Phú Thọ: Đình làng Hùng Lô trăm tuổi đang dần bị xuống cấp

Đình cổ Hùng Lô thuộc xã Hùng Lô, TP.Việt Trì (Phú Thọ) là quần thể di tích lịch sử văn hóa được xây trên dải đất rộng, gồm nhiều hạng mục công trình và là một di tích lịch sử cấp Quốc gia. Qua thời gian dài tồn tại cùng với tác động từ thiên nhiên, quá trình tu sửa chậm trễ đến nay công trình này đang dần bị xuống cấp, nhiều vị trí đang có dấu hiệu hư hỏng cần sớm được khắc phục.

Cách Đền Hùng chừng 10 km là quần thể đình cổ Hùng Lô thu hút nhiều khách thập phương và khách nước ngoài. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử nơi đây vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ. Tuy nhiên hiện nay ngôi đình cổ này đang có nhiều dấu hiệu xuống cấp cần tu sửa, khắc phục sớm để đảm bảo giữ gìn ngôi đình cổ trăm tuổi này.

Ngôi đình cổ Hùng Lô 300 năm tuổi.

Tương truyền, đây vốn là nơi Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất bốc lên nên cho đây là chốn địa linh. Sau này, dân làng đã dựng miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ. Đến thời vua Lê Hy Tông, đình bắt đầu được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.

Năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng trên đường xuất quân đánh giặc, qua ngôi miếu này thấy khí thiêng bốc lên, Hai Bà vào thắp hương khấn vái và đã đánh thắng quân Tô Định. Cảm tạ ơn đức Thánh thần phù hộ, Hai Bà Trưng đã cho quân về tu sửa miếu. Hai điển tích này vẫn còn được ghi lại tại hai đốc tam quan. Và đặc biệt, huyệt giáp canh khi xưa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Nơi đây vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nét xưa cũ.

Năm 1990, Đình làng Hùng Lô được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia với quần thể gồm tòa Đại đình, Phương đình, Lầu chuông, Lầu trống, Nhà tiền tế cùng những ngôi nhà cổ có tuổi đời từ một đến hai trăm năm được bảo tồn gần như nguyên vẹn kiến trúc. Đây cũng chính là không gian diễn xướng cho hát Xoan Phú Thọ và các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Đến thăm đình Hùng Lô, không chỉ được nghe những điển tích lịch sử để thêm hiểu, tự hào về truyền thống, nguồn cội; du khách còn được chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời Hậu Lê trên gỗ, gốm, chủ yếu tập trung tại tòa Đại đình. Nơi đây cũng còn lưu giữ được tương đối đầy đủ các đồ thờ tự như đỉnh, đèn, lư hương, hạc... bằng gốm, đồng chạm khắc tinh xảo; tiêu biểu nhất là năm cỗ kiệu sơn son thếp vàng, hệ thống 43 câu đối...

Đồng thời nơi đây cũng là nơi gắn với nhiều sự kiện của dân tộc.

Kể từ khi được đưa vào phục vụ tham quan, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, du khách đặt lịch đến thăm đình Hùng Lô còn được phục vụ hát Xoan ngay tại cửa đình. Qua tiếng hát, điệu nhảy của những người con sinh ra và lớn lên nơi phường xoan gốc Hùng Lô bỗng trở nên hấp dẫn và có sức lôi cuốn kỳ lạ.

Tuy nhiên, trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi đình càng nhuốm màu của thời gian, thêm vào đó là sự tác động của thiên nhiên, sự tu sửa còn chậm trễ dẫn tới tình trạng nhiều trụ cột của ngôi đình xuất hiện tình trạng mối mọt ăn sâu vào bên trong trụ, nhiều cánh cửa phụ, các chi tiết nhiều chỗ bị hư hỏng cần thay thế, mái đình nhiều vị trí cũng bị xuống cấp.

Ông Nguyễn Văn Toòng- người trực tiếp trông coi, thuộc Ban quản lý di tích cho biết: Ngôi đình tồn tại đã qua 3 thế kỷ nên nhiều vị trí, cột chống, mái đình bắt đầu hư hỏng nhiều. Nhiều cột đình hiện nay đang có dấu hiệu bị mối mọt ăn sâu, do thời gian tồn tại đã lâu cộng với tác động của thời tiết, mưa gió cũng làm mái đình bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều vị trí bị dột khi mưa to.

Với trách nhiệm trông coi và quản lý di tích, nhiều lần ông cũng đã ý kiến lên cấp trên để có hướng sửa chữa khắc phục nhưng đợi phản hồi rất lâu vì đây là một di tích cấp quốc gia cần có Văn bản chỉ đạo từ Bộ VHTTDL.

Hiện nay nhiều cột đình đang bị mối mọt " tấn công" nghiêm trọng vì toàn bộ công trình được xây dựng bằng gỗ.

“Thường nếu vị trí bị hư hỏng, xuống cấp nhỏ nhặt, chúng tôi sẽ báo cáo rồi chủ động gọi thợ đến sửa chữa lại luôn. Đấy chỉ là những chi tiết nhỏ, chi tiết phụ việc tu sửa không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Trường hợp mái đình bị dột, là phải gọi thợ khắc phục ngay, còn nếu cứ đợi các cấp trên có chỉ đạo thì đình lúc đó sẽ bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Còn nếu những vị trí lớn, quan trọng làm thay đổi kết cấu đình thì chúng tôi phải đợi văn bản chỉ đạo từ cấp trên. Hiện nay nhiều cột đình, cửa phụ.. đang bị mối mọt nhiều, trước mắt thì nó chưa có ảnh hưởng gì nhiều nhưng về lâu về dài thì công trình sẽ bị xuống cấp nghiêm trọng”, ông Toòng nói.

Mối mọt "tấn công" sâu vào các trụ của ngôi đình trăm tuổi.

Ông Toòng cũng mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm tu sửa để luôn giữ được những nét đẹp, những dấu tích, nét văn hóa của dân tộc để con cháu sau này biết và hiểu thêm về văn hóa – con người nơi đây.

Chị Lê Phương Anh, một du khách đến từ Quảng Ninh cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm đình cổ Hùng Lô, nơi đây có nét kiến trúc đặc biệt gắn với các sự kiện lịch sử của dân tộc. Đình hiện nay vẫn giữ được nét cổ xưa nhưng tôi thấy một vài vị trí có dấu hiệu bị hư hỏng, nhiều cột đình đang bị mối mọt "tấn công" cần sớm xử lý và tu sửa lại.

Nét kiến trúc độc đáo của ngôi đình trăm tuổi.

Trước thực trạng như vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần sớm có những giải pháp và quan tâm hơn đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nhiều hơn nữa đặc biệt đối với di tích Đình cổ Hùng Lô - Một di tích lịch sử cấp Quốc gia đang xuất hiện tình trạng hư hỏng cần sớm được tu sửa, khắc phục.

Chang Liễu

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/phu-tho-dinh-lang-hung-lo-tram-tuoi-dang-dan-bi-xuong-cap-907114.html