Phụ thuộc sâu khí đốt Nga, một cách EU thoát Mỹ?

Các doanh nghiệm xuất khẩu năng lượng Mỹ cùng một lúc phải thực hiện hai biện pháp kinh tế khó khăn: tăng sản lượng - hạ giá bán, gây thiệt hại lớn...

EU gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn khi đốt của Nga

Ngày 14/1/2018, Sputnik dẫn nguồn tin từ Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cho biết trong tháng 1/2018, chính phủ Nga đã hoàn tất số liệu thống kê về lượng khí đốt mà nước này cung ứng cho Liên minh châu Âu trong năm 2017.

Điều đáng ngạc nhiên là bất chấp nhiều lần Brussles tuyên bố sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc của EU vào nguồn năng lượng từ Nga, nhưng hiện nay liên minh kinh tế này lại phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ xứ sở Bạch dương nhiều hơn trước.

Cụ thể, năm 2017, lượng khí đốt mà Gazprom đã cung cấp cho EU đạt tới 193,9 tỷ mét khối, tăng 8% so với năm 2016, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Nga và EU đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Brussels và Moscow đã phối hợp để giảm thiệt hại bởi việc luật hóa trừng phạt Nga của Washington

Đặc biệt, lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Đức và Áo trong năm 2017 đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, trong khi lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang Pháp cũng tăng 6,7% so với năm 2016.

Đây là thắng lợi kép của Nga, bởi Gazprom được coi là đơn vị mang lại nguồn lợi chính trong lĩnh vực năng lượng cho nước Nga. Mặt khác, đây còn là thắng thắng lợi chính trị của Moscow sau khi lệnh cấm vận bị luật hóa tại Mỹ và EU thì liên tiếp gia hạn.

Chủ tịch Gazprom, ông Alexei Miller khẳng định các số liệu thống kê không chỉ cho thấy nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu đối với nguồn năng lượng của Nga gia tăng, mà còn cho thấy sự tin cậy của EU và các nguồn cung cấp từ Nga.

EU đã đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng sau cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine, tác động đến nguồn cung cho EU. Mặc dù vậy, lượng khí đốt của Nga cấp cho EU vẫn liên tục tăng, hiện chiếm 1/3 tổng lượng tiêu thụ tại EU.

Ông Valery Nesterov, chuyên gia phân tích về dầu - khí thuộc Ngân hàng Sberbank CIB của Nga, nhận định rằng nhu cầu khí đốt của EU sẽ tiếp tục tăng do sự phục hồi kinh tế của liên minh và giá khí đốt cạnh tranh hơn so với nguồn năng lượng than đá.

Theo ông Nesterov, EU có thể sẽ giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga trong năm 2018 nhưng xu thế tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Nga nhìn chung không thay đổi và Gazprom sẽ vẫn duy trì được thị phần lớn của mình tại thị trường EU.

EU cố tình phụ thuộc năng lượng Nga để giảm thiệt hại với Mỹ?

Giới phân tích cho rằng, sự phụ thuộc của EU vào nguồn khi đốt của Nga vẫn sẽ gia tăng, thậm chí tăng mạnh hơn cả nhu cầu thực tế của EU và chính Brussels chủ động tạo ra hiệu ứng đó. Tại sao lại nhận định như vậy?

Nguyên nhân của vấn đề trái khoáy ấy được nhận diện là do EU muốn tránh thiệt hại khi phải lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Mỹ hoặc phải dành thị phần cho những nhà xuất khẩu năng lượng Mỹ.

Tăng phụ thuộc năng lượng Nga là một nước đi hiểm của EU với Mỹ

Có thể thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà việc trừng phạt Nga được luật hóa tại Mỹ lại gây phản ứng dữ dội không phải từ Nga, mà từ EU - đồng minh lâu đời của Mỹ bên bờ đông Đại Tây Dương.

Điều đó được thể hiện rất rõ ràng qua phản ứng của Brussels. Ngay sau khi nghị sĩ hai đảng của Mỹ đạt thỏa thuận, tờ Bild am Sonntag của Đức dẫn lời người phát ngôn Ủy ban châu Âu cảnh báo Mỹ:

“Luật trừng phạt Nga có thể gây ra hậu quả khôn lường, không chỉ với khối đoàn kết G-7, mà còn với lợi ích kinh tế và an ninh năng lượng của EU. Ảnh hưởng của nó rất rộng, bao gồm cả nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng của EU”.

Theo Brussel thì việc mở rộng lệnh trừng phạt lần này của Mỹ liên quan tới các vấn đề của riêng Washington, chứ không phải vấn đề quốc tế như lệnh trừng phạt trước đây mà Mỹ và EU phối hợp với nhau để gây sức ép với Nga.

Đặc biệt, giới chức tại Đức phẫn nộ cho rằng dự luật tạo ra sức ép lên chính phủ Mỹ phải ưu tiên xuất khẩu năng lượng, tạo việc làm, tăng cường chính sách ngoại giao kinh tế, đặt lợi ích Mỹ lên trên lợi ích của các đồng minh, theo Financial Times.

Theo giới phân tích, sau khi lệnh trừng phạt Nga được luật hóa tại Mỹ, nếu EU tuân thủ thì việc xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách từ kinh tế - thương mại đến hợp tác - đầu tư của EU gần như rơi vào thế bị động hoàn toàn.

Trước đây, khi tham gia liên minh cấm vận Nga với lệnh trừng phạt mà chính quyền Obama áp đặt, EU không mất thế chủ động của mình khi thời gian và cách thức áp dụng lệnh trừng phạt Nga được linh hoạt trong so sánh tương quan lợi - hại.

Tuy nhiên, khi lệnh trừng phạt Nga được luật hóa thì điều đó hoàn toàn do người Mỹ quyết định, trong khi lợi ích trong quan hệ Nga - Mỹ không tương đồng với lợi ích trong quan hệ Nga - EU.

Tổng thống Trump không lắng nghe đối tác đồng minh

Có thể nhận diện khi lệnh trừng phạt Nga được luật hóa tại Mỹ đã khiến EU chuyển từ phụ thuộc - bị ràng buộc, bị chi phối bởi Mỹ - sang lệ thuộc - mất tự chủ trong chính hành động của chính mình.

Khi chuyển từ phụ thuộc sang lệ thuộc Mỹ thì hàng loạt những lợi ích sống còn của EU cũng bị ảnh hưởng bởi đồng minh bên bờ tây Đại Tây Dương, trong đó có vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng, vốn đang là trọng tâm trong quan hệ Nga - EU.

Do lợi ích Mỹ từ Kế hoạch Marshall đã tạo ra nền tảng liên kết hình thành nên EU, vì vậy Brussels không thể “bắt tay” Moscow "phá rào" luật trừng phạt Nga của Mỹ, để từ đó hy vọng giảm thiểu thiệt hại bởi mưu đồ của đồng minh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phu-thuoc-sau-khi-dot-nga-mot-cach-eu-thoat-my-3350936/