Phụ nữ vất vả tìm việc ở Hàn Quốc

Trong quá trình tìm kiếm việc làm, Casey Lee đã phải đối mặt với một loạt các câu hỏi về vấn đề cá nhân và có phần mâu thuẫn. Lee kể rằng người phỏng vấn đầu tiên phàn nàn rằng phụ nữ có xu hướng bỏ việc khi họ có con, trong khi một người phỏng vấn khác phản đối những 'phụ nữ trẻ thiếu trách nhiệm' như cô, khi mà cô đã 25 tuổi mà vẫn độc thân, không chịu sinh con để 'phát triển tương lai đất nước'. 'Tôi muốn hét to. Tôi chỉ đến đó để kiếm việc làm thôi mà' – Lee bức xúc nói. Hiện cô vẫn đang vất vả tìm việc làm dù sở hữu trong tay tấm bằng tốt nghiệp từ Đại học Seokyeong ở Thủ đô Seoul.

Casey Lee tìm kiếm thông tin về việc làm. Ảnh: AFP

Lee không phải là trường hợp duy nhất bị đối xử như vậy trong bối cảnh phụ nữ phải vất vả tìm chỗ đứng tại nền văn hóa doanh nghiệp do nam giới thống trị của Hàn Quốc. Nhiều bằng chứng cho thấy một số công ty tại nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới phân biệt đối xử một cách có hệ thống đối với phụ nữ. Hiện một loạt các công ty tại xứ sở kim chi đang bị tố sử dụng các tiêu chí tuyển dụng thiên về giới tính nhằm giữ thế “trọng nam khinh nữ” của mình. Theo đó, có tới 3 trong số 4 ngân hàng hàng đầu của Hàn Quốc bị cáo buộc thiên vị trong việc tuyển dụng, giảm điểm kiểm tra và phỏng vấn của các ứng viên nữ trong khi nâng điểm của ứng viên nam để đạt được mục tiêu đặt ra. Đến nay, có tổng cộng 18 giám đốc điều hành (CEO) đã bị buộc tội hoặc bị kết án vì hành động thiên vị đối với nam giới trong tuyển dụng, trong đó có chủ tịch tập đoàn tài chính Shinhan, ngân hàng lớn thứ hai Hàn Quốc. Mới đây, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã tuyên án 4 năm tù giam đối với cựu CEO của tập đoàn nhà nước KGS Park Ki-dong vì tội nhận hối lộ và vi phạm Luật cơ hội bình đẳng.

Dù tiên tiến về kinh tế và công nghệ nhưng Hàn Quốc hiện vẫn là một xã hội phụ hệ và là một trong những quốc gia có rào cản tiến thân nhất đối với phụ nữ. Chỉ 2,7% trong số 15.000 CEO hàng đầu tại 500 công ty lớn nhất nước này là nữ giới. Và với tỷ lệ 36,7%, Hàn Quốc là nước có khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới. Tại đây, phụ nữ lập gia đình dù có việc làm hay không sẽ phải đảm trách công việc nhà và chăm sóc trẻ. Nhiều chị em thậm chí phải bỏ việc sau khi làm mẹ.

TRÍ VĂN (Theo AFP, Yonhap)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/phu-nu-vat-va-tim-viec-o-han-quoc-a103827.html