Phú Thọ: Độc đáo nghề đánh Bống trên sông Lô

Thông thường, việc đánh bắt cá Bống diễn ra cách bị động như đó hoặc thả bát quái nhưng những người dân ở làng Vân Cương (Đoan Hùng – Phú Thọ) lại nghĩ ra cách đánh bắt bống trên sông hết sức độc đáo. Những chú bống sông Lô lưng vàng, bụng trắng tươi rói là thứ thực phẩm giàu dinh dưỡng và hết sức an toàn. Điều đặc biệt hơn, người dân nơi đây còn chế biến được rất nhiều món ăn ngon có một không hai từ giống cá Bống bé nhỏ.

Phương thức đánh bắt độc đáo

Không ai biết rõ nghề đánh Bống trên sông Lô có từ khi nào, nhưng dường như ít thấy có nơi nào sử dụng phương thức này. Thông thường, ở những nơi khác việc đánh bắt bống trên sông thường là bị động. Ngư dân thường chỉ dùng đăng chặn dòng để đánh đó hoặc thả bát quái. Vì thế, Bống đánh được thường lẫn với các loại tôm tép khác nhau, đôi khi Bống bắt được chỉ là ăn may.

Tuy nhiên, những người dân thuộc làng Vân Cương lại có phương thức đánh bắt cá Bống truyền thống độc đáo và lý thú. Đồ nghề để đi đánh Bống trên sông hết sức đơn giản chỉ bao gồm đoạn dây Sò dài chừng 100m, màn Bống tự chế và một chiếc thuyền nan nhỏ. Dây Sò được kết từ vỏ của con Sò thường là từ vùng biển Quảng Ninh đem về đục lỗ rồi xỏ dây. Màn bống được may từ những chiếc màn tuyn cũ gắn vào ba cây tre nhỏ tạo thành thế chân kiềng. Còn thuyền thì được đan từ tre sau đó dùng vữa xi măng và cát trát lại để chống ngấm nước.

Giống cá Bống thường sống theo đàn ở tầng đáy vùng nước nông, chúng có điểm yếu là cứ nhìn thấy Ngao, Sò, Ốc, Hến là chạy tán loạn. Lợi dụng nhược điểm này, người dân nghĩ ra cách dùng vỏ Sò để đuổi Bống vào màn thay vì ngồi chờ Bống chui vào đó hay bát quái. Công đoạn đầu tiên trong phương thức độc đáo này là cắm màn, việc cắm màn rất quan trọng, quyết định 60% sự thành bại của mẻ bống. Người cắm màn phải có kinh nghiệm để phán đoán xem khu vực nào có nhiều Bống, bên cạnh đó còn phải biết quan sát chiều gió và dòng chảy để quyết định cắm màn ngược hay xuôi. Công đoạn tiếp theo là một người cầm một đầu dây Sò đi dọc theo bờ, người còn lại vừa bơi thuyền ra xa vừa thả dây Sò theo hình vòng cung. Cả hai vừa đi vừa giật cho dây Sò rung lắc nhằm đuổi bống về màn. Khi hai đầu dây Sò đã thu về đến màn, hai người đồng loạt nhấc màn cho Bống xô vào bầu màn rồi chỉ việc lấy rá để hớt.

Mùa Bống trên sông Lô rộ vào khoảng nửa cuối mùa đông kéo dài qua nửa đầu mùa xuân. Với những người đánh bống chuyên nghiệp, mỗi mẻ bống trung bình đạt từ 0,3 đến 0,8kg, cá biệt có những mẻ trúng tổ Bống có thể đạt trên 2kg. Giá cá Bống tại khu vực Đoan Hùng – Phú Thọ dao động từ 80.000 đến 130.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm và kích cỡ Bống. Với lượng Bống dồi dào của sông Lô và giá cả tương đối ổn định, trong nhiều năm qua, nghề đánh Bống theo phương thức chủ động và độc đáo đã đem lại nguồn thu đáng kể cho những người dân làng Vân Cương, nhất là vào những thời điểm nghề nông rảnh rỗi và nghề khai thác vận chuyển cát sỏi gặp khó khăn.

Nguồn thực phẩm “siêu sạch” giàu dinh dưỡng

Cá Bống tuy là loài cá nhỏ sống trong môi trường nước ngọt nhưng hương vị thịt của chúng thì vô cùng đậm đà. Một con cá Bống trưởng thành trung bình dài từ 8 - 10cm. Phần đầu của cá bống khá to so với thân, đỉnh đầu nhô lên và có gai nhọn. Mắt của cá Bống to và lồi nằm gần đỉnh đầu. Miệng cá bống khá rộng, mở ra đến sát nắp mang. Hàm trên của cá Bống nhô ra và hơi quặp xuống. Bống là dòng cá có răng nhỏ, đều và khá sắc nên có người gọi vui Bống là “Cá Mập Baby”.

Bống có thân thuôn dài, phần thân trên hơi tròn và dẹt về phía gần đuôi. Vây trên gần phía đầu cao có khoảng 6 tia cứng và rất nhọn, vây dưới dài dày nhưng mềm. Phần vây mang nhỏ mềm, vây ngực cứng nhọn. Vây hậu môn lớn, dài và khá dày. Vây đuôi dài thuôn dài, tròn ở các góc giống với cánh quạt. Do sống ở những bãi cát vàng ít rong rêu, ít phù sa nên cá Bống sông Lô có bụng trắng trong, vây mày xanh thẫm, thân hình có ánh vàng – đỏ óng ánh rất đẹp mắt khác với bống sông Hồng, sông Đà thường có màu đậm hơn.

Thức ăn của chúng thường là sinh vật phù du hoặc các loại động vật giáp xác nhỏ còn sống nên về bản chất Bống sông là loài thủy sản ít độc tố. Trong khi người tiêu dùng cảnh giác cao độ với nhiều loại thực phẩm trên thị trường thì cá Bống, nhất là cá Bống sông Lô vẫn luôn được xem là loại thực phẩm “siêu sạch” giàu chất dinh dưỡng. Cá Bống có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon như: Bống kho tộ, Bống kho tiêu, Bống chiên mắm, Bống nấu canh chua… Đặc biệt, Bống là loại thực phẩm bổ dưỡng phù hợp với chế độ ăn kiêng của phụ nữ mới sinh con.

Món Lẩu Bống có một không hai

Ngoài những món truyền thống được chế biến từ giống cá Bống bé nhỏ và giàu dinh dưỡng, người dân Vân Cương còn “chế tạo” ra món Lẩu Bống độc đáo có một không hai. Người dân Vân Cương chia sẻ, không rõ ai là người đầu tiên chế ra Lẩu Bống nhưng chắc chắn món ăn này cũng chỉ xuất hiện cách đây chừng hơn chục năm mà thôi. Có lẽ, khi đó vào mùa Bống rộ, đánh bắt được nhiều mà lúc đó tiêu thụ chưa dễ dàng và có giá như bây giờ. Trong khi đó, các món Bống kho, Bống rán, Bống nấu canh ăn nhiều quá cũng ngán mà Bống bắt được nhiều đổ đi thì tiếc. Vì thế mà chắc là những người thích nhậu nghĩ ra cách thả Bống vào nồi lẩu làm mồi nhậu, về lâu về dài ăn nhiều có kinh nghiệm nên mới hoàn thiện công thức của Lẩu Bống.

Việc nấu một nồi Lẩu Bống tương đối đơn giản nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Trước nhất, Bống phải tươi sống đem về rửa sạch với muối để ráo sau đó cho vào dầu đang sôi chiên sơ qua một lượt để tăng thêm độ cứng và giòn cho Bống. Nước lẩu được đánh theo phương thức lẩu đồng quê truyền thống, hành tỏi dập nhỏ phi thơm, cà chua thái nhỏ xào nhuyễn cùng mẻ, có thể thêm dấm bỗng để tạo vị thơm, đặc biệt phải có thêm lá cây tu me mới có nồi nước lẩu Bống hoàn hảo được. Nước lẩu đồng quê tỏa vị chua chua thơm thơm, nhúng Bống chiên qua vào nồi lẩu rồi cho ra bát múc kèm chút nước lẩu ăn cùng với rau má, rau cải sẽ cảm nhận rõ hương vị cá Bống sông Lô.

Đến với ngôi làng nhỏ bé Vân Cương thuộc xứ Bưởi Đoan Hùng vào mùa này, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm nghề đánh Bống trên sông Lô đầy thú vị hơn nữa sẽ được thưởng thức vị chua thơm nồng nàn của Lẩu Bống đặc biệt. Theo tìm hiểu của phóng viên vanhien.vn, hiện nay, Nhà hàng Thành Trung Legend (Tổ 11 Gia Tân, Thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) là nơi duy nhất đưa món Lẩu Bống truyền thống của người dân Vân Cương vào thực đơn của mình. Tuy nhiên, theo quản lý của nhà hàng này chia sẻ thì lượng Bống sông Lô khá dồi dào nhưng không ổn định nên để có những chú Bống tươi để chế biến món Lẩu Bống thú vị này thì phải đặt trước ít nhất là hai ngày theo số điện thoại: 0866.600.220 hoặc liên hệ qua facebook: Hải sản Thành Trung Legend - https://www.facebook.com/haisanthanhtrunglegend/ .

Nhật Nguyên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phu-tho-doc-dao-nghe-danh-bong-tren-song-lo-68246