch sử, chứ không thể dựng lên một thứ không giống cái gì. Cố làm như vậy là kệch cỡm và chỉ để phục vụ lợi ích của một nhóm người", ông Bảo nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ông Bảo, thời điểm này cũng không phù hợp để đặt ra vấn đề phải phục dựng lại điện Kính Thiên.

"Trong lúc chúng ta đang phải dồn nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng, thế giới vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong nước còn rất lớn, người dân cần có vaccine phòng chống bệnh thì cần phải đặt câu hỏi có cần phải phục dựng điện Kính Thiên thời điểm này hay không?", ông Bảo băn khoăn.

Phục dựng như thế nào?

Trong khi đó, đề cập tới công tác bảo tồn với một di sản nằm trong nhiều di sản, một chuyên gia quy hoạch, bảo tồn bày tỏ lo lắng về hai vấn đề.

Thứ nhất, chúng ta đã có đầy đủ các tư liệu, thông tin, vật liệu, tiền bạc để trong quá trình thực hiện việc phục dựng không được làm sai, không được bỏ dở hay chưa?

Chúng ta đã có có đủ trình độ, đủ hiểu biết, đủ kinh nghiệm, kiến thức để thực hiện công việc này hay chưa?

Các Trung tâm quản lý di tích chỉ là đơn vị đại diện cho quyền lợi của nhà nước, xã hội, không thể đứng ra vừa làm nghiên cứu, lại vừa đại diện chủ đầu tư kiêm luôn đơn vị thực hiện. Nếu vậy, liệu có tránh tình trạng “thừa giấy vẽ voi” thích làm gì thì làm nhất là trong bối cảnh đã phát hiện nhiều vi phạm liên quan tới dự án di sản thời gian gần đây.

Thứ hai, phục dựng điện Kính Thiên cần phải đặt ra cả vấn đề liên quan tới công tác khai quật khảo cổ quanh khu vực này nữa. Vậy việc khai quật khảo cổ được thực hiện thế nào? Quy mô tới đâu?

Thứ ba, vấn đề phức tạp nhất hiện nay là xác định nên phục dựng cái gì và phục dựng như thế nào?

Theo vị chuyên gia, điện Kính Thiên không phải là một di sản độc lập ghi dấu những dấu tích kiến trúc cổ xưa của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… mà còn có không ít di tích lịch sử cách mạng đặc biệt ghi dấu ấn của một thời đoạn kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước...

Cách ứng xử hợp lý là chấp nhận sự tồn tại một di tích đa dạng về lịch sử, di tích phải chung sống với di tích trên cùng một hệ. Như vậy, vấn đề phục dựng hay bảo tồn cần hướng tới mục tiêu bảo tồn chung, phục dựng chung, di sản phải cùng được bảo tồn.

Với quan điểm như vậy, vị chuyên gia cho rằng có thể nghiên cứu phương án bảo tồn của Pháp. Đó là việc phục dựng lại bảo tàng Louvre, Paris. Các nhà khoa học Pháp đã lựa chọn giải pháp bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa, lịch sử đang có đồng thời trưng bày những giá trị văn hóa, lịch sử di tích ẩn bằng cách, bảo tồn khu bảo tàng và xây dựng Kim tự tháp kính Louvre đặt ở giữa sân Napoléon của bảo tàng này.

Như vậy, du khách tới đây vừa có cơ hội hiểu hơn về các nền văn hóa của từng thời kỳ khác nhau thông qua kim tự tháp, rồi đi xuyên qua tầng hầm để tìm hiểu, khám phá thêm các tòa nhà chính của cung điện dưới lòng đất. Nhiều bảo tàng khác đã bắt chước giải pháp này, trong đó đáng kể nhất là Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp tại Chicago.

Nếu làm theo cách này, Hoàng Thành Thăng Long có thể sử dụng lại căn hầm được xây dựng theo kiến trúc Pháp làm bảo tàng để trưng bày các tài liệu liên quan tới văn hóa các thời kỳ hoặc phục dựng lại điện Kính Thiên theo mô hình thu nhỏ. Không nên phá hủy các công trình di tích khác chỉ để phục dựng lại điện Kính thiên ngay tại vị trí cũ.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/phuc-dung-dien-kinh-thien-dung-lam-cho-bang-duoc-3431317/