Phụ nữ Việt Nam quyến rũ như thế nào qua góc nhìn họa sĩ Đông Dương?

Vẻ đẹp người phụ nữ là đề tài xuyên suốt trong tranh của Lê Thị Lựu, nữ họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Tác phẩm Nhị Kiều, tranh lụa của Lê Thị Lựu vẽ năm 1954, đánh dấu bước thành công của họa sĩ khi giao hòa kỹ thuật tranh lụa và tranh màu nước. Lê Thị Lựu (1911-1988) sinh tại Bắc Ninh, nhập học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1927 và tốt nghiệp thủ khoa khóa III năm 1932, với rất nhiều lời khen ngợi của thầy hiệu trưởng Victor Tardieu.

Bức tranh lụa Ba mẹ con trên cỏ, thể hiện vẻ đẹp mềm mại, trong sáng của người phụ nữ Việt Nam, được bà sáng tác trong khoảng thời gian 1960-1965. Dù nổi danh trong giới mỹ thuật Việt Nam từ những năm là sinh viên, nhưng do bà cùng chồng sang Pháp sinh sống từ năm 1940, nên trong nước không còn lưu giữ tác phẩm của bà.

Tranh lụa Thiếu nữ trong hoa, sáng tác khoảng năm 1976-1977. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, chủ đề chính trong tranh Lê Thị Lựu là thiếu nữ, thiếu phụ và thiếu nhi. Ngòi bút điêu luyện của bà đã chinh phục giới hội họa Pháp và cộng đồng yêu mỹ thuật châu Âu.

Thiếu nữ tắm hồ sen, tranh lụa, khoảng năm 1971-1972. Đây là một bức tranh vẽ phụ nữ bán khỏa thân hiếm hoi của Lê Thị Lựu. Người phụ nữ Việt trong tranh của bà luôn mang vẻ đẹp quyến rũ rất riêng, vừa nền nã, dung dị, vừa đầy dịu dàng, khí chất. Trong cuộc đời sáng tác của mình, bà đã vẽ trên 300 bức tranh, tuy nhiên đa phần vẽ xong đều đã có người mua, nên công chúng trong nước gần như chưa được chiêm ngưỡng tác phẩm của bà.

Mẹ địu con, tranh lụa, sáng tác khoảng năm 1965-1970. Sau khi nữ họa sĩ qua đời, gia đình đã thực hiện di nguyện của họa sĩ là đem tặng 20 tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Đồng thời, người bạn của gia đình họa sĩ là nhà văn Thụy Khuê cũng tặng bảo tàng 8 bức họa của bà trong bộ sưu tập cá nhân của nhà văn.

Cõng em, tranh lụa, thực hiện khoảng năm 1960. Sau khi nhận tranh được gia đình họa sĩ và nhà văn Thụy Khuê tặng, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phối hợp với NXB Tổng hợp TP.HCM đã xuất bản cuốn Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn của tác giả Thụy Khuê, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nữ họa sĩ.

Bức tranh lụa Hồng hoa , Lê Thị Lựu sáng tác khoảng năm 1970 . Nhờ cuốn Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn, mà công chúng yêu mỹ thuật nước nhà có điều kiện chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc sắc của nữ họa sĩ tài danh.

Cho em con mèo, tranh lụa, được vẽ khoảng năm 1960. Phụ nữ và trẻ em là những chủ đề được Lê Thị Lựu yêu thích, đặc biệt hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mặc áo dài, với mái tóc dài, dịu dàng, nền nã. Lê Thị Lựu rất ít vẽ phong cảnh, bà chỉ vẽ có vài bức phong cảnh bằng sơn dầu.

Dông tố, tranh lụa, thực hiện khoảng năm 1980. Đây là một tác phẩm hiếm hoi có màu sắc thể hiện tâm trạng nhớ quê hương của họa sĩ.

Kiều gảy đàn tì bà, tranh lụa, sáng tác khoảng năm 1987. Họa sĩ vẽ nhiều tác phẩm về đề tài Truyện Kiều, như Kim Kiều gặp gỡ...

Lê Thị Lựu và chồng, kỹ sư Ngô Thế Tân, năm ông bà cưới nhau, 1935, tại Bắc Ninh.Tam đại đồng đường là bức tranh lụa cuối cùng của Lê Thị Lựu, sáng tác năm 1988. Trước khi mất, họa sĩ đã có chuyến trở về thăm quê hương năm 1975. Nữ họa sĩ qua đời ngày 6/6/1988 tại Antibes, Pháp.

Lê Thị Lựu và chồng, kỹ sư Ngô Thế Tân, năm ông bà cưới nhau, 1935, tại Bắc Ninh.Tam đại đồng đường là bức tranh lụa cuối cùng của Lê Thị Lựu, sáng tác năm 1988. Trước khi mất, họa sĩ đã có chuyến trở về thăm quê hương năm 1975. Nữ họa sĩ qua đời ngày 6/6/1988 tại Antibes, Pháp.

Lê Tiên Long

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phu-nu-viet-nam-quyen-ru-nhu-the-nao-qua-goc-nhin-hoa-si-dong-duong-post922949.html