Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, tìm đối tác kinh doanh

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn, khả năng liên kết, hợp tác…

Ngày 19/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Công bố Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”.

 Hội thảo “Công bố Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”.

Hội thảo “Công bố Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp dân doanh của VCCI trên các tỉnh, thành phố từ năm 2011 tới nay, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng tăng theo thời gian. Cụ thể, năm 2011, khoảng 21% doanh nghiệp đang hoạt động là do phụ nữ làm chủ, đến năm 2018, tỷ lệ này khoảng 24%.

Còn theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9 vừa qua, cả nước có 258.689 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Phân theo lĩnh vực và ngành nghề, trong số các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, phân bố theo ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, số lượng doanh nghiệp tập trung cao nhất ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (75%), 12% trong lĩnh vực xây dựng, 7% trong lĩnh vực công nghiệp, 7% trong lĩnh vực nông nghiệp/lâm nghiệp/thủy sản…

Báo cáo cũng cho thấy, có tới 68,8% nữ chủ doanh nghiệp có trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, so với 71,9% ở nam. Điều này cho thấy, khoảng cách về giới trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể và phụ nữ có đầy đủ năng lực và trình độ để đảm trách các vị trí quản lý...

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ khi đối mặt với khó khăn, quan tâm hơn đến các chính sách cho người lao động, đóng góp cho xã hội do đặc thù giới tính của phụ nữ lãnh đạo. Mặc dù việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế đang được đẩy mạnh, nhưng các DNVVN do phụ nữ làm lãnh đạo còn gặp nhiều áp lực do phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Trong điều tra PCI, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là tìm kiếm khách hàng, tiếp đó là biến động thị trường và tìm kiếm nguồn vốn; khả năng liên kết, hợp tác của nữ giới trong khởi sự kinh doanh cũng thấp hơn so với nam giới….

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp là một trong các tiêu chí đánh giá thành tựu bình đẳng giới của một quốc gia. Hiện tại, Liên Hợp Quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó trao quyền năng và đảm bảo bình đẳng là mục tiêu quan trọng nhất. Nền kinh tế đất nước đang chuyển sang giai đoạn bao trùm hơn. Đây là cơ hội lớn cho phụ nữ.

“Phát huy vai trò của phụ nữ là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu và cũng là nội hàm mới của các chính sách kinh tế mới của các quốc gia. Nó bao hàm mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế xã hội và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu “Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020”, tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn.

Theo Báo cáo Khoảng cách Thế giới Toàn cầu 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 12/2017 Việt Nam đứng thứ 77 trong tổng số 149 quốc gia và vũng lãnh thổ được đánh giá, giảm 8 bậc so với năm 2017. Xét ở khía cạnh cơ hội và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, chỉ số về lãnh đạo phụ nữ đứng ở vị trí 94/149 với điểm số 0,374/1,0. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Đại diện VCCI cũng khẳng định, Việt Nam có những quy định tiến bộ về bình đẳng giới và Luật hỗ trợ DNNVV đã đặt ra nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, các quy định này còn chung chung, nên việc hưởng ưu đãi từ phía các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và việc cho hưởng ưu đãi từ phía các cơ quan Nhà nước chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhiều ý kiến kiến nghị, Chính phủ cần xem xét đưa vấn đề tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vào trong Nghị quyết mới của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phu-nu-lam-chu-doanh-nghiep-kho-tiep-can-von-tim-doi-tac-kinh-doanh-991746.vov