Phú Quốc - Đảo ngọc của Tổ quốc

Phú Quốc được mệnh danh là đảo ngọc bởi sự 'giàu có' của thiên nhiên và tiềm năng du lịch phong phú, một vùng đất lạ với những cánh rừng nguyên sinh có nhiều loại gỗ quý. Phú Quốc hiện là một vùng nước non cẩm tú, một Việt Nam thu nhỏ, một thắng cảnh nên thơ và lý tưởng. Đến với Phú Quốc, ta như được trở về với thiên nhiên, hưởng sự tinh khiết của đất trời, bởi tất cả còn nguyên sơ, trong lành với rừng bạt ngàn và biển xanh mênh mông.

Tiềm năng du lịch trên đảo Phú Quốc đang từng ngày đổi thay. Ảnh: Lê Đồng

Phú Quốc là đảo lớn nhất trong mấy chục hòn đảo của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và cũng là đảo lớn nhất Việt Nam. Phú Quốc nằm phía Tây Nam Việt Nam, trong vịnh Thái Lan. Thị trấn Dương Đông - trung tâm của đảo cách Hà Tiên 45km, cách thành phố Rạch Giá 120km; đảo có diện tích 589,23km2, dài 50km, nơi rộng nhất (ở phía Bắc đảo) 25km. Địa hình Phú Quốc rất độc đáo chạy dài từ Nam đến Bắc, trập trùng 99 ngọn núi, đồi lớn nhỏ.

Phú Quốc có lịch sử khai hoang lập ấp sớm so với các vùng khác thuộc lưu vực sông Cửu Long. Thời Mạc Cửu (1655-1735), họ Mạc đã có công trong việc tổ chức khai khẩn Hà Tiên (vùng đất nay tương ứng với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau). Cùng thời Mạc Cửu, họ Mạc đã dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Mạc Cửu sau này được triều Nguyễn phong là Khai trấn Quốc công.

Phú Quốc còn là nơi lưu lại dấu tích của vua Gia Long những năm trôi dạt, là căn cứ địa chống Pháp của vị anh hùng khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực. Sau khi đốt cháy tàu Espérance của Pháp trên vàm sông Nhật Tảo, ngày 11-12-1861 và đánh chiếm rồi làm chủ thị xã Rạch Giá, ngày 21-6-1868, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân rút về Hòn Chông rồi vượt biển ra đảo Phú Quốc cố thủ.

Sau 100 ngày cầm cự, trận quyết tử diễn ra ở sông Cửu Cạn đến bãi Ông Lang, Nguyễn Trung Trực sa vào tay quân Pháp. Sau khi kêu gọi, thuyết phục ông hợp tác bị khẳng khái cự tuyệt, thực dân Pháp đã mang ông ra hành quyết tại Rạch Giá, ngày 27-10-1868. Để tưởng nhớ người anh hùng xả thân vì nước, nhân dân trên đảo đã xây dựng đền thờ Nguyễn Trung Trực tại xã Gành Dầu, thuộc phía Tây Bắc của đảo.

Phú Quốc còn ghi đậm nhiều chiến tích hào hùng của những chiến sĩ cách mạng ở nhà lao Cây Dừa (nhà tù Phú Quốc). Nhà lao này có từ thời Pháp, đến thời Mỹ - ngụy trở thành nhà tù lớn nhất của chính quyền ngụy Sài Gòn, có lúc chúng đã giam giữ gần 40.000 tù chính trị (từ năm 1967-1972), có khoảng 4.000 chiến sĩ cách mạng đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.

Huyện đảo Phú Quốc hiện nay có 8 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Cạn, Cửa Dương, Hòn Thơm, Bãi Thơm, Gành Dầu, Thổ Chu (cách Phú Quốc 120km) và 2 thị trấn: An Thới và Dương Đông. Thiên nhiên đã dành cho Phú Quốc một sự trù phú bất ngờ: Có biển, hồ, sông, núi, đồng bằng, rừng rậm với nhiều loại muông thú. Tại đây, có Vườn quốc gia Phú Quốc, diện tích 31.422ha, trong đó có 12.794ha rừng; Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Hệ sinh vật có 929 loài thực vật, 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm, 62 loài rong biển... Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Phú Quốc có cảng An Thới, cảng Hòn Thơm là nơi cập bến của tàu bè trong nước và quốc tế để trao đổi hàng hóa. Xung quanh đảo có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Trường, bãi Khem, ghềnh Dầu, rạch Tràm, rạch Vẹm. Hấp dẫn nhất trong các bãi cát vàng nằm thoai thoải bên bờ biển Phú Quốc là bãi Trường. Sở dĩ gọi là bãi Trường vì bãi chạy dài gần 20km từ Dinh Cậu đến bãi Tàu Rũ. Dọc theo bãi là nước biển xanh rờn, có nhiều loại rong biển với màu sắc rực rỡ. Bãi Khem cũng là một bãi tắm đẹp, nổi tiếng, cát trắng và mịn như bột nằm ở phía Nam đảo, cách thị trấn Dương Đông 25km, cách cảng An Thới 5km. Ven bãi Khem là những bãi cỏ xanh mượt và rừng già nguyên sinh. Du khách tới đây có thể tắm biển, câu cá, bắt ốc và thưởng thức các món đặc sản.

Trên đảo còn có những con suối như suối Tranh, suối Đá Bàn... là những con suối lớn, dài hàng chục ki-lô-mét, nước chảy hiền hòa, bên cạnh những phiến đá nối tiếp nhau chạy đến ngút tầm mắt. Suối nước khá sâu, có thể bơi lội, cắm trại, vui chơi, hội hè... giữa thiên nhiên và cây cỏ. Ven suối là những loài sâm, lan rừng rất đẹp.

Hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng do hạt mẩy, vỏ mỏng, ruột đặc, cay nồng và thơm. Tiêu được trồng ở khắp nơi trên đảo, nhưng nhiều nhất là ở Khu Tượng với những vườn tiêu bạt ngàn, xanh mướt. Rượu vang sim Phú Quốc được chế biến từ trái sim theo phương thức cổ truyền, được coi là dược tửu, có tác dụng tốt cho tiêu hóa và tăng cường sinh lực.

Nhắc đến Phú Quốc không thể không nói đến giống "chó xoáy", nổi tiếng tinh khôn với những vòng xoáy lông chạy thẳng hoặc ngoằn ngoèo trên sống lưng từ vai đến cuối xương khu, bàn chân có màng da nối liền với các ngón như chân vịt. Đây là loại chó quý hiếm của thế giới, đã được Từ điển La Rousse công nhận.

Với tiềm năng du lịch phong phú, Phú Quốc đang phát triển hằng ngày với biết bao công sức của quân và dân trên đảo. Phú Quốc thực sự là cửa ngõ, là phên giậu vững chắc phía Tây Nam của Tổ quốc. Những người lính ngày xưa chiến đấu để giải phóng đất nước, ngày nay đang tiếp tục góp phần vào việc xây dựng Phú Quốc ngày càng giàu mạnh.

Tiềm năng của Phú Quốc là rất lớn, tương lai cần xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trước mắt, xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, hướng tới trở thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương.

Đặng Việt Thủy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phu-quoc-dao-ngoc-cua-to-quoc/