Phủ sóng nước sạch về nông thôn

Khi nước sạch chưa đến từng hộ dân thì chương trình quốc gia về nước sạch vẫn còn cách xa thực tiễn. Khi người dân còn phải chờ đợi, mong mỏi nước sạch cũng chính là nỗi lo toan, là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp.

Tìm các giải pháp thúc đẩy nhanh, mạnh nguồn nước sạch tới từng người dân, nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch là những vấn đề được các Đại biểu quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra thảo luận tại Tọa đàm “Phủ sóng nước sạch về nông thôn tại Hưng Yên - cầu nối từ nguồn vốn xã hội hóa”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Chỉ có 20% người dân ở Hưng Yên được sử dụng nước sạch

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Hưng Yên là một trong những tỉnh có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch bằng các hệ thống cấp nước tập trung thấp nhất trong chín tỉnh đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ cấp nước sạch bằng các hệ thống cấp nước tập trung chỉ đạt hơn 20%. Người dân Hưng Yên chủ yếu sử dụng nước mưa, nước sông nội đồng, bảo đảm vệ sinh an toàn rất thấp.

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên.

Cũng theo ông Quang, Hưng Yên hiện có 31 nhà máy nước được đầu tư bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia. Trước đây, có 16 công trình được đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia và khoảng 10 công trình được đầu tư theo Chương trình Ngân hàng thế giới (WB) – chương trình dành cho tám tỉnh đồng bằng liên quan đến nguồn vốn WB tài trợ. Tất cả 31 nhà máy nước cấp nước cho người dân Hưng Yên, đặc biệt những nhà máy nước đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia trước đây thì vùng cấp nước chỉ được 46/161 xã, thị trấn của tỉnh. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch chỉ đạt hơn 20%, chưa kể chất lượng nước của các nhà máy này rất thấp, do nguồn lấy nước chủ yếu từ nước sông nội đồng, trong đó nhiều nguồn nước ô nhiễm do nước thải công nghiệp. Nguồn thứ hai là từ nước ngầm mà chất lượng nước ngầm không bảo đảm. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy cấp nước không bảo đảm an toàn về mặt vệ sinh, về mặt lưu lượng nước cũng như áp lực nước để phục vụ đời sống cho người dân ở nông thôn.

Ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Hưng Yên cho biết: Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa, Hưng Yên cũng đã thu hút được 13 doanh nghiệp đầu tư xây dựng được 17 hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn, khi hoàn thành các công trình này sẽ phủ kín việc cấp nước sạch trên toàn địa bàn...

Ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Hưng Yên

Tuy vậy, ông Cần cũng cho rằng: Còn một số khó khăn, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, nhận thức của một bộ phận nhân dân cũng chưa thật đầy đủ về việc sử dụng nước sạch cũng như việc thực hiện những cơ chế, chính sách trong sử dụng nước sạch. Vấn đề nữa là cơ chế chính sách còn đang nợ các doanh nghiệp, tới đây lãnh đạo Sở NN-PTNT cũng sẽ có những tham mưu cho tỉnh để tháo gỡ những khó khăn về chính sách cho doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó, cần xem xét, rà soát để làm sao các doanh nghiệp sớm được phê duyệt giá nước mới phù hợp với thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Tức là, mức giá ở đây bảo đảm để doanh nghiệp không khó khăn, mà người dân có thể tiếp cận được. Nếu giá thấp quá thì khó khăn cho doanh nghiệp, mà cao quá thì người dân cũng không thể tiếp cận được. Đó là vấn đề tỉnh cũng cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới”, ông Cần nói thêm.

Để 100% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) T.Ư khẳng định: Nước sạch là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm mục tiêu quốc gia về NTM. Địa phương nào đạt NTM đều phải bảo đảm hệ thống nước sạch.

Đề xuất những giải pháp để 100% người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia, ông Lam cho rằng cần chia các vùng ra thành nhiều điểm khác nhau, chẳng hạn như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… là các tỉnh đồng bằng, có mật độ dân số cao, khoảng 1.200 người/km2, do đó, công tác xã hội hóa về nước sạch rất tốt. Bởi vậy cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa ở khu vực này. Tuy nhiên, ông Lam cũng lưu ý về mức giá phải hợp lý, cần có cơ chế thỏa thuận hợp lý hơn giữa doanh nghiệp và người dân.

Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân về sử dụng nước sạch. Thực tế, người dân đã có ý thức sử dụng nước sạch thì cũng cần phải có những cam kết sử dụng nước sạch lâu dài, để có những cam kết lâu dài này thì cũng cần có những hành lang pháp lý để bảo đảm người dân cam kết sử dụng nước sạch lâu dài.

Đối với khu vực dân cư đang phát triển, vùng trung du, cần tăng mức đầu tư cũng như tạo nguồn, đầu mối đối với sử dụng ngân sách của Nhà nước. Ngoài ra, cần có cơ chế duy thu, vận hành bảo dưỡng đối với doanh nghiệp. Đồng thời, cũng nên xem xét chính sách để hỗ trợ một phần về giá nước cho các người dân ở khu vực này. Sau khi đã đủ điều kiện thì dần dần tiến tới xã hội hóa hoàn toàn…

Đối với vùng khó khăn, vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp, do đó, cần hỗ trợ 100% đối với người dân khu vực này, ông Lam cho rằng, nếu không có hỗ trợ, khó mà huy động người dùng nước sạch 100%.

Riêng đối với tỉnh Hưng Yên, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối NTM cho rằng, những kết quả đạt được như vậy cũng là đáng khích lệ. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông, trong đó, cần để người dân hiểu được lợi ích của nước sạch với sức khỏe của người dân, đặc biệt với trẻ em, cùng với đó, đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn sử dụng nước sạch gắn liền với vệ sinh môi trường.

Điều quan trọng nữa là việc tăng cường phổ biến tuyên truyền cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận những chính sách của tỉnh rõ nét hơn. Cuối cùng là tuyên truyền sự tham gia của người dân trong quá trình duy tu, vận hành những công trình nước sạch.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38265002-phu-song-nuoc-sach-ve-nong-thon.html