Phức cảm X.O.M complex

Xem triển lãm X.O.M (một nhóm "quái dị" gồm 6 nghệ sỹ: Lê Thị Minh Tâm, Hendrik Lubbe, Yến Năng, Bùi Hoàng Dương, Hà Huy Mười, Nguyễn Xuân Hoàng), đã để lại quá nhiều phức cảm trong tôi, nên xin được gọi một cái tên chung: “những phức cảm X.O.M” (X.O.M Complex).

Một tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng

Thứ nhất, là “phức cảm địa ngục”. Dạo qua một vòng, nhiều người thấy ghê rợn. 6 tác giả dường như làm hiển hiện cả 18 tầng ở nhiều cấp độ khác nhau. Đủ cả chó ngao, vạc dầu, phần thây, ma quỷ, máu me, róc xương, xiên thịt, bệnh dịch... Có những người xem tranh thấy buốt tận màng não, có người thấy đau đớn ở tử cung mình... Ai bảo cõi sống này không có một phần địa ngục, khi mà lòng hận thù tràn khắp? Dưới mắt tôi, sự căm thù hiện ra thành một thế giới đầy lửa trong tranh Nguyễn Xuân Hoàng; một dạng khác của địa ngục là thế giới băng giá lạnh lùng trong các tác phẩm của Lê Thị Minh Tâm, Bùi Hoàng Dương, Hà Huy Mười, Yến Năng, làm dấy lên những nỗi hận có thể khiến người ta, trong cơn choáng, không muốn quan hệ với bất cứ ai; và Hendrik Lubbe thì thực sự là một “sát thủ mang bộ mặt trẻ thơ”... Hãy xem các tác phẩm của họ, để thấy trong ta cũng có “địa ngục”, vì ta căm ghét bọn ghét ta; và ta luôn kiêu ngạo, luôn nghĩ ta phải, thế mới oải!

Một tác phẩm Vô đề của Lê Thị Minh Tâm

Thứ hai, là “phức cảm ngạ quỷ”. Theo Phật học, đó là cảnh giới từ thần thức khởi lên sự thèm khát và ganh tị; thần thức vừa có cảm giác đầy đủ vừa thấy vô cùng thiếu, và thèm khát được nhiều hơn nữa; sự thỏa mãn của thần thức sẽ là sự săn đuổi, như cái khoái cảm lúc bắt được con thú chứ không phải là để ăn con thú. Cảnh giới này thoát ra từ trong các tác phẩm của họ có thể khiến người xem như người ăn đã quá no mà vẫn thèm vì cái khoái cảm khi được ăn. Vâng, thế thì “ngạ quỷ” cũng là tôi. Không thèm khát và ganh tị thì không thể “tiến bộ”, càng không thể viết được gì hay. Như Steve Jobs cũng chính là “quỷ”, bởi khi nào ông cũng kêu đòi “stay hungry” (hãy luôn đói khát). Phải chăng các vĩ nhân toàn “quỷ”?!

Tranh và tượng của Hendrik Lubbe

Thứ ba, là “phức cảm súc sinh”. Vâng, đủ cả “lục súc”. Cũng theo Phật học, đó là cảnh giới thiếu vắng cảm giác hỷ lạc, tâm thức hài hước; như thú vật có cảm giác hạnh phúc hay đau khổ nhưng không hề biết cười; trong đời sống người ta sẽ trở thành súc sinh khi nhắm mắt đi theo một quan điểm cực đoan nào đó, hoặc một khuôn khổ lý thuyết duy nhất rồi tuyệt đối tin tưởng vào đó một cách cố chấp, không suy xét hay thay đổi; họ theo những tiêu chuẩn, lề luật đã định sẵn, tất cả đều phải được tính toán từ trước. Vâng, tất cả các nghệ sỹ đều thể hiện những tác phẩm về muôn loại quái vật. Bùi Hoàng Dương thì chuyên vẽ chó từ lâu, nay anh đã “lên level” đưa chó thường thành chó của muôn vàn cảnh giới từ totem tới đủ loại “phức cảm sói”; các quái vật còn hiện ra muôn hình vạn trạng từ trong tranh của Hà Huy Mười (kẻ khiến người xem đau xé trong tử cung); còn Nguyễn Xuân Hoàng thì như thể muốn “vật hóa” toàn bộ thế giới người, nhất là đám người có thần có thế…; chỉ có tranh của Lê Thị Minh Tâm và Hendrik Lubbe là “có người”, nhưng người trong tranh Tâm không còn là người, đó như những “người tiền kiếp”, những “ma người” không được đầu thai hiện về “nói tiếng lạ”, còn nhìn tranh của Hendrik thì làm tôi nhớ đến chuyện bọn quỷ thường hiện hình dưới dạng những đứa bé tinh nghịch quái đản... Súc sinh thì không [biết] cười, các tác phẩm của X.O.M càng không cười, nhưng, không hiểu sao ai đến đây cũng thấy vui vẻ đột hứng?

Tác phẩm Cánh đồng của Yến Năng

Đó là bởi, các phức cảm cực đen tối tận cùng lại làm bật ra những phức cảm tươi sáng. Trong cảnh giới súc sinh mỗi một điều lạ, mỗi một bất ngờ là một thứ tai họa và sẽ là nguyên nhân gây sợ hãi, hỗn loạn dữ dội. Thế mà, X.O.M chỉ toàn điều lạ, và đầy rẫy bất ngờ, là đã đạt được công năng “dĩ quỷ tư tiên”, dùng được tài năng của mình để tạo hình như ma như quỷ mà dấy lên cảnh tiên trong lòng người. Cho nên, nẩy sinh những phức cảm khác nữa.

Một tác phẩm của Bùi Hoàng Dương

Thứ tư, là “phức cảm người”. Lại theo Phật học, con người thứ thiệt có đặc trưng khao khát tìm tòi, khám phá và thụ hưởng; cõi người vẫn có vài dấu vết của “ngạ quỷ” là luôn muốn “có được nhiều hơn”, đồng thời cũng có yếu tố của súc sinh là “cố gắng giữ cho mọi thứ được ổn định”. Hai cõi kia không có cái cái cõi người có là sự khôn ngoan, thường xuyên suy xét và tìm tòi không nghỉ. Đến đây, người ta sẽ tự biết tại sao loài người phải cảm ơn nghệ thuật, cảm ơn các nghệ sỹ trong đó có các thành viên của X.O.M này đã đốt cháy tâm can mình, lúc nào cũng trong tâm thế “kiếm củi ba năm thiêu một ngày”, để đi tìm hồn cốt và tinh thần cội rễ của sự sống, bồi bổ cho “linh hồn người” thêm được một gram ý nghĩa, khác hẳn với những gì đã biết từ quá lâu, quá cũ.

Một tác phẩm của Hà Huy Mười

Thứ năm, là “phức cảm thiên khải”. Theo Kinh Thánh, đó là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được, là làm bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người. Từng người một trong X.O.M, tất cả họ đã bộc lộ mình những khát khao thăm thẳm. Lê Thị Minh Tâm dường như đi tìm hồn vía tâm linh xa thẳm đầy dục năng trong những biểu hình đầy hấp lực như thể “ma ám”, mà có lần tôi đã gọi lối vẽ này là “thủ dâm tôn giáo”, nay, tranh của chị đã “thấu thị” hơn và mang tính thông linh tới những ước nguyện tươi sáng. Hendrik Lubbe thì có lẽ đã mang đến những cảm quan của niềm hỷ lạc cội rễ châu Phi bằng biểu hình sắc gọn khá duy lý của châu Âu, nhưng cương quyết không rời bỏ “đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ” (Tuệ Sỹ). Yến Năng, hình như là người có ánh nhìn “đa trị” nhất bởi có những ý tưởng của “tận thế” khi cho người xem thấy thế giới chỉ còn “trơ trơ sắt gỉ” bằng cách mượn tinh thần của “tái chế” và “anti-consumerism” để cảnh báo và... chửi, nên dù toàn dùng các thứ vật liệu ghê rợn mà tính tương phản càng mạnh, chả thế mà ai xem tác phẩm của anh cũng bị lên đồng, cụ thể là đã có nhiều nghệ sỹ trình diễn tương tác ngẫu hứng cùng tác phẩm Cánh đồng của anh. Bùi Hoàng Dương thì tưởng chân chất nhất mà hóa ra cực thiện xảo khi lật cánh từ “thú vật man dã” mà đánh đầu vào goal của những “fantasy diệu tưởng”. Hà Huy Mười như thể khiến người xem nghĩ mình là nghệ sỹ nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng (Pop Art) bởi phong cách dễ thấy ở David Hockney và Andy Warhol nhưng lại mang tinh thần “cách mạng” của Dada. Nguyễn Xuân Hoàng, người mà tôi đã gọi là có tính chiến đấu cao nhất với “thủ dâm chính trị” nên xem tranh anh người xem cảm thấy như “hoa lạc giữa rừng gươm”, nay trong mắt tôi đã thấy bừng nở ra những chiều kích mới, ánh lửa sáng tạo trong anh đã phong phú đa dạng hơn, nhuần nhị buông bỏ hơn, nói cách khác là thấy “hoa trên đầu súng”.

Một nghệ sỹ tương tác ngẫu hứng với tác phẩm của Yến Năng

Thứ sáu, là “phức cảm có/ăn bánh”, trực diện vào thẳng tôi, một người xem. Tức là, nếu người ta muốn có cái bánh thì đừng ăn, muốn ăn thì chấp nhận cái bánh không còn. Cụ thể là, tôi vừa muốn X.O.M tiếp tục cùng bên nhau phát triển, lại vừa muốn họ tan rã. Tôi muốn họ cùng nhau mãi vì điều quan trọng nhất: họ ăn ý và bổ sung cho nhau ghê gớm. Bước qua “u ám sặc sỡ” Lê Thị Minh Tâm sẽ gặp “sáng tươi bướng bỉnh” của Hendrik Lubbe; sau đó sẽ lòi ra cái đuôi “tinh nghịch hiểm hóc” của Yến Năng; bước tiếp sẽ gặp sự “dị nghịch” hết hồn của “cậu bé rừng xanh” Bùi Hoàng Dương; rồi sẽ gặp ngay những biểu hình như thể những cảnh báo khẩn thiết của Hà Huy Mười rằng hãy cẩn thận với các trò nghịch, trò lố, trò ác kẻo nhân quả nhỡn tiền; và đến với Nguyễn Xuân Hoàng để cùng “action, action more, action forever”, nếu muốn cùng nhau lên đỉnh cao nghệ thuật; lại bước sang Lê Thị Minh Tâm để trầm tĩnh lại mà ngẫm ngợi về “vực sâu”. Tôi cũng muốn họ tan rã, vì, ai trong X.O.M cũng đường đường đáng mặt... SOLO, sẽ càng ngày càng sáng giá. Mong, họ cứ mãi đi bằng hai chân, thậm chí “bắt cá hai tay”, như Andy Warhol đã từng “chơi tất”!

Đó là 6 phức cảm mà 6 nghệ sỹ X.O.M đã đem đến, cho tôi và cho bạn.

25/8/2020 - ĐT

Đặng Thân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phuc-cam-x-o-m-complex-78943