Phú Xuyên: 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng đang chờ được đầu tư tu bổ

UBND huyện Phú Xuyên đề nghị Bộ VH-TT&DL và TP có cơ chế đặc thù với những huyện khó khăn về kinh phí, trong đó sớm quan tâm đầu tư tu bổ 9 di tích tại Phú Xuyên đang xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng.

Đoàn khảo sát trực tiếp Đình Nam Phú (thôn Nam Phú, xã Nam Phong) - di tích đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay mà chưa có kinh phí tu bổ, sửa chữa

Đoàn khảo sát trực tiếp Đình Nam Phú (thôn Nam Phú, xã Nam Phong) - di tích đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay mà chưa có kinh phí tu bổ, sửa chữa

Ngày 31/5, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội đã khảo sát tại huyện Phú Xuyên về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao (VHTT, TDTT) trên địa bàn từ năm 2016 đến nay. Trong đó, đã khảo sát trực tiếp Nhà văn hóa (NVH) thôn An Khoái (xã Phúc Tiến) và Đình Nam Phú (thôn Nam Phú, xã Nam Phong).

Theo đại diện Phòng VHTT huyện, với 345 di tích được TP công bố trong danh mục kiểm kê, Phú Xuyên là địa bàn có số di tích lớn của TP, trong đó 38 di tích đã xếp hạng cấp Quốc gia. Dù ngân sách hỗ trợ hạn chế nhưng chính quyền, Nhân dân huyện rất chú trọng đầu tư, huy động xã hội hóa để xây dựng, tôn tạo di tích.

Với phương châm Nhà nước, Nhân dân cùng làm, huyện phân bổ 4 tỷ đồng/năm để chống xuống cấp di tích; từ năm 2016 đến nay có 20 di tích đã, đang được tu bổ cấp thiết. Song, do đều bằng gỗ, qua lâu năm, thiên nhiên khắc nghiệt, hậu quả chiến tranh…, nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Thực hiện phân cấp, nhưng ngân sách huyện hạn chế nên nguồn đầu tư tu bổ chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là chưa có nguồn đối ứng để xin kinh phí của TP với những di tích xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng cần kinh phí lớn.

Đoàn khảo sát thực tế Nhà văn hóa thôn An Khoái (xã Phúc Tiến)

Với thiết chế VHTT-TDTT, tại huyện có một NVH huyện nhưng được xây cách đây gần 30 năm, nhiều hạng mục xuống cấp; thư viện chưa có trụ sở riêng. Huyện có 1 sân vận động xây từ những năm 80 nên cũng xuống cấp nặng.

Đặc biệt, đây là huyện duy nhất TP không có nhà thi đấu đa năng. Với cấp xã, mới có xã Phượng Dực báo cáo xây dựng trung tâm VHTT-TDTT, còn lại 27 xã, thị trấn chưa xây được trung tâm chuyên biệt này theo tiêu chí nông thôn mới. Với cấp thôn, làng, cũng còn 7 thôn chưa có NVH.

Từ đó, huyện đề nghị Bộ VH-TT&DL, TP có cơ chế đặc thù với những huyện khó khăn kinh phí, trong đó sớm quan tâm đầu tư tu bổ 9 di tích tại Phú Xuyên đang xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng: Đình Cổ Chế (thôn Cổ Chế, xã Phúc Tiến), đình Thần Quy (thôn Thần Quy, xã Minh Tân), đình Nam Phú (thôn Nam Phú, xã Nam Phong), đình Ngải Khê, chùa Ngải Khê (thôn Ngải Khê, xã Tân Dân), đình Phú Nhiêu (thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung), đình An Cốc Hạ (thôn An Cốc, xã Hồng Minh), đình Cổ Châu (thôn Cổ Châu, xã Châu Can), chùa Đa Chất (thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên). Sở VHTT cũng cần hướng dẫn việc xếp hạng công nhận di tích, thủ tục tu bổ cấp thiết cho di tích xuống cấp; Sở KH&ĐT tạo điều kiện hướng dẫn thủ tục đầu tư kinh phí tôn tạo di tích xuống cấp nghiêm trọng.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại UBND huyện Phú Xuyên

Trước ý kiến của huyện, đoàn khảo sát đánh giá Phú Xuyên ngày càng nâng cao nhận thức về quản lý di tích, đạt kết quả đáng khích lệ; đồng thời đề nghị huyện tiếp thu đầy đủ ý kiến để báo cáo cụ thể số liệu, chủ động giải pháp với cả hai lĩnh vực.

Trong đó, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình chia sẻ với khó khăn của địa phương và nhấn mạnh: Huyện cần kịp thời cụ thể hóa quy định của T.Ư, TP thành đề án của địa phương trong tu bổ di tích; tăng tuyên tuyền, làm rõ giá trị di tích; sưu tầm tư liệu, kể cả phát hiện giá trị mới để nâng tầm giá trị di tích lên.

“Sở VHTT đề xuất TP quan tâm hơn với những địa bàn khó khăn như Phú Xuyên; nhưng theo phân cấp, bản thân địa phương cần xác định rõ giá trị di tích để thu hút xã hội hóa nhiều hơn vào tu bổ, tôn tạo. Cũng cần kiểm kê, khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ bảo quản giá trị hồn cốt của di tích, tránh như đình Nam Phú dường như chỉ còn phần “vỏ” mà không còn hoành phi, câu đối, sắc phong…”, ông Bình nói.

Với thiết chế VHTT-TDTT, theo Trưởng đoàn, huyện đã đầu tư được nhiều thiết chế ở cấp gần dân nhất là NVH thôn, nhưng cấp huyện, xã lại rất thiếu, chất lượng kém, nên cần quan tâm hơn. Đặc biệt, không “chạy đua” tiến độ mà đầu tư cần đảm bảo phát huy được giá trị thiết thực với người dân; tránh có trung tâm VHTT đầu tư hàng trăm, chục tỷ đồng nhưng hiệu quả khai thác chưa tương xứng. Nhất là với NVH thôn, cần có những hạng mục phục vụ đa dạng nhu cầu VHTT-TDTT của người dân, chứ không chỉ là nơi tổ chức hội họp.

Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phu-xuyen-9-di-tich-xuong-cap-nghiem-trong-dang-cho-duoc-dau-tu-tu-bo-344506.html