Phú Thọ: Núi đồi 'tan hoang,' Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý

Thanh tra Chính phủ ký vừa ban hành kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2006-2017.

Một quả đồi bị đào bới tan hoang tại xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy trong năm 2018. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Một quả đồi bị đào bới tan hoang tại xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy trong năm 2018. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Liên tiếp những năm gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản, hạ cốt nền để “rút ruột” tài nguyên trái phép ở tỉnh Phú Thọ đã diễn ra phổ biến khiến hàng loạt quả đồi bị đào bới nham nhở, tan hoang. Hậu quả là nhiều nơi, những khoảnh rừng ngập màu xanh của cây cối đã bị mất trắng, trở thành những hố sâu “khổng lồ,” gây môi trường ô nhiễm, trong khi ngân sách thì thất thu.

Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã ký ban hành kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2006-2017), trong đó chỉ ra nhiều sai phạm cần xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan qua các thời kỳ.

Hàng loạt vi phạm

Theo kết luận, trong giai đoạn 2006-2017, sản lượng khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường tại tỉnh Phú Thọ chiếm trên 21,5 triệu (tấn và m3). Trong đó giai đoạn 2009-2015 có số lượng phải thực hiện quy đổi từ quặng khoáng sản thành phẩm ra quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ không thực hiện, các sở ngành cũng không tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện, dẫn đến thất thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Trách nhiệm đối với những sai phạm này được Thanh tra Chính phủ xác định thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh; các Sở, ngành Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục Thuế (giai đoạn 2008-2015).

Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 được Sở Công Thương thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ phê duyệt nhưng nội dung quy hoạch lại không xác định khu vực điểm mỏ và loại khoáng sản cần thăm dò, khai thác, chế biến, vi phạm quy định của Chính phủ.

Cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ công tác lập, phê duyệt quy hoạch, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ chưa ban hành quyết định phê duyệt, vi phạm Luật Khoáng sản 2010.

Quặng cao lanh được tập kết chờ chở đi tiêu thụ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện từ năm 2006 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt 333,34 hécta so với quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, vào các loại đất khác, vi phạm Luật Đất đai. Trách nhiệm đối với những sai phạm này thuộc về Ủy ban Nhân dân tỉnh; các Sở Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng.

Kiểm tra 34 giấy chứng nhận đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho biết có 20 giấy chứng nhận, tại mục ưu đãi đầu tư ghi “dự án được hưởng các ưu đãi theo các quy định pháp luật hiện hành” nhưng không ghi đầy đủ thông tin về ưu đãi theo hướng dẫn của Chính phủ và quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trách nhiệm này thuộc về Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (2006-2017).

Năm 2012, địa phương này gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn khoáng sản Thành Phương khai thác, chế biến cao lanh tại huyện Tam Nông; Công ty Trách nhiệm hữu hạn khoáng sản và xây dựng HAT khai thác Sepentin tại huyện Thanh Sơn.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện 24 giấy phép khai thác khoáng sản cấp phép chưa đầy đủ thủ tục, nội dung và hình thức theo mẫu quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đáp ứng quy định về đánh giá hàm lượng, trữ lượng khoáng sản. Trách nhiệm này thuộc về Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Về công tác bảo vệ môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, tính đến hết năm 2017, tổng số tiền của 159 dự án phải nộp trên 33,7 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ đọng trên 12,7 tỷ đồng. Trách nhiệm đối với sai phạm này thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường và chủ đầu tư các dự án.

Trong giai đoạn từ năm 2016-2017 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 19 dự án do Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép đã hết thời hạn nhưng vẫn còn 16 dự án chưa thực hiện, vi phạm Luật Khoáng sản 2010. Trách nhiệm đối với sai phạm này thuộc về Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và chủ đầu tư các dự án.

Một quả đồi tại xã Tân Phương bị đào sâu tới 30-40m để khai thác quặng cao lanh trái phép. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều sai phạm về tài chính trong hoạt động khoáng sản với tổng số tiền hơn 24,1 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của 52 đơn vị nợ đọng với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng…

Kiến nghị xử lý trách nhiệm

Với những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản theo kết luận thanh tra đã công bố.

Tỉnh phải tổ chức rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư còn nợ đọng; kiểm tra, rà soát, xử lý đối với diện tích hơn 333,3 ha đất đã thu hồi cho hoạt động khoáng sản vượt quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; rà soát và điều chỉnh lại nội dung 12/24 giấy phép khoáng sản đã cấp còn hiệu lực theo đúng quy định của Bộ tài nguyên và Môi trường; thực hiện đóng cửa mỏ đối với 16 điểm mỏ đã hết hạn quy định của pháp luật.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục thuế tính toán sản lượng khai thác kê khai nộp phí bảo vệ môi trường giai đoạn 2009-2015 đối với số lượng gần 7,4 triệu (tấn và m3) phải thực hiện quy đổi từ số lượng quặng khoáng sản thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, thu về ngân sách nhà nước theo quy định.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh; các sở Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải; Cục Thuế; Ban Quản lý các khu công nghiệp; Ủy ban Nhân dân thành phố Việt Trì; Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Thọ; Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Sơn; Ủy ban Nhân dân huyện Tân Sơn qua các thời kỳ.

Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các tập thể, cá nhân thực hiện không đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản./.

Trước đó, VietnamPlus đã đăng tải loạt bài “ vì lỗ hổng trong quản lý tài nguyên khoáng sản” phản ánh việc hàng chục quả đồi đã liên tiếp bị hạ cốt mặt bằng, “hô biến” thành những “chuồng trại chăn nuôi gà khổng lồ,” hay khu vực trồng cây dược liệu để tận thu quặng cao lanh trái phép, làm thất thoát một lượng không nhỏ nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia.

Tình trạng khai thác khoáng sản, hạ cốt nền để “rút ruột” tài nguyên trái phép diễn ra rầm rộ từ tháng này qua tháng khác nhưng không được xử lý đã khiến hàng loạt khu đồi bị đào bới nham nhở, tan hoang. Đằng sau đó là cả câu chuyện dài về một loạt thủ thuật “phù phép” để bao che, thậm chí có nghi vấn “bảo kê” cho thế lực ngầm ngang nhiên dỡ đồi, khai thác cao lanh trái phép trong suốt thời gian.

Hậu quả là đến nay (tháng 2/2020), nhiều nơi, những khoảnh rừng ngập màu xanh của cây cối đã bị mất trắng, trở thành những "vùng sa mạc" cùng với hàng loạt hố sâu nham nhở.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phu-tho-nui-doi-tan-hoang-thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-xu-ly/622755.vnp