Phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại: Nhân rộng mô hình trợ giúp tại cộng đồng

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận về bình đẳng giới. Tuy vậy, tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi các bên liên quan cần triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, việc nhân rộng mô hình trợ giúp tại cộng đồng để hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp bị bạo lực, xâm hại có vai trò quan trọng.

Cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tư vấn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Nỗi đau không của riêng ai

Sau gần 1 năm sống tại Ngôi nhà Bình Yên, đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), sức khỏe của chị C.T.H., đến từ huyện Hoài Đức dần cải thiện, song nỗi đau bị bạo hành do chính người chồng gây ra vẫn chưa thể nguôi ngoai. Theo lời chị H., vợ chồng chị còn trẻ, nhưng vì “nhỡ kế hoạch”, nên trong 2 năm, chị sinh liền 3 người con (2 bé sau sinh đôi). Nuôi con vất vả, cộng với tâm lý “thua chị, kém em" khi sinh con một bề là gái, khiến chồng chị thường xuyên bực tức, cáu giận, rồi tìm đến rượu “giải sầu”. "Trong cơn say, chồng thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nhưng tôi cố gắng nhẫn nhịn. Nhưng càng khuyên nhủ, càng cam chịu, lại càng bị bạo lực”, chị H. kể lại trong nước mắt.

Nạn nhân khác chúng tôi gặp là cháu V.T.A., đang học tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Cháu A. bị bạo lực gia đình từ người bố gia trưởng, lạc lõng ở trường do bạn bè xa lánh. Những áp lực dồn nén đẩy A. đến con đường muốn tự tử. May mắn là A. được cơ quan chức năng phát hiện, hỗ trợ kịp thời và đã ổn định tâm lý, sống vui vẻ, tự tin hơn.

Dẫn chứng nêu trên chỉ là hai trong số hàng trăm vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em gái được phát hiện trên địa bàn Hà Nội trong những năm qua. Theo báo cáo liên ngành, giai đoạn 2015-2019, toàn thành phố phát hiện khoảng 700 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó nạn nhân là trẻ em gái chiếm hơn 60%. Bà Vũ Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội thông tin thêm: “Từ đầu năm 2019 đến nay, chúng tôi đã tư vấn, trợ giúp, cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc cho hơn 100 trường hợp là phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới. Đáng lưu ý, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em không những có xu hướng tăng, mà tính chất, diễn biến ngày càng phức tạp, khó giải quyết”.

Về vấn đề này, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cảnh báo, tổn thất do bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gây ra ước tính bằng hơn 1% GDP của các quốc gia đang phát triển, của các địa phương tại Việt Nam và Hà Nội không phải là ngoại lệ.

Tăng cường trợ giúp từ cơ sở

Bà Đặng Thị Mai, cán bộ Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội cho biết, đại đa số trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện từ các nguồn tin trong cộng đồng, khi nạn nhân đã rơi vào hoàn cảnh “không thể chịu đựng thêm”. Nguyên nhân là những định kiến, quan niệm lạc hậu về giới vẫn tồn tại dai dẳng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nam giới thường nhìn nhận bản thân có vai trò quan trọng hơn phụ nữ, còn phụ nữ thường có tâm lý cam chịu, chấp nhận sự thiệt thòi. Ở một số nơi, chính quyền cơ sở chưa dành sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này.

Đoàn viên, thanh niên thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới. Ảnh: Minh Ngọc

Từ kinh nghiệm thực tế, bà ĐặngThị Mai kiến nghị tăng cường tổ chức hoạt động truyền thông tại cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới. Ngoài ra, các địa phương cần mở rộng, nâng cấp hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội tại cộng đồng để hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, xâm hại… Còn theo ông Hoàng Văn Luận, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn), thành phố cần tăng chi cho các hoạt động chăm sóc, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, để các địa phương có thể thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội ở cơ sở…

Về phần mình, bà Bùi Thị Thủy, quản lý “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở tổ dân phố Thượng Cát 4, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) cho hay, sau 6 năm hoạt động, địa chỉ này đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho hàng chục nạn nhân, phối hợp với các lực lượng chức năng hòa giải thành công nhiều vụ việc. Cũng theo bà Bùi Thị Thủy, với mạng lưới gần 2.000 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” đã thành lập, Hà Nội không thiếu nơi tạm lánh an toàn cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mua bán. Điều các cơ quan chức năng cần quan tâm là trang bị thêm “phần lõi” cho các địa chỉ tin cậy, để khi đến đây, nạn nhân nhận được sự trợ giúp tốt nhất.

Ở khía cạnh quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, các ngành, địa phương đã và đang triển khai sâu rộng Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 4-4-2017 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Trong tương lai không xa, thành phố sẽ có mạng lưới trợ giúp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trước mắt, trong “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” năm 2019 (từ ngày 15-11 đến 15-12), các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm truyền đi thông điệp: Hãy chung tay hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Cùng với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, của cộng đồng, thiết nghĩ, mỗi người phụ nữ cũng cần biết cách bảo vệ con cái và chính mình, để góp phần xóa bỏ nạn bạo lực và xâm hại trẻ em.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/951799/phu-nu-tre-em-bi-bao-luc-xam-hai-nhan-rong-mo-hinh-tro-giup-tai-cong-dong