Phú Thọ: Chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Ngày 10/9, đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị tại điểm cầu Đoan Hùng có đồng chí Phùng Khánh Tài - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo 13 huyện, thành, thị và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ, đến 10/9, toàn tỉnh đã có 1 người chết do sạt lở đất ở huyện Hạ Hòa; 2 người bị thương ở huyện Tam Nông và Thanh Thủy; 20 trường học, 6 nhà văn hóa, 1 cơ sở y tế bị tốc mái; 233 nhà bị hư hỏng do cây đổ, tốc mái; 4 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 2.468 hộ dân phải di dời do ngập lụt; nhiều hecta lúa, hoa màu, cây trồng bị gãy, đổ; một số trụ sở, nhà xưởng bị hư hỏng; khoảng 26.500m3 đất tại các tuyến đường giao thông sạt lở. Đặc biệt, cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C bị sập lúc 10h ngày 9/9, sơ bộ xác định còn 8 người mất tích. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng.
Ngay khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra và khắc phục hậu quả do sập cầu Phong Châu. Toàn tỉnh đã huy động lực lượng xuống các địa phương triển khai chống tràn các tuyến đê, giúp dân di dời tài sản và khắc phục thiệt hại.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang biểu dương, đánh giá cao sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác ứng phó với hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí nhận định nhiệm vụ cần làm ngay lúc này là khắc phục tình trạng ngập lụt trên sông Hồng tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa.
Kiên quyết sơ tán, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, có phương án hỗ trợ nơi ăn chốn ở, ổn định đời sống cho Nhân dân. Đồng chí mong muốn các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc, chung tay mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đến từng khu dân cư và mỗi người dân. Bên cạnh đó, kịp thời động viên, thăm hỏi các gia đình nạn nhân mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu và bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu một lần nữa đánh giá cao tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm của các các cấp, các ngành, lực lượng công an, quân đội để xử lý tình huống, khắc phục hậu quả bão lũ.
Phú Thọ là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3 và dự đoán tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm một số vấn đề: Thông tin tuyên truyền phải kịp thời, chính xác, không để lan truyền tin giả, tin sai sự thật khiến người dân hoang mang. Các cơ quan thông tấn báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đến từng cơ sở, người dân. Các địa phương, đơn vị cử đầu mối thông tin chính thống cho Sở TTTT. Sở TTTT tăng cường quản lý công tác thông tin tuyên truyền, có biện pháp đề xuất xử lý đối tượng đưa thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng.
Đối với tình trạng nguy cấp của hồ Thác Bà, giao Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nắm bắt tình hình, phương án xử lý của Chính phủ để thông báo kịp thời. Các địa phương: TP Việt Trì, Đoan Hùng, Phù Ninh thông báo tình hình cho Nhân dân để người dân có thể chủ động di dời tài sản, con người đến nơi an toàn. Ưu tiên số 1 là đảm bảo an toàn cho người dân. Công tác triển khai di dời và đảm bảo sinh hoạt cho người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ phải được thực hiện song song.
Các địa phương có kế hoạch tổ chức thăm hỏi các nạn nhân sự cố sập cầu Phong Châu và ảnh hưởng do bão lũ; nắm chắc tình hình, xử lý tình huống, báo cáo ngay với Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi có vấn đề phát sinh.