Phú tại sơn lâm

Từ những ngọn đồi núi hoang vu, qua bàn tay chăm chỉ, cần cù của những người nông dân chịu thương chịu khó đã trở thành những rừng cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả… cho thu nhập cao. Tuy chưa phải là tỷ phú từ rừng, nhưng với tấm lòng tâm huyết với rừng, họ đã và đang gặt hái thành quả 'màu xanh'.

Những nông dân giàu ý chí

Mỗi lần viết về họ - những nông dân chân chất, chăm chỉ cả đời để những mảnh đất đồi núi trọc mang màu xanh tươi, những khu vườn sai trĩu trái chín, góp phần "thổi lửa" cho phong trào nông dân sản xuất giỏi, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, tôi lại nhớ một câu trong ca khúc "Rừng xanh yêu thương", đó là: Em đến với rừng vì màu xanh tình yêu quê hương...

Tôi đến thôn Bắc Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, vào một chiều giáp Tết Tân Sửu, gặp gia đình anh Nịnh Văn Trắng, một tỷ phú đi lên từ trồng và chế biến trà hoa vàng. Anh Trắng từ một nông dân người dân tộc Sán Chỉ chưa rõ hết mặt chữ cái, kiếm sống bằng nghề khai thác lâm sản, thu nhập bấp bênh đã trở thành Giám đốc một công ty kinh doanh lâm sản có tiếng ở Quảng Ninh.

Anh Nịnh Văn Trắng với sản phẩm trà hoa vàng.

Anh Nịnh Văn Trắng với sản phẩm trà hoa vàng.

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, tôi gặp anh, khi đó anh cũng như bao người dân các xã vùng cao ở Ba Chẽ vào rừng để tìm cây trà hoa vàng, bứng cả cây bán cho thương lái thu gom mang sang Trung Quốc. Sau này, để người dân không khai thác cây trà mang tính hủy diệt, ở xã Đạp Thanh có anh Nịnh Văn Trắng là người đầu tiên trên địa bàn huyện đã đứng ra bao tiêu, thu mua cây trà cho người dân để tránh thất thoát ra nước ngoài, mất giống trà quý. Anh Trắng cũng là người trồng trà hoa vàng theo hướng bảo tồn đầu tiên ở huyện Ba Chẽ.

Đặc biệt từ khi tiếp cận Chương trình OCOP thì anh mới thật sự có ý thức xây dựng, phát triển và tạo dựng thương hiệu cho loại sản phẩm đặc sản của quê hương. Sản phẩm trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng nhanh chóng tạo được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, lan tỏa trong toàn tỉnh và nhiều tỉnh, thành lân cận, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm của Công ty anh Nịnh Văn Trắng đạt 200kg hoa khô, 500kg lá khô; doanh thu 3-4 tỷ đồng. Không những thế anh còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Hiện nay huyện Ba Chẽ có gần 150ha trồng trà hoa vàng, trong đó có khoảng 50% đã được thu hoạch. Huyện đã xây dựng trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường và tạo dấu ấn với người tiêu dùng.

Ở huyện Hải Hà, mọi người đều biết đến ông Trần Bá Báu, thôn 4, xã Quảng Sơn, không chỉ là hộ trồng rừng giỏi, mà còn là cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp uy tín. Vào thăm khu vườn ươm cây giống của ông Báu, gặp lúc ông đang tỉ mẩn chăm sóc vườn ươm cây giống bạch đàn đỏ. Ông cho hay: Cây bạch đàn đỏ sinh trưởng nhanh khoảng 5 – 7 năm được thu hoạch, hiện nay tôi trồng 30ha bạch đàn đỏ, bắt đầu cho thu hoạch, hiện giá thị trường bán được 120 triệu đồng/ha.

Ông Trần Bá Báu chăm sóc vườn ươm giống bạch đàn đỏ của gia đình.

Năm 1990, từ Thái Bình gia đình ông xung phong ra xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Quảng Sơn một xã miền núi nghèo nằm trong Chương trình 135. Những năm đầu xây dựng kinh tế mới, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, từ vùng quê chuyên sản xuất nông nghiệp đặt chân đến Quảng Sơn, cả gia đình sống chủ yếu dựa vào khai thác rừng và nghề hái chè thuê, nhiều lúc muốn quay về quê cũ.

Lặn lội, vất vả tìm kế sinh nhai mãi cuối cùng ông Báu mới tìm được hướng phát triển kinh tế. Vào năm 1995, ông đã mạnh dạn nhận 30ha đất trống, đồi núi trọc để phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, kết hợp trồng rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả, ao đầm và ươm cây giống. Đến nay diện tích của gia đình ông lên đến 68ha. Hiện đã trồng được 30ha cây bạch đàn đỏ và 30ha keo. Năm tới số đất còn lại ông sẽ trồng cây đàn hương.

Không những phát triển cây trồng, ông luôn tham gia giúp người dân trong xã xóa đói giảm nghèo như: Hỗ trợ về cây giống cho các hộ nghèo; vận động bà con trong xã nhận đất, nhận rừng, tư vấn về kỹ thuật sản xuất... Từ mô hình trồng rừng của gia đình ông Báu đã làm gương cho cho các hộ trong xã học tập phát triển kinh tế hộ từ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Nhân lên những thành quả “màu xanh”

Những người yêu rừng, vươn lên làm giàu từ đất rừng như anh Trắng, ông Báu trong những năm qua trên địa bàn tỉnh có rất nhiều. Trong 3 năm trở lại đây, đã có trên 3.300 lượt hộ được công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.

Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Tiêu biểu như: Chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh... Hay như hoạt động hỗ trợ vốn vay, tập huấn phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật cũng được các ngành tổ chức thường xuyên.

Rừng gỗ lim bản địa của người dân xã Đồng Lâm (TP Hạ Long). Ảnh: Việt Hoa

Từ năm 2020, Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai, đi liền với đó là hệ thống các chương trình, đề án, kế hoạch hành động cụ thể: Chương trình hành động số 60/CTr-UBND; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 64 triển khai một số nội dung Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh năm 2020... Với Nghị quyết 19, phát triển kinh tế rừng được nhìn nhận ở tầm chiến lược và bền vững. Đó là trồng rừng gỗ lớn thay cho rừng gỗ nhỏ; đa dạng danh mục gỗ lớn, thay cho chỉ cây keo; chế biến lâm sản sâu thay vì băm dăm gỗ; tiến tới xuất khẩu lâm sản thay vì chỉ tiêu thụ nội địa… Đây đều là những chính sách mang tính đột phá trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trên nền tảng thuận lợi này, tỉnh đã hoạch định chiến lược phát triển rừng bền vững và giá trị cao là bảo vệ tốt nhất 122.700ha rừng tự nhiên và khai thác đạt giá trị cao nhất 214.800ha rừng sản xuất.

Qua đó sẽ khích lệ tinh thần, tiếp sức cho hàng ngàn nông hộ thi đua phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng. Nhất là với những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả tuy rất khác nhau về những nhọc nhằn, về vốn liếng đầu tư ban đầu… nhưng có cùng một điểm chung là được hình thành từ những người nông dân giàu ý chí và tâm huyết, phát triển kinh tế gia đình và làm giàu cho xã hội.

Trung Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/phu-tai-son-lam-2521247/