Phú Thọ: Sớm đưa Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam

Xây dựng thành phố Việt Trì ngày càng văn minh, hiện đại, sớm trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam là mục tiêu của Đảng bộ thành phố Việt Trì (Phú Thọ) trong giai đoạn tới. Nhiều giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững đã được thành phố Việt Trì đề ra.

600 nghệ nhân và học sinh thành phố Việt Trì trình diễn Hát Xoan ba thế hệ. Ảnh tư liệu: Trung Kiên/TTXVN

600 nghệ nhân và học sinh thành phố Việt Trì trình diễn Hát Xoan ba thế hệ. Ảnh tư liệu: Trung Kiên/TTXVN

Ông Nguyễn Mạnh Sơn - Bí thư Thành ủy Việt Trì cho biết, Đảng bộ thành phố Việt Trì đã đề ra 5 định hướng lớn cho giai đoạn tới, đó là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giải quyết tốt các vấn đề xã hội; lấy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ làm động lực tăng trưởng kinh tế; tiếp tục thực hiện ba khâu đột phá về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Để thực hiện hiệu quả các định hướng đó, thành phố đang tập trung huy động mức cao nhất các nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương, các thành phần kinh tế và toàn xã hội. Trong giai đoạn tới, thành phố phấn đấu huy động trên 47 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Nguồn vốn sẽ được tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các khu đô thị mới, phát triển giao thông đối ngoại, hoàn thiện hệ thống điện, nước sạch, nước thải, phát triển đồng bộ hệ thống viễn thông, nâng cấp hệ thống dịch vụ thương mại; đồng thời di dời các nhà máy cũ ô nhiễm ra khỏi thành phố; nâng cấp các thiết chế văn hóa phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch…

Bên cạnh đó, thành phố thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo động lực, đột phá để thu hút vốn đầu tư. Thành phố cũng tập trung tôn tạo, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống gắn với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”; đồng thời, quy hoạch và xây dựng tuyến phố chuyên doanh, ẩm thực; quan tâm đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch.

Ngoài ra, thành phố Việt Trì tiếp tục khai thác hiệu quả Trung tâm điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát tại một số nút giao thông và khu vực công cộng; xây dựng trạm dừng nghỉ đỗ xe, vệ sinh công cộng và bố trí vị trí dừng, đỗ xe trên một số tuyến đường chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ công cộng như vệ sinh môi trường, cây xanh, điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, cấp thoát nước; xây dựng, phát hành rộng rãi “Quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì”, từng bước hình thành các chuẩn mực về hành vi ứng xử văn hóa, văn minh của công dân thành phố.

Trong sản xuất nông nghiệp, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật; chú trọng xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung, quy mô phù hợp và có giá trị kinh tế cao; khuyến khích tăng diện tích lúa, hoa chất lượng cao và các loại rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển các làng nghề truyền thống, các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, đồng thời thực hiện đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nhằm bảo hộ, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiếp tục chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới, hướng đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu và chuẩn bị điều kiện để chuyển một số xã thành phường.

Thời gian qua, dù đối mặt với kinh tế suy thoái, đầu tư công giảm nhưng nhờ vận dụng thời cơ, tranh thủ tối đa các nguồn lực, thành phố Việt Trì vẫn huy động được nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước “đột phá” trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng, trong đó, tổng vốn huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố đạt gần 28 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 27% so với 5 năm trước).

Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư và hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: Quốc lộ 32C; đường Tôn Đức Thắng, đường Phù Đổng và nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC7), đường Trường Chinh, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang; hoàn thành đầu tư gần 134km giao thông nội thị; kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt 83%. Nhiều dự án khu đô thị mới được tập trung đầu tư như: đồng Láng Cầu, Long Châu Sa, Bình Hải, đường Vũ Thê Lang, Hai Bà Trưng... đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Với những giải pháp quyết liệt đã đề ra, thành phố Việt Trì phấn đấu trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, nâng tầm đô thị lên một tầm cao mới, xứng đáng là trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cửa ngõ quan trọng của vùng Thủ đô.

Lâm Đào An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/phu-tho-som-dua-viet-tri-tro-thanh-thanh-pho-le-hoi-ve-voi-coi-nguon-dan-toc-viet-nam-20200801073018384.htm