Phú Yên: Ngày đêm nghĩ cách 'giải khát' cho cây trồng

Hiện nay, tại Phú Yên, do nắng nóng kéo dài, mực nước trên một số lưu vực sông, hồ chứa xuống thấp, tình trạng hạn hán đã và đang diễn ra tại một số địa phương khiến người dân phải ngày đêm nghĩ cách để cứu cây trồng.

Những ngày qua, nắng nóng liên tục xảy ra trên diện rộng, khiến cho nguồn nước từ các hồ, đập, kênh rạch, sông suối bị cạn kiệt. Cây cối thiếu nước tưới, trở nên khô cằn, làm người dân không khỏi lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Hà ở Bình Định vào xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh (Phú Yên) thuê 2ha đất trồng dưa hấu, chia sẻ: Cách đây hơn 2 tháng, gia đình tôi vào đây thuê đất làm vụ dưa với tiền thuê 60 triệu đồng. Lúc đầu, cây phát triển xanh tốt, chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài khiến nước bị khô cạn, không có nước tưới tiêu nên gia đình tôi đành chấp nhận bỏ đất tìm đến nơi khác làm, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng. Nếu ráng cầm cự, thiệt hại còn nặng nề hơn.

Nắng nóng liên tục, khiến cho nguồn nước sông Ba bị thiếu hụt.

Nắng nóng liên tục, khiến cho nguồn nước sông Ba bị thiếu hụt.

Những ngày này, đi đến các xã của huyện miền núi Sơn Hòa, đâu đâu cũng nghe người dân than vãn về tình trạng hạn, ảnh hưởng đến sản xuất. Theo ông Võ Hòa, ngụ xã Suối Bạc, nhà ông có 5ha mía ở xã Ea Chà Rang. Hạn hán kéo dài khiến hồ nước hơn 300m2 của gia đình lâu nay vẫn dùng để tưới tiêu bị cạn khô. “Mấy bữa nay, tôi có mua dầu, ống nước để chạy máy bơm nước từ suối lên nhưng cũng không thấm vào đâu, vừa tốn tiền, tốn công nên thôi. Giờ cây mía xảy ra hiện tượng héo lá, có những chỗ đã chết dần, đành chấp nhận theo ý trời”, ông Hòa buồn rầu nói.

Vài ngày gần đây, ở một số nơi trên địa bàn tỉnh có mưa nhưng lượng mưa không nhiều nên cũng không thấm vào đâu so với tình hình nắng hạn như hiện nay. Hiện, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp phải ngưng sản xuất, thậm chí không thể chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày. Theo nhiều người dân, việc cứu cây trồng bị hạn chỉ biết có thể nhờ vào nước trời.

Ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng; lưu vực hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ không có mưa, lượng nước bốc hơi lớn và lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ rất thấp, dao động khoảng 10-19m3/s, tương ứng với tần suất khoảng 90-95%, khiến mực nước hồ đang ở dưới mức nước quy định (103,15m/103,5m). Do đó, lưu lượng về hồ rất thấp, chỉ đủ bù lượng nước bốc hơi. Tuy nhiện, để đảm bảo công tác cấp nước cho vùng hạ du sông Ba, phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm 2020 và nước sinh hoạt, công ty đã thực hiện chào giá 0 đồng để phát điện liên tục một tổ máy với lưu lượng nước về hạ du trung bình ngày khoảng 40m3/s.

Hiện tại, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ đang thực hiện chạy máy phát điện 2 đợt trong ngày, mỗi đợt từ 2 đến 3 giờ (buổi sáng bắt đầu từ 7h; buổi chiều bắt đầu từ 13h) và tùy theo tình hình lưu lượng nước về hồ để cấp nước cho các trạm bơm thuộc huyện Sơn Hòa, đồng thời phối hợp tốt với Nhà máy Thủy điện Sông Hinh để vận hành phát điện đảm bảo cấp đủ nước thường xuyên, liên tục cho đầu mối Đập Đồng Cam, với lưu lượng 35-40m3/s.

Đàn bò trong cánh khô cằn không có nguồn thức ăn.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Phú Yên, trong năm 2020, nắng nóng có thể xảy ra 7-9 đợt và có khả năng xuất hiện 3-5 đợt nắng nóng kéo dài. Tình hình thiếu nước, khô hạn là rất lớn, khả năng xâm nhập mặn sâu vào vùng cửa sông, ven biển. Do đó, công tác tưới vụ đông xuân 2019-2020 cũng như vụ hè thu 2020 và thời gian tới gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng có công trình thủy lợi nhỏ xa khu tưới.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm kê, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế nguồn nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; có kế hoạch phân phối nước và điều chỉnh hợp lý nguồn nước bị thiếu hụt để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi…), sản xuất nông nghiệp năm 2020 và thời gian tới. Chủ động triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo nguồn nước, nâng cao hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Quốc Hùng

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/phu-yen-ngay-dem-nghi-cach-giai-khat-cho-cay-trong-post35161.html