Phú Quốc trước ngày thành đặc khu kinh tế

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Phú Quốc (Kiên Giang) chính là vùng đất 'địa linh' hội tụ những điều kiện cũng như có lợi thế hơn cả để trở thành đặc khu kinh tế.

Anh Viết Lương ở xã Gành Dầu cho biết sau gần 30 năm từ đất liền ra đảo lập nghiệp, chưa bao giờ người đàn ông 45 tuổi này thấy quê hương thứ hai thay da đổi thịt như hiện nay.

Từ một bãi biển hoang sơ, các nhà đầu tư đã biến Bãi Dài thành một khu phức hợp với hàng trăm biệt thự sang trọng, khu vui chơi giải trí.

Đảo ngọc Phú Quốc nhìn từ trên cao Trước ngày trở thành đặc khu kinh tế, đảo ngọc Phú Quốc được nhiều giới đầu tư quan tâm đổ về giao dịch bất động sản. Nhìn từ trên cao mảnh đất này cho thấy tiềm ẩn đầy tiềm năng.

Bộ mặt huyện đảo Phú Quốc đang thay đổi rõ rệt mỗi ngày. Vài năm trước, hòn đảo này chưa có một phòng khách sạn 5 sao nào. Còn giờ đây, các khách sạn cao cấp mọc lên san sát dọc bờ biển . Chỉ riêng số lượng phòng 5 sao của một tập đoàn bất động sản lớn tại Phú Quốc đã là 6.000 phòng.

Cuối năm 2017, khoảng 2.000 phòng khách sạn 5 sao của các tập đoàn khác cũng được khánh thành, đưa tổng số phòng hạng 5 sao ở Phú Quốc lên 8.000. Con số này lớn hơn bất kỳ một địa phương nào trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, hay các điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng như Nha Trang và Đà Nẵng.

Khu vui chơi giải trí và vườn thú bán hoang dã nằm ở phía bắc, cách mũi Gành Dầu chỉ vài km.

Khu vui chơi giải trí và vườn thú bán hoang dã nằm ở phía bắc, cách mũi Gành Dầu chỉ vài km.

Khu resort nghỉ dưỡng, khách sạn và nhiều dự án đang mọc lên ở bờ tây hòn đảo, thuộc xã Dương Tơ.

Cuối năm 2016, huyện Phú Quốc "khai tử" chợ đêm Dinh Cậu ở đường Võ Thị Sáu để xây dựng phố đi bộ. Sau khi các tiểu thương dọn hàng quán sang chợ đêm Bạch Đằng cạnh vỉa hè đường Võ Thị Sáu về phía biển mọc lên công trình khách sạn 8 tầng, quy mô 250 phòng, vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

Không chỉ các thương hiệu lớn đầu tư các khu phức hợp nghỉ dưỡng đa chức năng, các nhà nghỉ tư nhân nhỏ cũng mọc lên san sát. Sự hoang sơ của đảo ngọc đã dần bị thay thế bằng sự phồn hoa của chốn du lịch.

Trong chiến lược phát triển của Phú Quốc mà Thủ tướng phê duyệt, gần 4.000 ha được dành riêng là vùng phát triển du lịch, trong đó hơn 3.000 ha dành cho phát triển du lịch sinh thái, hơn 800 ha phát triển du lịch hỗn hợp. Đó là chưa kể hơn 1.200 ha dành cho phát triển phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư.

Đây được xem là nam châm hút khách du lịch, và cũng là nam châm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho sự phát triển của đảo ngọc. Đặc biệt, sức hút của Phú Quốc còn đến từ chủ trương phát triển huyện đảo thành đặc khu kinh tế, vốn được đưa ra từ năm 2012 và đến nay đang dần thành hình. Dự kiến, đề án phát triển đặc khu Phú Quốc sẽ được thông qua giữa năm 2018, cùng với Luật về đặc khu.

Theo anh Lương, trước đây gia đình có đất bị giải tỏa trong khu du lịch sinh thái biển của nhà đầu tư. Từng hoang mang lo cho sinh kế, nhưng giờ đây, gia đình anh đã vui vẻ nhận tiền, gửi ngân hàng sinh lãi và một phần cho kinh doanh tại gia phục vụ khách du lịch.

Tương tự anh Lương, anh Bảy Hoàng cũng bị giải tỏa khu đất làm khô cá cơm để nhường đất cho những khách sạn, biệt thự xa xỉ mọc lên. Dùng số tiền bồi thường, anh đầu tư nhà nghỉ, khu lưu trú của anh lúc nào cũng đông khách.

Nhà nghỉ của anh Bảy Hoàng chỉ là một trong vô số các lựa chọn nghỉ dưỡng của khách du lịch khi đến Phú Quốc.

Tìm kiếm cụm từ "khách sạn ở Phú Quốc", có tới 1,7 triệu kết quả và một con số tương tự với cụm từ "nhà nghỉ ở Phú Quốc". Mức giá phòng cũng chênh nhau khá lớn. Có phòng 200.000 đồng/đêm nhưng cũng có phòng khách sạn hạng sang lên tới 9-10 triệu đồng/đêm.

Chỉ tính riêng phòng khách sạn 5 sao, Phú Quốc dự kiến có 12.000 phòng vào năm 2020. Điều này đưa huyện đảo thành thành phố du lịch và nghỉ dưỡng có quy mô hàng đầu khu vực.

Thế nhưng, cũng không ít cư dân và khách du lịch đến Phú Quốc ngậm ngùi khi thấy sự hoang sơ của đảo ngọc đang biến mất. Đảo đang bị bê tông hóa rất nhanh với những công trình dịch vụ, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng mà các nhà đầu tư lớn đã sớm chen chân xí chỗ.

Khu vực mũi Gành Dầu nằm ở phía bắc hòn đảo. Đứng từ đây có thể trông thấy hòn Nần hay Kaoh Ses và núi Tà Lơn của Campuchia. Thấp thoáng về phía tây là hòn Bần, trông như một hòn non bộ nổi lên giữa biển khơi.

Phú Quốc có diện tích gần 600 km2, xấp xỉ Singapore, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là có vị trí vàng để thu hút đầu tư.Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, từng chỉ rõ lợi thế của huyện đảo này: Phú Quốc có diện tích mặt biển giáp với các nước ASEAN, gần đường vận chuyển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây, cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay, rất gần với các trung tâm du lịch phát triển và công nghiệp của các nước trong khu vực.

Vị trí địa lý thuận lợi, lại có 150 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, thuận lợi về khí tượng thủy văn, có nhiều đồi núi và rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật phong phú, cộng với hệ sinh thái biển rất đa dạng...

Những điều kiện này giúp đảo lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư từ rất sớm. Đó là chưa kể địa phương sẽ được hưởng các ưu đãi vượt trội như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin về đề án đặc khu kinh tế.

Theo đó, Chính phủ sẽ ưu đãi mạnh về thuế suất để thu hút dòng vốn đầu tư, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở đến 99 năm, có thể thế chấp tài sản gắn liền với đất đai tại các tổ chức tín dụng để vay vốn. Người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng thông qua nhận chuyển nhượng trực tiếp từ tổ chức, cá nhân trong nước từ các dự án nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng.

Đến nay Phú Quốc đã thu hút 265 dự án với tổng vốn đầu tư 377.000 tỷ đồng, tương đương 16,7 tỷ USD. Trong đó, có 200 dự án triển khai với tổng vốn đầu tư 220.000 tỷ đồng, chủ yếu là du lịch, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.

Với mục tiêu "dọn tổ đón phượng hoàng", Chính phủ đã sớm triển khai xây dựng đồng bộ các dự án cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Phú Quốc cất cánh.Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, nói với Zing.vn: Phú Quốc được đầu tư kết cấu hạ tầng khá toàn diện, ổn định, bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế và hệ thống giao thông nội đảo. Các công trình dịch vụ du lịch, cấp điện, nước đã và đang có.

Nhiều dự án trọng điểm cũng tiếp tục được triển khai như là cảng biển quốc tế, mở rộng sân bay quốc tế giai đoạn 2, cáp treo, khu vui chơi giải trí, trong đó có casino.

Hiện, địa phương đang tập trung, phối hợp với các sở ngành tỉnh triển khai phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là giao đất cho nhà đầu tư để triển khai dự án theo quy hoạch.

Thị trấn Dương Đông có diện tích 16,99 km².

Cầu cảng tại Mũi Dinh Cậu.

Mật độ dân số ở Dương Đông là hơn 1.600 người/km².

Con đường từ thị trấn Dương Đông ngược lên phía bắc thẳng về mũi Gành Dầu.

Nhiều tuyến đường đang được đầu tư nâng cấp và mở rộng. Ăn theo dọc trục đường này là hàng loạt dự án lớn nhỏ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cảnh công nhân ăn nhanh làm vội có ở khắp nơi tại Phú Quốc thời điểm này.

Bất động sản Phú Quốc đang lên cơn sốt khi lượng người đổ về đầu tư mua đất ngày một nhiều, giá cũng tăng liên tục.

Khu vực Ông Lang, một trong những khu vực ven biển chưa có nhiều dự án lớn đầu tư đang lên cơn sốt đất.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với đường hạ cất cánh 3.000 m x 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay 118.426 m2, đáp ứng 14 vị trí đỗ máy bay bao gồm 5 vị trí đỗ cho tàu bay cấp E và 09 vị trí đỗ cho tàu bay cấp C.

Phú Quốc đã có một số công trình đưa vào sử dụng như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, đường cáp điện ngầm xuyên biển, trục giao thông chính Bắc Nam, đường vòng quanh đảo và các tuyến đường nhánh. Các công trình được tiếp tục đầu tư bao gồm nhà máy xử lý rác thải, hệ thống cung cấp điện lưới quốc gia mạch 2, cảng hành khách quốc tế, mở rộng công suất sân bay gấp đôi lên 5 triệu lượt hành khách/năm. Dự án hạ tầng đáng chú ý nhất là cảng hàng không quốc tế mới trở thành đòn bẩy cho Phú Quốc, cũng là lợi thế so với đặc khu Vân Đồn và Bắc Vân Phong. Hiện tại, sân bay Phú Quốc đón trung bình 30 chuyến bay mỗi ngày.

Cảng An Thới ở phía nam hòn đảo, nơi vận chuyển người và hàng hóa bằng đường biển.

Hệ thống cáp treo 3 dây vượt biển dài nhất thế giới với tổng chiều dài vượt biển gần 7,9 km. Điểm đầu của dự án được đặt tại thị trấn An Thới, đi qua các đảo Hòn Dừa, Hòn Rỏi và điểm cuối tại xã Hòn Thơm.

Trong kế hoạch trở thành đặc khu, các chuyên gia đã xây dựng lộ trình thành phố thông minh Phú Quốc, bao gồm 2 giai đoạn, kéo dài trong 12 tuần. Giai đoạn 1 xây dựng khung giải pháp thông minh, giai đoạn 2 xây dựng lộ trình cụ thể cho việc triển khai trên từng ngành.

Cụ thể: bước đầu triển khai hạ tầng mạng và công nghệ thông tin và triển khai các dịch vụ cơ bản. Sau đó, tập trung xây dựng trung tâm vận hành tập trung và triển khai thêm các dịch vụ thông minh. Cuối cùng là xây dựng thành phố ngày càng thông minh theo xu hướng trên thế giới và Việt Nam.

"Việc đầu tư cho Phú Quốc trong những năm qua đã có sự chuyển biến, mang lại hiệu quả tích cực", ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc chia sẻ.Lượng khách du lịch đến Phú Quốc tăng cao, tăng bình quân mỗi năm 30%. So với 2005, khách du lịch tăng 11 lần, so 2010 tăng 6 lần. Thu ngân sách tăng rất mạnh, so với năm 2005 tăng 54 lần, so với 2010 tăng 9 lần.

10 tháng đầu năm này, tổng khách du lịch tới Phú Quốc đạt hơn 2,7 triệu lượt, tăng khoảng 30%, vượt xa tổng lượng khách 1,45 triệu lượt trong cả năm 2016.

Ngành du lịch cũng dự đoán đầu năm 2018, khi cáp treo Hòn Thơm vượt biển dài nhất thế giới đi vào hoạt động, cùng quần thể vui chơi, giải trí biển quy mô quốc tế tại Nam đảo, khu casino cao cấp dành cho du khách đại gia gồm cả người Việt được phép vào chơi, lượng khách tới Phú Quốc sẽ còn tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu gia tăng mạnh về số phòng lưu trú.

Đây chính là lực đẩy khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đảo ngọc vượt lên đứng đầu các thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven biển ở Việt Nam cũng như khu vực.

Khi các công trình hoàn thành, xã đảo này sẽ có bến du thuyền, dịch vụ thủy phi cơ để khách tham quan quanh đảo Phú Quốc cùng với quần thể dịch vụ cao cấp như làng biển, làng ẩm thực…

Khu vực Bãi Xếp, An Thới với hàng nghìn tàu thuyền lớn nhỏ đánh bắt hải sản neo đậu.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc áp dụng mô hình đặc khu kinh tế đặc biệt sẽ giúp gia tăng mức thu nhập bình quân theo đầu người của Phú Quốc lên 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030; tạo thêm việc làm cho 57.600 người cũng như thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Trong một lần trò chuyện với Zing.vn, bà Lê Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu, cho biết từ khi các nhà đầu tư thực hiện hàng loạt dự án ở Phú Quốc, người dân địa phương không còn đi làm thuê xa nhà.

"Bà con địa phương không còn bỏ đi Bình Dương, Đồng Nai làm thuê. Ở đây, con em của nông dân có việc làm tại chỗ, bình quân 7 triệu đồng một người mỗi tháng", bà Hằng nói.

Nhưng chị Thanh Hằng, một người dân Phú Quốc nay sống ở TP.HCM, thì lo lắng: Huyện đảo sẽ không còn là chính nó với đô thị hóa quá nhanh. Vùng biển quê hương rồi đây sẽ chỉ dành cho du khách có tiền khi các đại gia bất động sản đã chia nhau các miếng đất ven biển.

Cùng với sự bùng nổ của khách sạn, nhà nghỉ, Phú Quốc sẽ lại na ná như nhiều vùng biển du lịch khác. Sức ép từ sự quá tải, và tốc độ bê tông hóa có thể cướp đi sức hấp dẫn từ sự nguyên sơ của vùng đất này, quê hương chị sẽ còn gì.

Hoàng Hà - Duy Khang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phu-quoc-truoc-ngay-thanh-dac-khu-kinh-te-post803097.html