Phụ nữ Trung Quốc đổ xô đi điều trị vô sinh sau khi hãm sinh con

Cách đây 3 năm, Xi Xiaoxin (35 tuổi) không nghĩ là cô khó có con. Lúc đó, cô chỉ muốn đi du lịch khắp thế giới với chồng mình sau khi kết hôn năm 2012. Tuy vậy, đến khi cô nhận ra cần có thêm thành viên trong gia đình thì mọi chuyện mới nan giải. Đây chỉ là một trong hàng trăm nghìn phụ nữ Trung Quốc, chủ yếu là cư dân đô thị, gặp rắc rối vì chuyện vô sinh.

Bệnh nhân chờ tới lượt khám tại một trung tâm sinh sản của Trung Quốc

Nhiều phụ nữ Trung Quốc trì hoãn thiên chức làm mẹ chỉ vì dồn quá nhiều thời gian cho công việc, mức sống đắt đỏ và chính sách thai sản không thân thiện. Nhưng giờ đây, sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách 1 con kéo dài hàng chục năm, khuyến khích người dân sinh con thì tình trạng vô sinh lại trở nên phổ biến. Số liệu thống kê từ 6 năm trước do Hiệp hội Dân số Trung Quốc cho biết, Trung Quốc có khoảng 40 triệu phụ nữ và nam giới vô sinh. Đối tượng chủ yếu là cư dân đô thị bởi ở nông thôn, độ tuổi kết hôn trẻ hơn nên tỷ lệ sinh cũng cao hơn.

“Cuộc chiến” thầm lặng

“Tôi biết rất nhiều phụ nữ Trung Quốc đang gặp rắc rối về vô sinh và có vấn đề về sinh sản”, bà Phoebe Pan, điều hành một nhóm trợ giúp phụ nữ chữa vô sinh trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat cho biết. Bà Pan cho rằng, tuổi tác là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh ở phụ nữ. Thêm vào đó là sự kỳ thị xã hội, khi mà nhiều người tâm sự với bà Pan rằng họ rất xấu hổ khi nói về điều đó với gia đình và bạn bè, điều này sẽ gây ra sự thiếu nhận thức ở phụ nữ trẻ Trung Quốc.

3 năm qua, Xi Xiaoxin đã trải qua nhiều phương pháp điều trị vô sinh khác nhau, trong đó có uống thuốc Đông y 3 tháng, áp dụng liệu pháp rụng trứng cảm ứng rụng trứng và phẫu thuật nội soi để điều trị lạc nội mạc tử cung. Năm nay, cô quyết định thử điều trị thụ tinh ống nghiệm tại một cơ sở điều trị vô sinh của Nhà nước. Mức phí là 4.700 USD, tương đương 4 tháng lương so với mặt bằng dân cư các thành phố giàu có như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Đến năm 2016, Trung Quốc mới chỉ có 451 cơ sở y tế được cấp phép làm thụ tinh ống nghiệm, có nghĩa là cứ 10 triệu dân mới chỉ có 3,3 trung tâm sinh sản được cấp phép. Tuy vậy, các cơ sở này thường rất đông bệnh nhân. Xi và chồng phải dậy sớm để xếp hàng và thường mất 4 tiếng chờ đợi mới tới lượt khám. “Mỗi lần khám và tư vấn thực sự chỉ kéo dài 5 phút”, chồng của Xi than thở.

Bên cạnh đó, công nghệ về hỗ trợ sinh sản của Trung Quốc cũng lạc hậu hơn so với các nước khác. Tỷ lệ thành công ở đây chỉ khoảng 30-40%, so với xác suất 60-65% của Mỹ, Thái Lan hay Malaysia. Bởi vậy, người Trung Quốc thường ra nước ngoài, chủ yếu là tới Mỹ hay Thái Lan để điều trị vô sinh.

Bác sĩ Hal Danzer, một chuyên gia điều trị vô sinh ở Los Angeles có lượng khách khá đông là người Trung Quốc. Ông cho rằng, sinh con muộn không phải là yếu tố duy nhất. “Tôi thấy rất nhiều doanh nhân Trung Quốc làm việc 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần và chế độ ăn uống không tốt. Họ thừa cân, hút thuốc và uống rượu nhiều nên chất lượng tinh trùng không tốt”.

Kết hợp các biện pháp truyền thống và hiện đại

Vô sinh cũng là chủ đề nóng hổi đối với giới truyền thông. Những chương trình truyền hình thực tế hướng dẫn cách làm thế nào để sớm có con luôn thu hút đông đảo người xem, ví dụ họ khuyên các cặp vợ chồng nên thay đổi chế độ ăn uống, tập Thái cực quyền, sắp xếp lại nội thất phòng ngủ hay ngăn chặn tiếng ồn.

Các lĩnh vực kinh doanh về hỗ trợ điều trị vô sinh vì thế cũng nở rộ, từ áp dụng phương pháp y học cổ truyền cho đến công nghệ hiện đại. Bác sĩ Phương làm tại một bệnh viện thuộc tỉnh Chiết Giang, chuyên bán sản phẩm hỗ trợ khả năng sinh sản trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc cho biết, ông đã bán được hàng chục nghìn gói nước ngâm chân thảo dược tự chế mỗi tháng và doanh số những năm gần đây ngày càng tăng, vượt xa sự mong đợi. Vị bác sỹ này cũng thừa nhận rằng ngâm chân không phải là thần dược, nó chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp cho con người ta dễ thụ thai hơn.

Ngược lại, cũng có nhiều người áp dụng phương pháp khoa học hơn để giải quyết vấn đề. Bà Phoebe Pan cho hay, các ứng dụng theo dõi rụng trứng rất phổ biến đối với phụ nữ đang mong có con. Xi Xiaoxin cũng là một người tích cực sử dụng ứng dụng này và tham gia 7 nhóm trên WeChat để cùng chia sẻ trải nghiệm khi điều trị thụ tinh ống nghiệm. “Mặc dù quá trình này đã khiến tôi bội thực về cả thể chất lẫn tinh thần nhưng tôi tin rằng, miễn là có một tia hy vọng, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục để có thể có con”, Xi nói.

Yến Chi ((Theo CNN))

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/phu-nu-trung-quoc-do-xo-di-dieu-tri-vo-sinh-sau-khi-ham-sinh-con/767324.antd