Phú Thọ đề xuất trồng cọ trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai

UBND tỉnh Phú Thọ vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT cho phép địa phương này được trồng cây cọ hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Vậy theo các nhà khoa học, cọ có phải loại cây phù hợp với đề xuất này?

Đồi cọ tại Phú Thọ.

Đồi cọ tại Phú Thọ.

Trồng cọ để quảng bá văn hóa đất Tổ

UBND tỉnh Phú Thọ vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT cho phép địa phương này được trồng cây cọ hai bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Theo lãnh đạo địa phương, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có rất nhiều đặc điểm thiên nhiên nổi bật gắn liền với nền văn minh lúa nước. Trong đó, cây cọ là một trong những biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng bền chặt. Nó cũng là một nét văn hóa thiên nhiên độc đáo của vùng đất Tổ.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Thọ có tổng chiều dài là 62 km. Theo đánh giá, tuyến đường cao tốc hoàn thành đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với tỉnh Phú Thọ.

Việc trồng cọ là để góp phần quảng bá nét văn hóa với du khách trong nước và quốc tế. Việc trồng được bố trí tại các vị trí phù hợp trên đoạn từ thành phố Việt Trì đến hết địa phận huyện Hạ Hòa (từ nút giao IC-7 đến qua nút giao IC-11). Nguồn kinh phí trồng cây được huy động từ ngân sách của địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa, cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, về lý thuyết thì có thể trồng cọ cạnh đường cao tốc được. Vì cọ có lá xanh quanh năm, không rụng, chiều cao thấp nên không làm giảm tầm nhìn.

Về lý thuyết thì cây cọ không gây cản trở nhiều với giao thông, nhưng trong điều kiện trồng thực tế có thể phát sinh rất nhiều vấn đề. Thực tế phát triển cây trồng đường phố đã cho thấy điều đó. Bởi có thể thời tiết thất thường, cộng với khói bụi của xe, làm cho tỉ lệ cây sống rất thấp? Hệ thống tưới nước cho cây như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông?

“Để biết cây cọ khi đem xuống cạnh đường giao thông có phát triển tốt không, theo tôi nên trồng thử nghiệm trước. Có thể trồng ở nhiều vị trí khác nhau cạnh đường cao tốc. Sau đó đánh giá tỷ lệ sống như thế nào, điều kiện chăm sóc ra sao thì đảm bảo duy trì cảnh quan đẹp.

Việc cắt tỉa phải được thực hiện thường xuyên trong bao lâu. Sử dụng tưới tự động hay thủ công, nguồn nước ở đâu... Từ đó mới nên nghiên cứu việc có trồng rộng rãi hay không. Tránh những đầu tư sai do chưa nghiên cứu kỹ”, PGS.TS Đặng Văn Đông cho hay.

Cọ đang được dùng như một loại cây cảnh để tạo cảnh quan. Ảnh minh họa

Chọn cây trồng cho đường cao tốc

PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc các đơn vị quản lý cao tốc triển khai trồng cây xanh 2 bên đường là cách làm cần được khuyến khích, nhân rộng. Bởi thực tế những tuyến cao tốc có cây xanh đều được người tham gia giao thông nhiệt tình hưởng ứng.

Việc trồng cây xanh trên hệ thống cao tốc đã và đang được các đơn vị quản lý, khai thác nỗ lực thực hiện. Nó đem lại cảm giác và tinh thần tốt nhất cho tài xế lưu thông trên đường. Nó cũng giúp giảm thiểu tiếng ồn, lóa mắt, qua đó góp phần cải thiện an toàn giao thông.

PGS Nguyễn Quang Đạo cho rằng, trồng cây trên cao tốc nên chú ý mức độ phù hợp của chủng loại với khí hậu, đất đai và cả văn hóa địa phương, vùng miền. “Tôi nghĩ vùng Vĩnh Phúc ngay Hà Nội, từ Hà Nội lên Phú Thọ, nếu đất ấy trồng hoa thì đẹp lắm. Còn lên các vùng khác đất đai khô cằn hơn như Phú Thọ hoặc vùng trên nữa thì có thể trồng keo tai tượng hoặc những cây nào mà dễ chăm bón. Nhưng phương châm là không để đất trống”.

Theo PGS Nguyễn Quang Đạo, chọn cây trồng phải đáp ứng các tiêu chí hợp điều kiện địa lý này, phải dễ trồng và chịu được gió. Cây xanh trên cao tốc cũng cần đạt các tiêu chí tương tự. Sự thay đổi của hàng cây trên cao tốc khi đi qua các địa phương khác nhau cũng góp phần quan trọng làm thay đổi ấn tượng thị giác – một yếu tố rất quan trọng đối với người lái xe.

Quan trọng nhất, mỗi tuyến đường có đặc trưng riêng, một tuyến dài hàng trăm cây số không tạo ra tính đặc trưng. Một trong những tiêu chí nữa là không tạo ra tính nhàm chán cho lái xe. Vì nhàm chán có thể gây hiệu ứng khác, là buồn ngủ. Chính vì vậy, cây xanh có thể là yếu tố hỗ trợ, nó vừa mang tính đặc trưng từng vùng miền, nhưng đồng thời có thể hạn chế tác động đến người lái xe.

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, đường cao tốc thường có không gian rộng, khả năng dẫn dụ gió lớn nên cây dễ bị gãy, đổ. Do vậy, việc trồng cây ven cao tốc cần đảm bảo mật độ đủ dày để tăng tác dụng cản gió. Kinh nghiệm thế giới thì họ sẽ trồng cây 2 bên với mức độ dày, tạo thành bức vách, lúc đó khả năng hỗ trợ nhau, giảm khả năng gãy đổ của cây.

Nhiều nước đã nghiên cứu hàng chục năm, tổng kết trên cả quốc gia, ở vùng miền nào thì trồng loại cây gì. Yêu cầu đặt ra là phải có bóng mát suốt 4 mùa và tuổi thọ cao, rễ cọc, không dễ bị đổ, gãy… Tất cả những tiêu chí ấy là phải bảo đảm.

Cây không được ảnh hưởng tới các thiết bị bảo đảm an toàn trên đường như biển báo, đèn tín hiệu, rào chắn... Không được làm ảnh hưởng tới khả năng di chuyển thông suốt của phương tiện. Loại cây được chọn để trồng phải có khả năng sống sót cao. Ở khu vực không được tưới tiêu thì cây phải sống được 2 năm kể từ khi trồng mà không cần tưới.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/phu-tho-de-xuat-trong-co-tren-cao-toc-noi-bai-lao-cai-C8L45H5Mg.html