Phụ nữ LLVT Quân khu 7: Nhân rộng nhiều phong trào hiệu quả

Cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, những năm qua, Hội phụ nữ (HPN) LLVT Quân khu 7 đã phát động, nhân rộng nhiều phong trào, mô hình hiệu quả, xây dựng hội vững mạnh.

Điểm nổi bật là Ban Phụ nữ (Cục Chính trị Quân khu 7) tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội thực hiện tốt Phong trào thi đua “Ba nhất” (hoàn thành nhiệm vụ chính trị xuất sắc nhất; chấp hành kỷ luật nghiêm nhất; bảo đảm an toàn nhất). Thực hiện mô hình này, ban chấp hành các tổ chức hội đều có nghị quyết lãnh đạo chuyên đề đánh giá đúng mạnh, yếu trên các lĩnh vực đến từng tập thể, cá nhân. Các tập thể, cá nhân đều có bản tự đánh giá, đăng ký quyết tâm, xác định rõ chỉ tiêu, biện pháp. Định kỳ hằng tháng, các tổ chức hội đều tổ chức tự kiểm điểm, bình xét đánh giá kết quả thực hiện Phong trào “Ba nhất”, kịp thời biểu dương, phê bình. Trong đánh giá, các tổ chức hội tập trung làm rõ mạnh, yếu, nguyên nhân, biện pháp khắc phục hạn chế. Từ phong trào này, bám sát đặc điểm từng cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội cụ thể hóa thành nhiều phong trào, mô hình thiết thực, nhằm phát huy tốt phẩm chất, năng lực, vai trò phụ nữ…

 Thi trình diễn áo dài tại Hội thi “Duyên dáng áo dài” của Hội Phụ nữ Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THU HÒA.

Thi trình diễn áo dài tại Hội thi “Duyên dáng áo dài” của Hội Phụ nữ Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THU HÒA.

Ví như, ở các đơn vị chủ lực, cường độ huấn luyện, SSCĐ cao, chị em là nuôi quân tích cực thực hiện hiệu quả các phong trào, như: “Bếp nuôi quân giỏi”; “Tiếp sức mùa huấn luyện”… Điển hình như thực hiện Phong trào “Tiếp sức mùa huấn luyện”, các hội viên đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tạo kinh phí hoạt động. Những ngày nắng nóng, chị em tìm lá nhân trần, mua đỗ nấu chè, nước uống, làm nước mát mang ra thao trường phục vụ bộ đội. Việc làm này góp phần thiết thực động viên bộ đội thêm hăng say huấn luyện, qua đó cán bộ, hội viên cũng được trải nghiệm. Từ thực tiễn công tác, các tổ chức hội còn phối hợp với các ban, ngành địa phương, đơn vị kết nghĩa tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ trên thao trường, tặng quà cán bộ, chiến sĩ khó khăn, cán bộ, chiến sĩ trực cao điểm SSCĐ.

Tại các nhà trường, hội viên là giảng viên, giáo viên say mê các Phong trào “Mỗi cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, tự học, tự rèn”, “Giờ giảng hay, tiết học tốt”... Thực hiện phong trào, các nhà trường bảo đảm tốt cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu, ứng dụng khoa học. Các tổ chức hội tổ chức giao lưu, trao đổi, đồng thời phân công hội viên có kinh nghiệm kèm cặp hội viên mới. Hiện, các giảng viên, giáo viên đều có trình độ đại học trở lên, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, có nhiều sáng kiến.

Ở các bệnh viện, chị em là y sĩ, bác sĩ tích cực tham gia các Phong trào “Giỏi y lý, vững y thuật, sáng ngời y đức”, “4 không, 2 nhanh” (không thờ ơ, không từ chối, không nặng lời, không gây phiền hà cho người bệnh; và nhận bệnh nhân nhanh, cấp cứu nhanh). Tại các công ty, xí nghiệp, khách sạn, các tổ chức hội phát động và thực hiện hiệu quả các Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Làm việc hết việc, không làm hết giờ”… Thực hiện phong trào, các hội viên nêu cao tinh thần học tập nâng cao trình độ, kiến thức, làm chủ trang bị kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, an toàn lao động. Từ thực tiễn địa bàn, từ năm 2019, các tổ chức hội tích cực tham gia phong trào do hội phụ nữ địa phương phát động. Thực hiện Phong trào “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, năm 2019, các hội viên tiết kiệm ủng hộ gần 200 triệu đồng tham gia chương trình.

Tuy nhiên, trên thực tế, cũng còn có một số tổ chức hội phụ nữ do tác động của nhiều yếu tố nên hoạt động phong trào còn yếu, chưa thực sự hiệu quả, nhất là tại đơn vị nhỏ lẻ, phân tán, độc lập. Khắc phục vấn đề này, Ban Phụ nữ Cục Chính trị Quân khu 7 chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới giáo dục chính trị cho hội viên bằng nhiều hình thức phong phú, như: Tọa đàm, thi tìm hiểu, giao lưu, về nguồn... Định kỳ, các tổ chức hội tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị sinh hoạt chuyên đề, gặp mặt, đối thoại dân chủ đi sâu vào khắc phục khâu yếu, điểm yếu, vấn đề về chấp hành nền nếp, kỹ năng sống, sức khỏe, hạnh phúc gia đình, giải quyết các mối quan hệ trong đơn vị... Các tổ chức hội có kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, phân công cụ thể từng cán bộ. Đơn vị thường xuyên kiện toàn ban chấp hành, tổ chức tốt các lớp tập huấn, tạo điều kiện để hội hoạt động. Đặc biệt, Ban Phụ nữ Cục Chính trị Quân khu 7 quan tâm phát động phong trào giúp hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Chỉ trong năm 2019, các tổ chức hội dành gần 6 tỷ đồng chăm lo cho cán bộ, hội viên khó khăn, gia đình người có công trên địa bàn. Quân khu 7 cũng hỗ trợ 2 tỷ đồng cho hội viên vay vốn không tính lãi. Các tổ chức hội duy trì 200 tổ phụ nữ tiết kiệm với số vốn hơn 3 tỷ đồng, giúp hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ quân nhân hiếm muộn hơn 450 triệu đồng…

Tổng kết Phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2016-2019, các tổ chức hội có hơn 100 cán bộ, hội viên được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, hơn 3.000 cán bộ, hội viên được khen thưởng, 100% tổ chức hội cơ sở đạt vững mạnh.

PHẠM THỊ THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phu-nu-llvt-quan-khu-7-nhan-rong-nhieu-phong-trao-hieu-qua-611723