Phú Yên: Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa

Nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên là tỉnh có lợi thế tự nhiên về phát triển kinh tế biển, trong đó kinh tế thủy sản là thế mạnh của tỉnh. Để phát huy thế mạnh của địa phương, Sở Công Thương Phú Yên đã tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, để sản phẩm địa phương có chỗ đứng và cạnh tranh trên thị trường.

Phú Yên được thiên nhiên ưu đãi với vùng biển rộng, có nhiều loại hải sản tươi ngon như: sò huyết, cá ngừ đại dương, tôm sú, tôm hùm, do đó kinh tế thủy sản là thế mạnh của tỉnh này. Đồng thời, Phú Yên còn tập trung đầu tư cho khu chế biến nông nghiệp-ngư nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các sản phẩm đặc trưng của địa phương đang dần khảng định được thương hiệu của mình gồm: nước mắm, hải sản khô các loại, bò 1 nắng 2 sương, khóm Đồng Dinh, rượu tằm, đông trùng hạ thảo, bánh tráng, yến sào…

Theo đại diện Sở Công Thương Phú Yên, trong những năm qua, để kết nối sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong khu vực Miền Trung- Tây Nguyên và cả nước, Phú Yên đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh như An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk… Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nhiều hội nghị kết nối cung cầu trên cả nước, giúp doanh nghiệp có dịp giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương của Phú Yên được bày bán tại một cửa hàng.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương của Phú Yên được bày bán tại một cửa hàng.

Bà Nguyễn Thị Kim Bích- Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho hay, các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần giúp doanh nghiệp có cách tiếp cận mới về thị trường. Các doanh nghiệp đã nhận thức được cách làm nhãn hiệu, đóng gói bao bì, nắm bắt thị hiếu và xu hướng người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm để có chỗ đứng và cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, theo bà Bích còn không ít khó khăn trong việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối như: việc đưa sản phẩm, nhất là sản phẩm của các cơ sở nhỏ lẻ vào các kênh phân phối lớn (siêu thị, trung tâm mua sắm) còn gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu, nghiên cứu đối tác, thị trường, địa phương tổ chức hội nghị để hợp tác hoặc đặt vấn đề hợp tác. Nguyên nhân chính là do các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối, hay quy định của các siêu thị về thời gian thanh toán, chiết khấu, giá cả… nên các cơ sở sản xuất thường chọn tiêu thụ qua chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi. Mặt khác, các cơ cở cũng chưa chú trọng việc đầu tư xây dựng thương hiệu, nguồn nhân lực còn hạn chế, nhất là xây dựng thương hiệu trực tuyến trong thời đại phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử.

Được biết, thời gian tới, Sở Công Thương Phú Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa và phát triển thị trường nhằm phát huy các thế mạnh địa lý của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phu-yen-day-manh-ket-noi-cung-cau-hang-hoa-125317.html