Phụ nữ với vấn đề an toàn giao thông

Gần hai năm nỗ lực triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú, Chương trình 'Uống có trách nhiệm-vì an toàn giao thông (ATGT)-vì gia đình hạnh phúc' do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam thực hiện dưới sự chủ trì của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (UBATGTQG) đã và đang phát huy hiệu quả trong việc vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, trên cơ sở phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Theo nhiều nghiên cứu, hiện nay tình trạng sử dụng rượu, bia, lạm dụng chất có cồn điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam rất phổ biến và ngày càng đáng báo động, trong đó có tới 77,9% nam giới điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Số lượng, tốc độ tiêu thụ rượu, bia tăng tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do lạm dụng rượu, bia.

Tình hình TNGT đang có nhiều diễn biến khó lường; trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 20 người chết, hàng trăm người bị thương do TNGT. Trong 9 tháng đầu năm 2019, có tới 65% đến 70% số vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng UBATGTQG chia sẻ: “Uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp. Do đó, cần tập trung giảm TNGT liên quan đến rượu, bia. Thông qua các hoạt động tuyên truyền như Chương trình “Uống có trách nhiệm-vì ATGT-vì gia đình hạnh phúc” và các biện pháp cưỡng chế, thay đổi hành vi khi tham gia giao thông, UBATGTQG mong muốn mỗi người dân đều có ý thức, thực hiện tốt việc đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Trong giai đoạn 2017-2019, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Phát động về uống có trách nhiệm phòng, chống ngộ độc rượu; truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn tài liệu truyền thông phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn; tập huấn giảng viên cho cán bộ chủ chốt hội LHPN 63 tỉnh, thành phố và giáo viên, học sinh nòng cốt tại các trường học; xây dựng các mô hình câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện ATGT”… Với hơn 2.500 thành viên tại 50 mô hình, chương trình đã phát huy hiệu quả, tác động mạnh mẽ, sâu rộng, trực tiếp làm thay đổi nhận thức, hành vi của những người tham gia và người được thụ hưởng tại gia đình, cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết: "Ở Việt Nam, tiếng nói của chị em rất quan trọng trong mỗi gia đình. Phụ nữ có thế mạnh về sự kiên trì, mềm mại, nhờ vậy họ dễ gần gũi, tác động đến nhận thức, hành vi của người thân, bạn bè trong việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả cộng đồng. Năm 2019 là năm thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, chúng tôi muốn phụ nữ và trẻ em được sống trong môi trường an toàn, đặc biệt là ATGT; mong rằng các cấp, các ngành, hội viên phụ nữ cùng chung tay nâng cao nhận thức của phụ nữ và cả cộng đồng trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ để giảm các vụ TNGT, bảo đảm sự an toàn, bình yên, hạnh phúc cho toàn xã hội".

Mô hình CLB “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện ATGT” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện từ năm 2017. Hai năm qua, có 65 CLB hoạt động, tích cực truyền thông tại địa bàn 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2019, mô hình được triển khai hoạt động tại 5 tỉnh, thành phố là: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Trị, Đắc Lắc, Bình Phước với 15 CLB; tổ chức 30 lớp tập huấn; 5 cuộc giao lưu sáng kiến bằng hình thức sân khấu hóa với chất lượng nội dung cao, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của hàng nghìn người dân thuộc mọi tầng lớp.

Tuy mới được thành lập năm 2019, nhưng với sự tham gia tích cực của 50 hội viên, CLB “Phụ nữ lên tiếng về uống có trách nhiệm thực hiện ATGT” phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã đạt được những kết quả nhất định. Từ việc còn khá mơ hồ về vấn đề lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, đến nay, qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, các hội viên đã nắm rõ những kiến thức, quy định của pháp luật về ATGT, đơn vị đo lường rượu, lạm dụng đồ uống có cồn… từ đó chủ động thay đổi hành vi, áp dụng tốt các kiến thức vào thực tiễn tuyên truyền. Trong CLB, nhiều hội viên là tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ… nhờ vậy có thể dễ dàng lồng ghép tuyên truyền về ATGT vào các buổi hội họp, giúp công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong khu dân cư về uống có trách nhiệm gặp nhiều thuận lợi. Chị Dương Minh Thúy, Phó chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Khê Tây, cho biết: "CLB “Phụ nữ lên tiếng về uống có trách nhiệm thực hiện ATGT” của phường nhưng có 22/50 thành viên là nam giới tham gia. Từ sự tâm huyết, tích cực tuyên truyền của các chị em, đến nay các anh đã không còn “đứng ngoài cuộc”. Các anh không chỉ hăng hái tham gia mà còn rất nhiệt tình, năng nổ trong xây dựng các tiểu phẩm, sáng kiến giao lưu tuyên truyền, cùng với chị em phụ nữ thực hiện tốt việc vận động người dân uống có trách nhiệm, chấp hành pháp luật về ATGT”.

Với sự chung tay của chính quyền, các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống có cồn, “Uống có trách nhiệm-vì ATGT-vì gia đình hạnh phúc” là chương trình thiết thực, thể hiện vai trò tích cực, tâm huyết và sự đóng góp của hội phụ nữ các cấp và cán bộ, hội viên phụ nữ trong tham gia bảo đảm ATGT, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phụ nữ và trẻ em trong tình hình mới.

THANH THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phu-nu-voi-van-de-an-toan-giao-thong-597788