Phụ tải điện sẽ tăng trưởng 2 con số trong năm 2021?

Năm 2021 dự kiến phụ tải điện sẽ tăng trưởng ở mức hai con số nhờ kinh tế phục hồi, cùng với đó, việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo được đánh giá là một xu hướng tăng trưởng của ngành điện Việt Nam.

Phụ tải điện sẽ phục hồi mạnh mẽ?

Theo báo cáo vừa được đưa ra bởi Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dịch Covid-19 đã khiến phụ tải và giá thị trường (CGM) giảm trong 7 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, do tạm hoãn các hoạt động sản xuất theo chính sách giãn cách xã hội, sản lượng điện thương phẩm tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ trong tháng 4 và 5/2020. Lũy kế, sản lượng điện thương phẩm trong 7 tháng 2020 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ. Việc nhu cầu điện thấp hơn cũng dẫn đến giá CGM trung bình giảm 12%, còn 1.046 đồng/kWh trong 7 tháng đầu năm 2020.

Dựa vào kết quả 7 tháng 2020 và dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ đạt 3,6% trong năm 2020, các chuyên gia phân tích của VCSC dự báo tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm sẽ chỉ đạt 3% trong năm 2020.

Tuy nhiên, VCSC dự báo phụ tải dự kiến sẽ tăng ở mức hai chữ số trong năm 2021 nhờ kinh tế phục hồi. Theo đó, tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm sẽ phục hồi về mức 10% (đạt 235 tỷ kWh) trong năm 2021.

Việc đầu tư vào điện mặt trời được cho là xu hướng tăng trưởng của ngành điện Việt Nam. Ảnh đầu tư điện mặt trời tại một nhà máy trong KCN VSIP 2 tại tỉnh Bình Dương

Việc đầu tư vào điện mặt trời được cho là xu hướng tăng trưởng của ngành điện Việt Nam. Ảnh đầu tư điện mặt trời tại một nhà máy trong KCN VSIP 2 tại tỉnh Bình Dương

Điều này dựa trên dự báo tăng trưởng GDP đạt 7% trong năm 2021 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chủ yếu đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng như theo dự báo sơ bộ về thi trường điện trong năm 2021 được đưa ra bởi Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vào ngày 27/8/2020. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, hiện trong năm 2021 sản lượng từ thủy điện sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ lượng mưa cao hơn; Sản lượng từ các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ tăng gấp đôi sau khi các vấn đề quá tải lưới điện cục bộ được giải quyết; Cùng với đó sản lượng từ các nhà máy nhiệt điện khí sẽ tăng nhờ huy động thêm khí từ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt mới được đưa vào khai thác.

Năng lượng tái tạo - xu hướng tăng trưởng của ngành điện

Theo các chuyên gia, cùng với xu hướng phát triển năng lượng trên thế giới - Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Lý giải việc năng lượng tái tạo ở Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư, TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các kênh đầu tư khác được cho là không hiệu quả, trong khi đó điện mặt trời có mức lợi nhuận vượt qua lãi suất ngân hàng. Quan trọng hơn, việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhanh, thuận lợi; Chi phí bảo dưỡng thấp nhưng tuổi thọ lên đến 25 năm và có thể đầu tư nhiều lần, nhiều giai đoạn giảm áp lực tài chính nên được nhiều nhà đầu tư chọn lựa.

Các thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tính tới tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Hiện cũng có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10 MW. Như vậy, tổng công suất điện gió và mặt trời đã là 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống.

Với tốc độ đầu tư vào điện gió như hiện nay, dự báo năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong hệ thống phát điện của Việt Nam. Bởi lẽ gần đây, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ gia tăng công suất phát điện tái tạo từ khoảng 8.000 MW trong năm 2020 lên khoảng 20.000 MW trong năm 2025 (6.000 MW công suất điện gió/14.000 MW công suất điện mặt trời) theo kịch bản cơ sở và khoảng 32.000 MW trong năm 2025 (12.000 MW công suất điện gió/20.000 MW công suất điện mặt trời) theo kịch bản tích cực.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý rằng, mức tăng mạnh trong công suất năng lượng tái tạo phải đi đôi với các dự án nâng cấp lưới điện truyền tải trong nước để đảm bảo tất cả công suất sẽ được sử dụng hiệu quả. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng công suất điện than khi nguồn năng lực này có giá thành thấp, ổn định và có khả năng mở rộng. Cùng với đó, Việt Nam sẽ gia tăng công suất phát điện thêm 12-14% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 để đáp ứng nhu cầu dự kiến mạnh mẽ. Trong cả kịch bản cơ sở và tích cực, Bộ Công Thương đề xuất Việt Nam tiếp tục gia tăng công suất điện than từ 19.637 MW trong năm 2020 lên 38.842 MW trong năm 2025 (tương ứng tốc độ tăng trưởng trung bình là 14,6% mỗi năm).

Các chuyên gia của VCSC cho rằng, đề xuất này là hợp lý khi Việt Nam cần nhiều thời gian hơn để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu LNG trước khi xây dựng các nhà máy điện khí LNG vốn thân thiện với môi trường hơn. Và các dự án mở rộng lớn cho công suất điện khí LNG sẽ được triển khai nhiều hơn sau năm 2025 khi hạ tầng khí LNG của Việt Nam phát triển hơn.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phu-tai-dien-se-tang-truong-2-con-so-trong-nam-2021-144488.html