Phú Quốc, ngọc trên tay người

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói rằng, từ khi khánh thành cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc tháng 8-2012 đến nay, vào thời điểm tháng 9-2013, vẫn chưa giải quyết hết những tồn đọng về giải phóng mặt bằng. Bản thân ông trước buổi làm việc với chúng tôi vẫn còn phải trực tiếp giải quyết những vấn đề cuối cùng trong dự án di dời 903 hộ dân phục vụ xây dựng sân bay. Toàn bộ diện tích của đảo Phú Quốc nằm trong quy hoạch tới năm 2020 và từng cành cây, ngọn cỏ tới từng con người, từng gia đình ở đây bị ảnh hưởng bởi cơn địa chấn quy hoạch này.

Kì 1: Bóng hùng xưa và nay

Kì 2: Như ngọc quý phải gặp thợ hay...

Ngổn ngang như quy hoạch

Phú Quốc phải chi tới 4.000 tỉ đồng để thu hồi đất từ 3.000 hộ dân trên đảo. Hơn 103 ngàn người bị ảnh hưởng bởi đại quy hoạch. Tại một tổ dân phố thị trấn Dương Tơ, chúng tôi được nghe một công an viên ở đây nói: “Bây giờ, từ ly cà phê sáng cho tới nghị quyết, chỉ thị, cái gì cũng là từ chuyện quy hoạch mà ra”. Ngay trong thị trấn Dương Đông, khi cây cầu nối qua hai bờ sông Dương Đông chưa xây xong, người dân vẫn phải hằng ngày lội qua những khu dân cư ngập nước dềnh chật hẹp, bẩn thỉu mỗi khi mưa xuống. Đường giao thông ngay cạnh sông mà không có hệ thống thoát nước, khiến thiên đường du lịch trên đảo chẳng khác gì các đô thị đông dân và thiếu quy hoạch ở đất liền mỗi khi mưa lớn. Đã không có một hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải nội đảo quy chuẩn, nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư xả thẳng ra biển. Phú Quốc lại là nơi thường xuyên phải đón rác ngoại thải ra từ các vùng biển Cam-pu-chia, Phi-líp-pin và vịnh Thái Lan trôi vào. Chính trị viên Đồn BP An Thới nói với chúng tôi, các anh thường phải làm một công việc đặc thù là thu gom xác người trôi dạt trên biển. Có những xác chết đã lâu ngày, chẳng rõ quốc tịch.

Khu vực cảng biển An Thới.

Quần đảo Phú Quốc gồm 22 đảo quần tụ trong vịnh Thái Lan, nhưng lại bị ngăn cách bởi các vịnh sâu rất dễ gây nguy hiểm trong giao thông đường thủy. Trước đây, nhiều đoàn người vượt biên đã phải bỏ mạng trên biển, giờ đây, vùng biển này vẫn là nơi nổi tiếng bất trắc bởi sóng gió, cướp giật, mất an ninh hàng hải. Ngư dân trên biển Tây Nam thường làm nghề lưới mực, ốc, cá lớn, câu chùm... vốn liều lĩnh, chịu sóng cừ khôi và vì vậy, họ hay lấn sang các vùng biển Cam-pu-chia và Thái Lan khai thác khiến cho lực lượng Biên phòng đóng trên đảo rất vất vả để ngăn chặn. Ngay cả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng rất khó thực hiện, vì phần lớn thời gian trong tháng, họ lênh đênh trên biển làm ăn, ít khi về nhà. Tổ chức những buổi tuyên truyền tập trung là không thể, bởi không tụ họp được bà con. Người này ở nhà thì người kia lại đang ở ngoài biển. Tuyên truyền từng người, từng buổi riêng lẻ tới từng thuyền trưởng, thuyền viên khiến cho bộ đội mất nhiều thời gian và mệt hết hơi - Chính trị viên phó Đồn BP An Thới Lưu Quang Mười bày tỏ.

Ông Huỳnh Quang Hưng là người trực tiếp nhận tấm giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ bảo hộ “Phú Quốc” từ Ủy ban châu Âu (EU) cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc vào dịp tháng 8 vừa qua, đã không giấu được niềm tự hào khi trò chuyện với chúng tôi về loại hàng hóa đặc biệt này. Ông nói, Phú Quốc không có chủ trương mở rộng thêm nghề làm nước mắm. Giữ được nghề truyền thống, bảo lưu tinh hoa và giữ vững chất lượng mới là vấn đề của nước mắm Phú Quốc. Đây càng không thể là loại sản phẩm có thể làm đại trà, xã hội hóa, bởi nếu người không biết nghề sẽ làm hỏng thương hiệu của sản phẩm. Hiện nay, Phú Quốc có hơn 100 cơ sở sản xuất, có lúc đã phải “phơi thùng” vì thiếu nguyên liệu. Nguồn lợi cá cơm ở Phú Quốc giàu đạm, giàu vi chất đã bị các thương lái Trung Quốc nhòm ngó. Họ tiến hành mua gom phá giá ngay tại đảo, kéo theo nhiều tư thương khác cũng mua gom cá cơm với giá cao tích trữ kiếm lời. Các nhà thùng thì đói nguyên liệu, trong khi cá cơm chất đống trong kho của các thương lái. Ông Hưng chia sẻ rằng, sắp tới, UBND huyện Phú Quốc sẽ phải tính đến phương án ra chỉ thị buộc ngư dân khai thác được nguồn lợi cá cơm Phú Quốc phải bán cho người làm nước mắm. Mặc dù dự tính này mang tính bảo vệ tài nguyên và giảm thiểu rủi ro cho cả người khai thác cá lẫn người làm mắm, nhưng nghe ra đã thấy bất hợp lý trên mảnh đất vốn trọng giao thương cởi mở như Phú Quốc.

Người và nghề

Nếu chia quy hoạch Phú Quốc tới 2020 thành 4 giai đoạn: Khởi động, làm đầy hạng mục, tăng tốc quyết liệt và hoàn thiện thì hiện nay, huyện đảo này mới chỉ đang ở những bước khởi động cuối, mở đầu công cuộc đầu tư ồ ạt cho hạ tầng cơ sở. Một phần không nhỏ trong đầu tư cho giao thông là 2 công trình lớn: Cảng Hàng không quốc tế đã hoạt động và cảng biển quốc tế An Thới. Cuối năm 2013, cảng An Thới cơ bản hoàn thiện chờ bổ sung kết cấu hạ tầng với năng lực thông quan gần 300 tấn hàng hóa và 400 ngàn khách quốc tế mỗi năm. Để đưa vào sử dụng cảng, huyện Phú Quốc còn phải làm một việc không dễ, đó là di chuyển toàn bộ cảng cá của thị trấn An Thới sang phía bên kia của đảo, thay đổi thói quen của ngư dân khi bao đời nay, họ dùng nơi này làm bến đậu và trú bão. Một cảng dầu bất hợp lý hiện vẫn nằm xen trong lố nhố những tàu cá hằng ngày vẫn cập vào cảng để đưa cá lên. Một điều đáng lo ngại là mặc dầu nơi này dành để phát triển cảng tàu biển quốc tế, trừ một góc cảng quân sự vẫn giữ nguyên một cảng cá nhộn nhạo gây ô nhiễm môi trường vùng nước gần bờ, ảnh hưởng đến khu vực đông dân cư cận kề. Nhất là những ngày nắng, những xe cá, muối từ tàu cá lên mặt cảng nhểu nước và bốc mùi tanh nồng trong cái nắng gay gắt. Khi vòng quay của sự phát triển còn đang trong guồng các dự án với việc nóng hằng ngày là an cư sau đền bù, giải phóng mặt bằng thì bảo vệ môi trường dường như trở thành việc thứ yếu.

Phó Chủ tịch huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nói rằng, cái bất lợi nhất trong số những khó khăn của hòn đảo hiện nay là tiềm lực con người không đủ cả lượng và chất cho nhu cầu. Xưa nay, Phú Quốc vẫn được gọi là đảo Ngọc. Và hãy so sánh một cách hình ảnh rằng, hòn đảo là viên ngọc đang vào xưởng chế tác. Giờ ngọc có sáng, có đẹp hay không đều do bàn tay con người mà nên cả. Nếu mà giao viên ngọc quý cho tay thợ vụng thì uổng cả kỳ vọng. Những người chế tác ngọc, chẳng ai khác chính là những cư dân của đảo Ngọc. Dân số của đảo Ngọc hiện nay chỉ xấp xỉ 100 ngàn người, nhưng quy hoạch tới năm 2020 sẽ gấp 6 lần, tức là khoảng 600 ngàn người. Nhưng số lao động chất lượng cao, có đủ tầm vóc và sức sáng tạo dồi dào lại rất ít, tình trạng hay gặp ở một môi trường hải đảo cách xa đất liền.

Cạnh tranh với nguồn lợi cá cơm, nhiều lò hấp cá cơm ra đời.

Hệ thống bộ máy hành chính của Phú Quốc chỉ ở cấp huyện, kiêm nhiệm nhiều, thực tế lại làm công việc chẳng khác gì một đặc khu kinh tế trực thuộc Trung ương, thực hiện đề án phát triển thành trung tâm thương mại du lịch dịch vụ tầm cỡ quốc tế do Thủ tướng Chính phủ ký. Ngay cả một cá nhân tiêu biểu khác của Phú Quốc là ông Huỳnh Phước Huệ đã bỏ công sưu tầm hiện vật cổ để mở một bảo tàng tư nhân trên đảo. Nhưng xem ra, đây cũng chỉ là một công trình dừng ở mức thu hút khách du lịch, chưa thể là một hình dung sâu rộng mang tầm lịch sử về Phú Quốc. Cũng như vậy, nghề truyền thống nước mắm nhà thùng mang thương hiệu nổi danh và có liên kết nghiệp đoàn của đảo rốt cục rất dễ bị lũng đoạn, vì một vài tư nhân thu mua hớt nguyên liệu.

Chiều trên cảng An Thới, chúng tôi ngồi trò chuyện với ông Huỳnh Văn Hạnh, Bí thư thị trấn An Thới. Sau khi đã diễn đạt đủ những khó khăn và thuận lợi của người dân thị trấn trong công cuộc quy hoạch lại hòn đảo, ông trầm ngâm suy nghĩ rồi nói: Phú Quốc bây giờ, tiềm năng nhất là lòng người, bất lợi nhất cũng là lòng người. Có những đồng thuận nhanh chóng dẫn đến dự án nhanh gọn phát triển như vũ bão, có những lúc mắc ở lòng người, giải phóng đền bù vài hộ dân cả năm không xong, cứ ách mãi ở đó.

Phú Quốc 20 năm nữa sẽ có 3 đô thị chính, 4 vùng du lịch, 2 khu phi thuế quan, 4 trung tâm xã và 7 điểm dân cư nông thôn vậy mà dân Phú Quốc giờ chỉ dám bạo miệng nói về một nghề: Nghề biển.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phu-quoc-ngoc-tren-tay-nguoi-nyh/