Phục dựng đám cưới truyền thống thành sản phẩm du lịch

Nhiều xã ở các khu vực miền Đông khi tổ chức lễ hội đều chú trọng về việc phục dựng đám cưới truyền thống, như đám cưới Dao ở xã Hà Lâu, đám cưới Sán Dìu ở xã Hải Lạng (Tiên Yên), đám cưới Sán Chỉ ở xã Lục Hồn (Bình Liêu).

Ngày nay, các huyện đều chú trọng đến việc phát triển du lịch, do vậy các đám cưới được phục dựng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch. Bởi thị hiếu của du khách thường thích thú tìm hiểu những nét phong tục độc đáo, lạ mà địa phương mình không có.

Đám cưới của người Sán Chỉ được phục dựng tại xã Lục Hồn (Bình Liêu) trong Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu 2020 thu hút nhiều du khách.

Đám cưới của người Sán Chỉ được phục dựng tại xã Lục Hồn (Bình Liêu) trong Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu 2020 thu hút nhiều du khách.

Bởi qua nhiều năm cuộc sống hòa nhập, hầu hết các đám cưới của người dân tộc thiểu số đều mang những nét giống đám cưới người Kinh. Một lý do đơn giản là để bớt rườm rà, vì cuộc sống hiện tại, các khu vực đô thị đều chật chội, giao thông đông đúc, lớp trẻ lại thích sống nhanh nên đều lựa chọn lối sống hiện đại hơn. Bởi nếu một đám rước dâu, cô dâu ngồi trong kiệu để một đám người khênh trên đường rất kềnh càng và mất thời gian, nhất là khi nhà cô dâu ở cách xa nhà chú rể (có khi phải mất mấy ngày nếu cô dâu ở tỉnh khác). Do vậy, đám cưới rước dâu với xe hơi đời mới vẫn được lớp trẻ ưu tiên hàng đầu.

Thế nhưng khi nó là sản phẩm du lịch thì càng giữ được nét bản sắc độc đáo của văn hóa truyền thống thì du khách càng thích. Do vậy, dù đã được phục dựng nhưng một vài đám cưới cũng dừng ở mức độ để tổ chức trong các lễ hội và trở thành sản phẩm du lịch thì xem ra vẫn là hợp lý hơn. Bởi nếu là đám cưới thật diễn ra trong đời thường, thì chắc khách du lịch cũng không đến bởi khi ấy họ sẽ suy nghĩ khác, đám cưới phải có mời đàng hoàng mới đến, nếu không mời thì đến làm gì. Thế nhưng nếu là là đám cưới phục dựng thì du khách lại đến xem nhiệt tình, thậm chí lại còn chen chúc để xem mặt cô dâu chú rể, tuy họ biết rằng đó là cô dâu chú rể phục dựng.

Đám cưới truyền thống của người Sán Dìu được phục dựng lại ở xã Hải Lạng (Tiên Yên).

Chỉ riêng ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, là nơi đầu tiên phục dựng đám cưới của người Dao, nhưng nhiều bà con đã áp dụng luôn vào trong cuộc sống thật của mình, bởi xem ra nó gọn nhẹ và gần gũi với cuộc sống hiện nay của người Dao hơn.

Hà Lâu có tới hơn 71% là người dân tộc Dao, hiện bà con nơi đây vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống của người Dao, trong đó có đám cưới Dao. Trong Lễ hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Dao xã Hà Lâu lần thứ nhất năm 2018, lần đầu tiên tái hiện lễ rước dâu của đồng bào dân tộc Dao.

Anh Sằn Chi Nàm, thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, là người thường giữ vai trò ông mối trong các đám cưới Dao, chia sẻ: Các đôi uyên ương người Dao cũng thường tổ chức đám cưới vào dịp cuối năm và đầu năm mới.

Đám cưới Dao ở thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu (Tiên Yên).

Cũng theo anh Nàm, trước khi tổ chức hôn nhân, đôi trai gái có một thời gian tìm hiểu nhau, thông qua gia đình tiến hành tổ chức 4 nghi lễ như: Lễ dạm ngõ, lễ hỏi hay còn gọi là lễ “tắp pi ấu”, lễ “ăn gánh” hay còn gọi là lễ “làm sách đỏ” và cuối cùng là lễ cưới. Lễ làm sách đỏ được coi là lễ ban đầu và quyết định công việc cuối cùng tiến tới hôn lễ. Khi đôi bên đã thuận, nhà trai mang một đôi gà đến nhà ông mối để chuẩn bị sắp lễ thường vào lúc chiều tối. Ông mối xem chân gà để chứng kiến hạnh phúc đôi trai gái, rồi ông mối làm sách đỏ giống như hôn thư được cộng đồng phê chuẩn quyết định ngày cưới chính thức. Sau đó hai bên gia đình giao ước quyết định ngày cưới.

Vào ngày cưới, cô dâu mặc trang phục của dân tộc mình, đó là bộ đẹp nhất và cầu kỳ nhất. Điều quan trọng là bộ trang phục phải do chính tay cô dâu thêu cho mình trước khi lấy chồng. Ngoài ra, cô dâu còn có thêm một chiếc khăn thêu độc đáo, một chiếc mũ đội đầu thêu hoa văn có rua bốn bên và chiếc khăn che mặt được thêu bằng những sợi chỉ sặc sỡ. Như vậy, qua đám cưới Dao theo nghi lễ cổ truyền, người dân còn phát huy thêm nghề thêu thổ cẩm của mình, để phát huy bản sắc dân tộc.

Thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu nơi có 100% là người dân tộc Dao sinh sống dự kiến được xây dựng thành mô hình Homestay để du khách khi đến Hà Lâu có thể lưu trú. Bởi Hà Lâu có chợ phiên không chỉ có người Dao đến từ các thôn Bản của Hà Lâu và các xã của huyện Tiên Yên, mà còn thu hút cả bà con các dân tộc đến từ các xã của TP Hạ Long (Hoành Bồ cũ), huyện Bình Liêu và các huyện Đình Lập, Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn sang mua bán trao đổi hàng hóa. Do vậy đám cưới Dao cũng đã trở thành sản phẩm du lịch ở Hà Lâu, trước mắt là với những người đến dự đám cưới người Dao trên địa bàn xã.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202012/phuc-dung-dam-cuoi-truyen-thong-thanh-san-pham-du-lich-2513862/