Phú Thọ: Bé 11 tháng tuổi nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người' Whitmore

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa tiếp nhận bé 11 tháng tuổi bị dương tính với bệnh truyền nhiễm Whitmore.

Theo tri thức trực tuyến, chiều 19/8, các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), thông tin về bệnh nhi 11 tháng tuổi dương tính với vi khuẩn Whitmore.

Whitmore là bệnh do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên. Ảnh: Prevention.

Whitmore là bệnh do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên. Ảnh: Prevention.

Theo VTC, Trẻ nhập viện trong tình trạng sốt ngày thứ 7, đã điều trị tại bệnh viện huyện 5 ngày nhưng vẫn sốt cao từng cơn 40 độ C. Trong cơn sốt kèm rét run, ho đờm nhiều, khò khè.

Nhận thấy đây là ca bệnh nặng, các bác sĩ cho bệnh nhi làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, cấy máu, chụp cắt lớp vi tính phổi.

Kết quả chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm khuẩn huyết, áp xe phổi, được chỉ định điều trị kháng sinh liều cao phổ rộng.

Sau 3 ngày, kết quả cấy máu xác định bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Whitmore (Burkholderia pseudomallei).

Theo Bác sỹ Phạm Văn Hà - Khoa Nhi tại bệnh viện, bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" (tên khoa học Whitmore) là căn bệnh truyền nhiễm rất khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác và không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi được chẩn đoán đúng bệnh, việc điều trị cũng vô cùng khó khăn và có nguy cơ tử vong cao.

Sau khi hội chẩn toàn viện và trao đổi với chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trẻ được chuyển lên tuyến trên. Bệnh nhi được phẫu thuật ngoại khoa, dẫn lưu mủ trong phổi, dùng kháng sinh...

Ảnh X-quang tình trạng nhiễm khuẩn huyết, áp xe phổi do vi khuẩn Withmore.

Theo bác sĩ Hà, Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất. Chúng lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất, giọt nước rất nhỏ trong không khí có chứa vi khuẩn, đặc biệt vào mùa mưa.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh Whitmore không lây lan thành dịch mà ở trong môi trường cố định. Do đó, để phòng tránh bệnh, người dân cần rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch. Ngoài ra, bạn cần dùng trang bị bảo hộ khi tiếp xúc đất. Khi có biểu hiện bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.

Anh Anh (t/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/phu-tho-be-11-thang-tuoi-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-104106-3.html