Phú Quốc lại ngập vì mưa: Lời hứa chưa tròn

'Đảo Ngọc' Phú Quốc lại ngập sau các trận mưa kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Sau trận lụt lịch sử vào đầu tháng 8, một phần "Đảo Ngọc" Phú Quốc lại tiếp tục trở thành điểm đen ngập lụt.

Đồ dùng gia đình nổi bập bềnh trong nước trên Đảo Ngọc. Ảnh: Thanh Niên

Đồ dùng gia đình nổi bập bềnh trong nước trên Đảo Ngọc. Ảnh: Thanh Niên

Sáng 19/9, nhiều khu vực tại Thị trấn Dương Đông tiếp tục bị ngập nặng, có nơi ngập quá thắt lưng. Nhiều người dân đã phải rời bỏ nhà cửa tại đây, đến nhà người quen ở tạm.

Một số người dân sống tại các khu phố tại Thị trấn Dương Đông cho biết, mưa kéo dài chừng 1 tiếng đồng hồ sẽ dâng nước ngập lênh láng, trôi hết đồ đạc trong nhà. Nhiều người không có nơi ngủ đành bỏ đồ đạc đó đến nhà người quen ở tạm.

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, nguyên nhân ngập là do mưa lớn và triều cường dâng cao.

Trong trận mưa lụt lịch sử tại khu vực này cách đây khoảng 1 tháng, UBND huyện Phú Quốc cũng cho biết, tổng lượng mưa trên đảo từ ngày 1 - 9/8/2019 đạt 1.170 mm, mức cao so với những năm trước.

Cùng với đó, hệ thống thoát nước nội ô thị trấn Dương Đông xây dựng từ năm 2003, quy mô đầu tư thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt, chưa phát triển nhanh như hiện nay nên đã bị quá tải.

Một số điểm bị san lấp, tôn nền, xây dựng kè làm hẹp dòng chảy một số đoạn suối là những nguyên nhân làm giảm lưu lượng thoát nước về các nhánh sông ra biển.

Hệ thống cống cũ bị hư hỏng, trong khi hệ thống cống mới xây dựng gần đây không phát huy tác dụng thoát nước. Nguyên nhân là do thời gian Phú Quốc có mưa lớn trùng với thời điểm triều cường dâng cao. Thay vì làm chức năng thoát nước, hệ thống cống mới lại dẫn nước biển vào vùng trũng, khiến Phú Quốc bị ngập nặng hơn.

Mưa lớn “lạ thường” diễn ra bất ngờ, ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn lại rơi vào thời điểm nước biển đang dâng cao nên việc thoát nước từ sông, suối ra biển chậm; gió mùa Tây Nam thổi mạnh khác thường, sóng biển cao cản trở lưu lượng nước thoát của các cửa sông ra biển dẫn đến ngập lũ cục bộ một số nơi.

"Thiên tai bất ngờ ập đến vừa qua là bài học để huyện hoàn thiện quy hoạch và đưa ra các phương án, giải pháp ứng phó hữu hiệu mà trước mắt là tập trung giải quyết ngập cục bộ cho đảo có thể xảy ra trong thời gian tới” - ông Huỳnh nhấn mạnh trong cuộc họp tìm giải pháp giải quyết trận lụt tại huyện đảo hồi đầu tháng 8.

Khi nhắc tới giải pháp, UBND huyện Phú Quốc cho rằng, về lâu dài, sẽ khảo sát các khu vực ngập sâu để làm hệ thống thoát nước ra biển. Động viên những hộ lấn chiếm sông rạch tự tháo dỡ, di dời, thậm chí lập đoàn cưỡng chế, trả lại dòng chảy tự nhiên.

Sở Xây dựng rà soát các dự án thi công, nhất là tại khu vực bãi Trường, yêu cầu các doanh nghiệp phải có kế hoạch thoát nước trong quá trình thi công khi thời tiết cực đoan xảy ra. Các doanh nghiệp đang đầu tư, thi công nếu không tuân thủ các quy định của địa phương sẽ đình chỉ thi công.

Trước quan điểm cho rằng, Phú Quốc bị phá vỡ quy hoạch và đang bị bê tông hóa, dẫn đến ngập lụt, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện khẳng định:

“Đảo ngọc được quy hoạch bài bản và đang trong quá trình thực hiện. Trận thiên tai là bài học để huyện hoàn thiện quy hoạch. Sắp tới, huyện sẽ công bố xây dựng đường quanh đảo và xây dựng công viên bãi biển rộng khoảng 100 ha, là bãi biển chung công cộng của nhân dân, không giao cho bất kỳ nhà đầu tư nào”.

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc. Ảnh: Báo Thời đại

Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang Lê Quốc Anh đề xuất mở thêm các cống ngang để thoát nước ở đường quanh đảo, không để xảy ra hiện tượng đường trở thành đập ngăn nước thoát ra biển. Về lâu dài nên xây dựng các kênh hở, vừa tạo cảnh quan, vừa giúp việc thoát nước ra biển được tốt hơn.

Các biện pháp được đưa ra về quy hoạch, sửa chữa hệ thống thoát nước... được UBND huyện Phú Quốc cho là biện pháp lâu dài. Các biện pháp được làm ngay, giải quyết ngập lụt là dọn rác, vật cản trên sông, đường thoát nước...

Tuy nhiên, trận lụt vào giữa tháng 9 tiếp diễn đặt câu hỏi cho các nhà quản lý, phương án nào mới thực sự là phương án sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập lụt cho huyện đảo?

Từng trả lời Báo Đất Việt, chuyên gia Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, việc một hòn đảo bị ngập lụt là chuyện bất thường. Chỉ có quy hoạch thoát nước bất hợp lý mới dẫn tới việc ngập lụt như vậy.

Việc đặt cống thoát nước chính của hòn đảo không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về dòng hải lưu của biển nên dẫn đến tình trạng nước triều cường chảy ngược vào cống, đồng thời xói mòn các khu vực, đường ven biển...

Nếu không giải quyết câu chuyện quy hoạch mà chỉ tập trung dọn rác, vật cản trên sông thì tình trạng ngập lụt sẽ còn diễn ra trong thời gian dài và sẽ còn nhiều trận lụt lịch sử thêm nữa.

Trả lời báo chí, PGS.TS Thái Thành Lượm, Hiệu trưởng trường Đại học Kiên Giang nhận định tương tự. Ông cho rằng cần phải rà soát lại tổng thể quy hoạch của Đảo Ngọc.

"Phú Quốc cần sớm rà soát lại quy hoạch tổng thể của huyện Phú Quốc và có đề án quy hoạch hệ thống thoát nước mặt của các khu đô thị.

Cùng với đó, khi xây dựng cần bám sát quy hoạch thoát nước mặt để đảm bảo cho việc phát triển bền vững của Phú Quốc, đề phòng khi mực nước biển dâng quá cao và mưa to, như thế nước khi rút sẽ nhanh hơn, tránh thiệt hại cho người dân và các công trình công cộng" - PGS.TS Thái Thành Lượm nhấn mạnh.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/phu-quoc-lai-ngap-vi-mua-loi-hua-chua-tron-3387915/