Phú Thọ: Nét đẹp văn hóa của Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa

Ngày 19/2 (Tức ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), nghi lễ truyền thống và khai hội Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa đã được diễn ra tại phường Minh Nông, TP. Việt Trì, Phú Thọ. Đây là nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện truyền thống đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, tại lễ hội, các nghi thức thuộc phần lễ đã được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường Minh Nông cùng các tầng lớp nhân dân tái hiện đầy đủ, trang nghiêm từ nghi thức cáo yết, cúng Thần Nông đến nghi thức khai mạc với hoạt động tế lễ và đặc biệt là phần thực hành trình diễn cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Đây là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương.

Toàn cảnh lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa xuân Kỷ Hợi 2019

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cây lúa là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều

trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân cùng du khách thập phương tham gia.

Việc phục dựng lại Lễ hội sẽ góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời tạo thêm điểm nhấn về hoạt động lễ hội trong tiến trình xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Cũng trong khuôn diễn ra lễ hội, phường Minh Nông đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng lễ hội, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách.

Sau một thời gian gián đoạn từ năm 2000 đến năm 2018, tỉnh Phú Thọ mới có điều kiện để phục dựng lại lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa với mong muốn tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương.

Có thể khẳng định, Lễ hội Vua Hùng dạy dân cây lúa là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Tin tưởng rằng, nét đẹp ấy sẽ tiếp tục được các thế hệ con Lạc, cháu Hồng gìn giữ, bảo tồn và phát huy, thực sự trở thành sợi dây kết nối linh thiêng giữa thế hệ hôm nay, mai sau với cội nguồn dân tộc.

Theo truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, địa danh Minh Nông là tên gọi vùng đất khởi thủy của nghề nông, xưa thuộc Kẻ Nú hay làng Nú. Theo các nghiên cứu, Nú đồng nghĩa và đồng âm với Lú nghĩa là Lúa, cho nên Kẻ Nú còn gọi là Kẻ Lú hay Kẻ Lúa, nghĩa là Làng Lúa. Kẻ Nú xưa, nay là phường Minh Nông (TP Việt Trì) gồm các xóm: Hồng Hải (xóm Giải Làng), Thông Đậu (xóm Đõ), Minh Tân (xóm Nhúi), Minh Bột (xóm Đồi Ngược), Hòa Phong (đồi Lúa, đồi Rơm).

Sau nhiều năm nghiên cứu và phục dựng, lễ hội được tổ chức gắn với không gian trải dài theo đất phát tích, chính là sự khởi đầu cho chuỗi các hoạt động gắn với màu sắc linh thiêng của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019, tạo nên điểm nhấn văn hóa tâm linh cho thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc.

Mong muốn của người dân nơi đây cũng như khách thập phương Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, góp phần quy hoạch khu di tích trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, phục vụ đồng bào và du khách thập phương.

Thanh Huyền

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/phu-tho-net-dep-van-hoa-cua-le-hoi-vua-hung-day-dan-cay-lua-d19643.html