Phú Thọ: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, tỉnh Phú Thọ đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho địa phương.

 Sản xuất chè đen phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba. (Ảnh: Nguyễn Huế)

Sản xuất chè đen phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba. (Ảnh: Nguyễn Huế)

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông lâm thủy sản của tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển ổn định và khá toàn diện. Tổng diện tích gieo trồng đạt 71.800ha, diện tích cây lương thực có hạt đạt 48.400ha, sản lượng ước đạt 278.500 tấn, đạt 65,4% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Vụ Đông xuân đảm bảo kế hoạch sản xuất và khung lịch thời vụ; hầu hết các cây trồng chính có năng suất, sản lượng vượt kế hoạch, tăng khá so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ một số mặt hàng có sản lượng lớn như: Chè, gỗ, chuối…

Do dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu nhập chè khô của các nước giảm, giá chè xuất khẩu giảm khoảng 10%, giá vật tư phục vụ sản xuất tăng 10 - 15%, giá vận chuyển (thuê container, vận chuyển tàu biển) có thời điểm cao gấp 7 - 10 lần. Dù sản phẩm chè tồn kho lớn nhưng nhiều công ty vẫn phải duy trì sản xuất, bảo đảm bao tiêu chè búp tươi đã ký kết với người dân.

Việc xuất khẩu cho 8 vùng trồng chuối trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng gặp khó khăn do thiếu lao động và chi phí vận chuyển xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, đơn hàng xuất khẩu giảm dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn do tồn đọng hàng hóa.

Đối với các mặt hàng rau củ, quả và một số hàng nông sản khác có thị trường tiêu thụ nội địa là chủ yếu, không chịu nhiều ảnh hưởng do gián đoạn hoạt động xuất khẩu, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, tình hình tiêu thụ chậm hơn song vẫn đảm bảo lưu thông, không có tình trạng ùn ứ.

Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương của tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các nội dung của lĩnh vực nông nghiệp để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra; chủ động triển khai kế hoạch sản xuất theo đúng khung lịch thời vụ; tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ tìn hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành, thị, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Đồng thời làm việc với các nhà đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến tổng hợp tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức phong phú như: Giới thiệu sản phẩm qua các kênh hội chợ trong và ngoài nước; đăng thông tin trên báo đầu tư.

Đến nay, nhiều nông sản thực phẩm của tỉnh được các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá đến với người tiêu dùng.

Đồng thời, tỉnh Phú Thọ cũng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng xây dựng liên kết chuỗi, có định hướng cụ thể trong sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 trung tâm thương mại, 14 siêu thị và trên 100 cửa hàng Vinmart+, cửa hàng tiện ích, có quy mô từ 100 - 500m2 đang hoạt động ổn định; 20.000 trang trại và hộ gia đình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản. Hiện đã có gần 60 sản phẩm nông sản, thực phẩm được phân phối vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như rau, củ, quả; các loại bánh đã qua chế biến; thịt các loại; chè và các loại dầu ép ra từ nông sản.

Ngoài ra, các đơn vị cũng đang đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức trực tuyến. Các chủ thể sản xuất được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong tỉnh (giaothương.net.vn và nongsan.phutho.gov.vn).

Để thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng vào nhãn mác, bao bì sản phẩm.

Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối, ứng dụng phần mềm truy xuất trong tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh về lợi ích của việc tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nhận thức được vai trò của thương mại điện tử trong nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã tích cực quảng bá sản phẩm trên website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể đặt mua hàng trực tuyến.

Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp kết nối, xúc tiến thương mại được tiến hành quyết liệt, tỉnh Phú Thọ đã và đang hỗ trợ và tạo điều kiện tiêu thụ nông sản sản xuất trên địa bàn, đảm bảo đời sống cho bà con nông dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Khánh Vy

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/phu-tho-thuc-day-tieu-thu-nong-san-trong-boi-canh-dich-covid-19-586153.html