Phụ nữ Nhật đòi quyền đeo kính đi làm

Cách gọi tên mới có hiệu lực từ năm tới

Trong nỗ lực mới nhất nhằm chống lại những quy định khắt khe đối với diện mạo của phụ nữ nơi công sở, nhiều chị em Nhật Bản đang đấu tranh trên mạng xã hội Twitter để đòi quyền đeo kính đi làm.

Số là trong một chương trình phát trên kênh truyền hình tư nhân Nippon TV hôm 6-11, các nhà tuyển dụng đã viện dẫn lý do vì sao chính sách cấm đeo kính đối với nhân viên nữ là cần thiết. Cụ thể, theo quản lý một số cửa hàng bán lẻ, việc đeo kính tạo ra “ấn tượng lạnh lùng”. Còn các nhà quản lý hàng không nói rằng đeo kính có thể cản trở khả năng quan sát, làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn. Phía các nhà hàng thì quả quyết rằng đeo kính không hài hòa với trang phục truyền thống (chẳng hạn như kimono) mà nhân viên nữ được yêu cầu phải mặc khi làm việc.

Phụ nữ xứ hoa anh đào phải tuân thủ nhiều quy định trang phục khi đi làm. Ảnh: Bloomberg

Ngay sau đó, hashtag cấm đeo kính trên Twitter đã truyền cảm hứng cho việc xuất hiện hàng ngàn dòng tweet từ những phụ nữ Nhật đang phải tuân thủ những điều mà họ coi là tiêu chuẩn sắc đẹp “lỗi thời và mang tính áp đặt”. “Nếu các quy định chỉ cấm đeo kính đối với phụ nữ thì đây là một sự phân biệt đối xử với nữ giới” –Kanae Doi, Giám đốc tại Nhật Bản của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, nói với hãng tin Reuters.

Thật ra, quy định cấm đeo kính không phải là chính sách trang phục đầu tiên gây phẫn nộ ở Nhật trong thời gian gần đây. Hồi tháng 6, hơn 21.000 phụ nữ đã cùng ký vào một bản kiến nghị trực tuyến để phản đối quy định buộc phụ nữ phải đi giày cao gót ở nơi làm việc, trong phong trào mang tên #KuToo.

Được biết, trong báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về cách biệt bình đẳng giới toàn cầu, Nhật Bản đứng thứ 110 trong số 149 nước được đánh giá, tuột lại xa phía sau so với nhiều nước phát triển khác.

Trong diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 11-11 thông báo các bộ ngành của nước này sẽ sử dụng cách gọi tên riêng của người Nhật theo thứ tự họ trước, tên sau trong các văn bản chính thức bằng chữ viết Latinh từ ngày 1-1-2020.

Bộ trên cho biết cách gọi tên riêng người Nhật theo thứ tự họ trước, tên sau sẽ được sử dụng thống nhất trong tất cả các văn bản chính thức của toàn bộ các cơ quan chính phủ, bao gồm bài viết trên trang web, phương tiện truyền thông chính thức, giấy tờ hành chính, văn bản báo cáo, kế hoạch, chiến lược, tài liệu viết bằng tiếng nước ngoài, chữ ký... Trước đây, cách gọi tên riêng người Nhật thường được truyền thông quốc tế sử dụng theo thứ tự tên trước, họ sau. Trong một số trường hợp để làm rõ họ và tên, phần “họ” sẽ được viết chữ in hoa. Ví dụ, tên riêng của Thủ tướng Shinzo Abe như cách gọi hiện nay sẽ được đổi thành Thủ tướng Abe Shinzo hoặc ABE Shinzo.

Tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó là ông Taro Kono đã kêu gọi truyền thông quốc tế sử dụng cách gọi mới với tên riêng người Nhật thay cho cách sử dụng hiện nay. Đến tháng 9, Bộ trưởng Giáo dục Masahiko Shibayama cho biết ông đã đề xuất phương án thay đổi này và nhận được sự tán thành từ các thành viên khác trong nội các. Bộ trưởng Shibayama nhấn mạnh đề xuất này dựa trên cơ sở “trong một thế giới toàn cầu hóa, việc nhận thức được sự đa dạng của ngôn ngữ mà con người sở hữu ngày càng trở nên quan trọng và tốt hơn hết là nên theo truyền thống của Nhật Bản khi viết tên tiếng Nhật trong bảng chữ cái Latinh”.

Theo Giáo sư Erikawa Haruo, Chủ tịch Hội Sử học giáo dục tiếng Anh, thứ tự cách gọi tên trước, họ sau hiện nay bắt nguồn từ chính sách học hỏi theo văn hóa phương Tây từ giữa thời kỳ Minh Trị và được phổ biến tới người dân qua việc học tiếng Anh.

NG. CÁT (Theo Reuters, Refinery29.com)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/phu-nu-nhat-doi-quyen-deo-kinh-di-lam-a115125.html