Phụ nữ Thanh Hóa phát huy vai trò, vị thế trong thời kỳ đổi mới

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định một trong 10 nhiệm vụ quan trọng của Đảng là thực hiện nam – nữ bình quyền và xác định cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh và các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm thêu xuất khẩu của phụ nữ xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy). Ảnh: Lê Hà

Đảng đã yêu cầu phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng: công hội, nông hội và thành lập tổ chức riêng. Ngày 20-10-1930, Hội phụ nữ phản đế Việt Nam chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, Đảng đã quyết định lấy ngày 20-10 hàng năm là Ngày kỷ niệm thành lập Hội LHPN Việt Nam và là ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam.

Trong suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thanh Hóa nói riêng với truyền thống yêu nước nồng nàn đã đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên nhiều thành tích vĩ đại, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã tặng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Lịch sử phong trào phụ nữ và tổ chức Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc và Hội LHPN Việt Nam. Ngay sau khi Đảng bộ Thanh Hóa được thành lập, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã có mặt dưới ngọn cờ tranh đấu của Đảng. Tháng 2-1935 tại làng Long Linh Ngoại, xã Thọ Trường (Thọ Xuân), Hội phụ nữ giải phóng Thanh Hóa ra đời. Qua từng thời kỳ, tổ chức hội phụ nữ có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với sách lược của Đảng. Tháng 7-1952, Đại hội Phụ nữ toàn tỉnh lần thứ nhất đã hợp nhất Đoàn Phụ nữ cứu quốc và Hội LHPN thành một tổ chức chính trị duy nhất của phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đó là Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, hội đã trải qua 17 kỳ đại hội. Suốt chặng đường lịch sử ấy, cùng với biết bao thăng trầm, biến động, dù tên gọi và hình thức hoạt động khác nhau, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa không ngừng phấn đấu, trưởng thành và ngày càng phát triển, tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống quê hương Thanh Hóa, quê hương Bà Triệu anh hùng, nêu cao tinh thần yêu nước, không ngừng học tập, lao động và công tác, phấn đấu kiên cường, đem tài năng, trí tuệ, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các tổ chức phụ nữ tỉnh Thanh đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, làm giao thông liên lạc, rải truyền đơn, tham gia đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ... Hàng vạn phụ nữ hăng hái tham gia dân quân, du kích, cứu thương, tải đạn, hưởng ứng các phong trào thi đua “Bình dân học vụ”, “Xây dựng đời sống mới”, “Ủng hộ tuần lễ vàng”, “Dân quân tiếp vận”, “Đón thương binh về làng”... Đặc biệt, trong các đợt dân công phục vụ chiến dịch, hàng nghìn phụ nữ Thanh Hóa đã trèo đèo, lội suối, xuyên rừng, ngày nghỉ, đêm đi gồng gánh vận chuyển lương thực, thực phẩm... Nhiều chị là tấm gương chiến đấu anh dũng ngoan cường, như: Trần Thị Nam, Nguyễn Thị Hồng, Hoàng Thị Minh Ba... đã góp phần làm rạng rỡ non sông Việt Nam, cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

10 năm cải tạo và xây dựng CNXH ở miền Bắc, Hội LHPN tỉnh đã phát động phụ nữ cả tỉnh hưởng ứng sôi nổi phong trào thi đua “Năm tốt”. Thông qua phong trào thi đua, phụ nữ Thanh Hóa từng bước trưởng thành, vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng lên. Toàn tỉnh có 5.000 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ 5 tốt”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Thanh Hóa đã góp một phần nhỏ bé cùng với cả dân tộc viết nên thiên anh hùng ca bất diệt trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước mà đỉnh cao là phong trào “Ba đảm đang”. Chị em đảm đang lao động sản xuất và công tác, đảm đang gia đình và nuôi dạy con, đảm đang phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu khi cần thiết. Ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào cũng có vai trò đóng góp xứng đáng của phụ nữ.

Thời kỳ đất nước thống nhất, kế thừa và phát huy phong trào “Ba đảm đang”, Hội LHPN tỉnh phát động phụ nữ cả tỉnh hưởng ứng thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” với nhiều phong trào: Thi đua sản xuất giỏi, chăn nuôi giỏi, bán thóc gửi tiền tiết kiệm “Vì sự nghiệp đất nước, vì quyền lợi phụ nữ”, mở lớp học “Làm mẹ”, “Ngày công vì bà mẹ trẻ thơ”... Thực tiễn các phong trào đã xuất hiện 135.000 phụ nữ “sản xuất giỏi”, 71.000 bà mẹ “Nuôi dạy con tốt”, 10 vạn phụ nữ đạt danh hiệu “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; toàn tỉnh có 245.824 chị đạt danh hiệu “Ba đảm đang”...

Trong công cuộc đổi mới đất nước, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, sự chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam, nhu cầu nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN tỉnh không ngừng phát triển về mọi mặt, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hài hòa giữa công tác vận động với chăm lo lợi ích thiết thân của phụ nữ. Hội đã phát động, hưởng ứng nhiều phong trào thi đua yêu nước mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái, tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ. Đặc biệt là thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được đông đảo phụ nữ trong tỉnh tham gia, có sức lan tỏa, trở thành phong trào hành động cách mạng rộng lớn của phụ nữ trong tỉnh.

Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động hội”, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, chú trọng xây dựng các mô hình tập hợp thu hút hội viên tham gia sinh hoạt hội. Sau 90 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hội LHPN Thanh Hóa đã có hệ thống tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở với hơn 565.000 hội viên tham gia sinh hoạt, có đội ngũ cán bộ phong trào cơ bản đã chuẩn hóa trình độ, 100% cán bộ phong trào cấp tỉnh có trình độ đại học và trên đại học, 62,5% cán bộ có trình độ cao cấp và cử nhân lý luận chính trị; 100% cán bộ phong trào cấp huyện có trình độ đại học, trên đại học; 100% cán bộ chủ chốt cơ sở có trình độ trung cấp chuyên môn và lý luận chính trị. Hiện nay tỉnh ta có 8 nữ phó giáo sư; 46 nữ tiến sĩ, 1.126 nữ thạc sĩ và hơn 45.000 chị có trình độ đại học và cao đẳng. Tỷ lệ nữ ĐBQH chiếm 28,75%; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp đều tăng; tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở 22,7%; cấp huyện 18,27%; cán bộ nữ giữ chức trưởng, phó phòng và tương đương cấp tỉnh 19,12%; tỷ lệ nữ được kết nạp Đảng tăng hàng năm và đến nay chiếm gần 30% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Hầu hết cán bộ nữ đều khẳng định được vị trí, năng lực của mình. Các chị đã có những đóng góp quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý, đồng thời là những cán bộ đại diện và chăm lo cho công tác vì sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Đánh giá cao những thành tích và những cống hiến to lớn của hội LHPN trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh. Nhiều năm liên tục được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc tiêu biểu dẫn đầu phong trào thi đua Cụm Bắc Trung bộ và cả nước; được tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Nhiều tập thể và cá nhân phụ nữ tiên tiến được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các loại; được Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh, các bộ, ban, ngành khen thưởng. 2 chị lãnh đạo Hội LHPN tỉnh vinh dự được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã quyết định trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” cho 3 đồng chí lãnh đạo của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND tỉnh và Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen cho 90 tập thể, cá nhân có hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em; 90 chị chi hội trưởng phụ nữ cơ sở xuất sắc tiêu biểu được biểu dương, tôn vinh, các chị là những hạt nhân ở cơ sở tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn cán bộ hội cơ sở trong tỉnh, có thành tích xuất sắc đóng góp cho phong trào phụ nữ và hoạt động của hội phụ nữ tỉnh nhà giai đoạn 2016–2021.

Năm 2021 là năm tiến hành đại hội phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XVII có vai trò quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2016- 2021, tạo điều kiện và tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026. Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, ra sức rèn luyện, học tập phấn đấu trở thành người phụ nữ Thanh Hóa “yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu”. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và 3 nhiệm vụ công tác trọng tâm của hội; trên cơ sở vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được đúc rút từ 90 năm xây dựng và phát triển, viết tiếp những trang sử mới trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; làm tốt nhiệm vụ đề xuất với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, góp phần nâng cao địa vị trong gia đình và xã hội; thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phấn đấu làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đoàn kết, tập hợp, vận động phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, xây dựng Thanh Hóa trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội cùng với sự phấn đấu vươn lên của cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc, nhất định mục tiêu “Bình đẳng - phát triển của phụ nữ” sẽ thực hiện tốt, hiệu quả, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chị em phụ nữ Thanh Hóa có tinh thần cần cù lao động rất tốt. Như thế là vừa làm lợi nhà, vừa làm ích nước, mong rằng nam giới hãy thi đua với phụ nữ”.

Ngô Thị Hồng Hảo

Ủy viên BCH Hội LHPN Việt Nam,

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/phu-nu-thanh-hoa-phat-huy-vai-tro-vi-the-trong-thoi-ky-doi-moi/125897.htm