Phú Thọ: Người dân nơm nớp lo sợ hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty Thắng Lợi

Người dân phải liều mình ôm cháu chạy ra đường, cách xa mỏ đá đề phòng nguy hiểm đá bay vào nhà mỗi khi mỏ đá Mèo Gù của Công ty TNHH Thắng Lợi (xã Phúc Khánh, Yên Lập, Phú Thọ) tiến hành nổ mìn. Bên cạnh đó, cư dân cũng phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường, khói bụi từ hoạt động khai thác, vận chuyển đá của doanh nghiệp này.

Người dân nơm nớp lo sợ an toàn tính mạng

Theo phản ánh của một số hộ dân xóm Đình, xã Phúc Khánh (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), nhiều năm qua đã phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nguy hiểm rình rập từ hoạt động nổ mìn khai thác, vận chuyển đá tại mỏ đá Mèo Gù của Công ty TNHH Thắng Lợi.

Mặc dù các hộ dân đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương các cấp, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều người dân cũng “phát chán”, không muốn cứ mãi đi “kêu” rồi đâu lại vào đó, không được giải quyết.

Mỏ đá Mèo Gù của Công ty TNHH Thắng Lợi tại xã Phúc Khánh (Yên Lập, Phú Thọ) nằm ngay cạnh QL 70B và nhiều hộ dân xóm Đình.

Nghiêm trọng hơn, vào cuối tháng 10/2017, Công ty TNHH Thắng Lợi đã nổ mìn trái quy định ngay tại khu vực sát các hộ dân và Quốc lộ 70B, khiến cho hàng chục m3 đá lớn rơi xuống đường. Rất may, thời điểm xảy ra vụ việc đường vắng người nên không gây thương vong, nhưng các hộ dân đều hết sức hoang mang, lo lắng an toàn tính mạng cho gia đình khi ở ngay cạnh mỏ đá này.

Theo quan sát của PV, mỏ đá Mèo Gù của Công ty TNHH Thắng Lợi nằm ngay sát trục QL70B đoạn đi qua xóm Đình, xã Phúc Khánh. Bên cạnh đó, có hàng chục hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm, ngay cạnh mỏ đá, nhưng không hiểu vì lý do gì mỏ đá này vẫn được cấp phép, gia hạn nhiều năm trong khi các hộ dân không được di dời.

Bà L., người dân tại đây cho biết, rất nhiều lần gia đình phải hứng chịu cảnh đá bay từ việc nổ mìn lên nóc nhà. Mặc dù công ty có bồi thường, nhưng mỗi lần gây hư hỏng được vài trăm nghìn thì có thấm vào đâu so với những thiệt hại về tinh thần, vật chất của nhiều thế hệ trong gia đình suốt từ năm 2003 đến nay.

Hoạt động khai thác, chế biến đá tại khu vực ngay sát các hộ dân khiến họ phải chịu cảnh ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm nhiều năm qua.

Theo bà L., mỗi khi nổ mìn thì mỏ lại cảnh báo người dân bằng tiếng kẻng. “Cứ nghe thấy kẻng là chạy mãi ra đầu làng để tránh nguy hiểm. Nhiều lần bế cháu chạy đi ra khỏi nhà, bỏ của chạy lấy người”.

Cùng chịu hoàn cảnh trên, ông G.,cho biết, quanh vùng có 3 nhà giáp quốc lộ, nằm sát mỏ đá. Rất nhiều năm chẳng có chế độ hỗ trợ môi trường hằng tháng mà doanh nghiệp đã cam kết.

“Các nhà dân xung quanh đây đều bị rạn nứt do hoạt động nổ mìn của công ty, khói bụi là chuyện thường xuyên rồi. Bụi thì ngày nào cũng phải đóng cửa mà bụi vẫn vào. Mỗi ngày nghe thấy tiếng kẻng nổ mìn là gia đình tôi lại run bấn lên không dám chạy ra ngoài, vì nhà tôi còn kiên cố, ở trong này đá nó bay vào thì còn không sao, chứ chạy ra ngoài không may nó bắn vào đầu thì chỉ có chết thôi.”

Sau nhiều lần xảy ra lở đá, hoạt động san gạt tạo vỉa để giữ đá lăn mới được thực hiện. Tuy nhiên, người dân vẫn hết sức lo lắng những khối đá to có thể lở xuống.

“Chúng tôi ở đây kiến nghị nhiều rồi, các cấp rồi, đâu rồi vẫn vào đó, chẳng thay đổi được nên giờ chán rồi, sống chung với lũ”, ông G. ngao ngán.

Người dân tại đây cũng cho biết: “cách đây vài hôm lại có một hòn đá to bằng bao tải lúa lăn xuống, nay thấy họ lại mang máy xúc ra cào, cắt vỉa để đá nó lăn thì mắc lại, nhưng vẫn sợ lắm”.

Chính quyền địa phương 3 không: Không biết, không giám sát, không xử lý

Để tìm hiểu rõ vấn đề người dân phản ánh, cũng như công tác quản lý tại địa phương, PV đã có buổi làm việc với ông Lê Thanh Liêm – Chủ tịch và ông Hoàng Xuân Trường – Phó chủ tịch UBND xã Phúc Khánh, nhưng đều nhận được những phản hồi hết sức “ngô nghê”, thiếu trách nhiệm.

Theo đó, đại diện UBND xã khẳng định, hàng tháng đều tổ chức các cuộc họp cử tri nhưng không thấy cư dân nói về hoạt động khai thác mỏ đá Mèo Gù.

Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề việc người dân phản ánh hoạt động khai thác đá không đảm bảo khoảng cách an toàn, gây ô nhiễm môi trường… thì ông Trường lý giải, Công ty Thắng Lợi đã có thỏa thuận thuê lại nhà của các hộ dân, nhưng họ vẫn ở đó. Ông Trường cũng cho rằng, trách nhiệm quản lý… chiều sâu (việc người dân vẫn ở trong vùng nguy hiểm) là của công an tỉnh, huyện chứ không phải của xã?!

Cuối năm 2017, hàng chục m3 đá đã rơi xuống QL 70B sau hoạt động nổ mìn trái quy định của Công ty TNHH Thắng Lợi. Người dân luôn phải sống trong cảnh lo sợ.

Đối với trường hợp các hộ dân sinh sống ngay cạnh khai trường của mỏ đá, ông Trường cho rằng: “Bằng cảm quan nhìn mắt thường thì thấy không an toàn nhưng do các Sở, ban ngành chuyên môn đã đo đạc kiểm tra và cấp phép hoạt động thì cũng vẫn là hoạt động khai thác đúng”.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Thanh Liêm cho rằng: "Từ mỏ đá ra tới các nhà dân, nó là cái kim à, nó nằm lù đấy, thế ai là người cấp phép, ai bảo được, việc của xã à, không phải. Bây giờ anh bảo tiếng ồn, dân bảo tiếng ồn, thế ai là người đo... Các chú phải làm việc với Sở (Sở Tài nguyên môi trường Phú Thọ)". Ông Liêm cũng khẳng định, mình chưa biết khoảng các từ mỏ đá tới các hộ dân là bao nhiêu mét.

Về vấn đề các xe tải chở đá có dấu hiệu quá tải, vị chủ tịch xã Phúc Khánh thừa nhận phản ánh của người dân là đúng, tuy nhiên, đó là trách nhiệm của ngành giao thông; còn đối với việc nhà cửa của các hộ dân bị nứt nẻ, vị này cũng cho rằng... nhà nào xây lâu chẳng bị nứt, làm sao nói nguyên nhân do nổ mìn khai thác đá được?!

Chỉ trong vòng 1 tiếng, có hàng chục chiếc xe có dấu hiệu quá tải từ mỏ đá Mèo Gù đi ra QL 70B.

Đáng nói, khi PV tiếp tục đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý hoạt động mỏ đá Mèo Gù và các văn bản liên quan tới công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm tại mỏ đá này thì hai vị lãnh đạo xã Phúc Khánh cho rằng, việc cấp phép là của Sở và tỉnh nên xã không nắm được văn bản; cũng không có thẩm quyền xử lý. (?!)

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Bùi Tiến Vỹ - Phó chủ tịch huyện Yên Lập cho biết, doanh nghiệp khi hoạt động khai thác đã cam kết sẽ đền bù cho người dân, kể cả khi họp cũng không thấy nhắc về vấn đề này (các vấn đề người dân phản ánh).

Ông Vỹ chia sẻ, vào cuối năm 2017 đã xảy ra tình trạng đá lở từ mỏ đá Mèo Gù xuống đường, ngay sau đó chính quyền đã chỉ đạo khắc phục bằng cách đào rãnh gần chân núi để ngăn không cho đá lăn xuống đường. Sau những thông tin đã được phản ánh, huyện sẽ kiến nghị để yêu cầu mỏ phải di chuyển điểm khai thác vào sâu bên trong nhằm cách xa khu dân cư và trục đường chính.

Sau sự việc Công ty TNHH Thắng Lợi tổ chức nổ mìn trái quy định khiến hàng chục khối đá văng xuống QL 70B, huyện Yên Lập đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu công ty này tạm dừng khai thác tại khu vực có khoảng cách không an toàn.

Phó chủ tịch huyện Yên Lập khẳng định, sẽ chỉ đạo kiểm tra và giải quyết ngay những vấn đề tồn đọng và xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển quá tải, gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp này nếu có vi phạm.

Theo thông tin từ Phòng TNMT huyện Yên Lập, trong quá trình hoạt động suốt thời gian qua Công ty TNHH Thắng Lợi đã nhiều lần nổ mìn dẫn đến việc bắn đá gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Tuy nhiên chỉ được giải quyết bằng những bồi thường trung bình ở mức 500 nghìn đồng.

Điều hết sức kỳ lạ là chính quyền địa phương tại đây đều quá "thờ ơ" trước những ảnh hưởng nghiêm trọng từ hoạt động nổ mìn khai thác, vận chuyển đá của Công ty TNHH Thắng Lợi đối với người dân xung quanh cũng như người tham gia giao thông trên Quốc lộ 70B khi nằm quá gần mỏ đá.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cầm sớm vào cuộc, chỉ đạo làm rõ hoạt động khai thác, vận chuyển đá của Công ty TNHH Thắng Lợi; đồng thời xem xét việc tiếp tục duy trì hoạt động khai thác của mỏ đá nguy hiểm này.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Nam Phong

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/phu-tho-nguoi-dan-nom-nop-lo-so-hoat-dong-no-min-khai-thac-da-cua-cong-ty-thang-loi-104491