Phụ nữ là nguyên nhân chính dẫn đến việc ly hôn

'Khoảng 70% người đứng đơn là phụ nữ.. Các chị em đơn giản nghĩ rằng, cuộc đời ngắn ngủi, không phải cứ chịu đựng được mãi'. Đó là lời chia sẻ của chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người nói ly hôn đang “nhan nhản” khắp nơi. Từ góc độ của nhà tâm lý cũng như một người dân bình thường, chuyên gia có nhận thấy điều này?

Tôi thấy tình trạng ly hôn đúng là rất nhiều, số liệu thống kê cách đây mấy năm cho thấy, tỷ lệ ly hôn so với kết hôn 25%, có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì 1 đôi ra tòa. Trước đây, nhiều người vẫn quan niệm, ly hôn thường xảy ra ở các cặp vợ chồng trẻ nhưng cuộc sống xã hội ngày nay xuất hiện tình trạng “trẻ nết na, già hư hỏng”. Nhiều đôi vợ chồng già sống qua thời baocấp đùm bọc, hòa thuận nhưng đã lên ông lên bà, con cái khôn lớn trưởng thành thì khó hòa hợp vẫn dẫn đến ly hôn.

Ly hôn không còn chỉ có phổ biến trong teen mà người già cũng ra tòa vì không thể hòa hợp. Liệu tình trạng ly hôn như hiện nay có đáng lo ngại?

Cái gì cũng có hai mặt, ly hôn nhiều nhưng chưa chắc đã đáng sợ. Trước đây, nhiều người lớn tuổi vẫn nói, thời xưa ít ly hôn, gia đình êm ấm, bây giờ cuộc sống sung túc hơn, đám cưới rình rang, đi trăng mật… nhưng nhiều đôi vẫn ly hôn. Điều đó không có nghĩa là thời xưa các cặp vợ chồng đều sống hạnh phúc mà không ít người nghiến răng chịu đựng, chẳng ai nghĩ đến chuyện ly hôn vì sợ mang tiếng dị nghị bởi quan niệm về vấn đề này khá nặng nề. Hiện nay, nhiều người ý thức được quyền cá nhân, mỗi con người có một cuộc đời không phải sinh ra để chịu đựng quá mức. Khi mọi thứ đã vượt qua sức chịu đựng, không hàn gắn được thì sẵn sàng ly hôn để giải thoát.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo chuyên gia, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều mái ấm gia đình là do đâu?

Người ta vẫn đánh giá người phụ nữ dựa trên tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Còn hiện nay, các chị em đánh giá người đàn ông dựa trên “chung, nghệ, lịch, trách”. Không phải vô cớ người phụ nữ đặt yếu tố chung thủy lên hàng đầu. Với nhiều người, có thể chồng làm ăn có lúc thất bại nhưng không thể chấp nhận được sự lăng nhăng, bồ bịch… Nguyên nhân hàng đầu trong ly hôn, theo đánh giá và thông qua các cuộc điện thoại tư vấn thì cặp bồ, ngoại tình là nguyên nhân hàng đầu.

Nguyên nhân thứ hai là do bạo lực gia đình. Có những ông chồng thiếu trách nhiệm, đánh đập, rượu chè, bê tha, còn người phụ nữ giám sát chặt chẽ quá cũng làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.

Lẻ tẻ một số nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, mẹ chồng quá khắt khe trong khi người chồng không biết cách để làm vừa lòng hai bên. Trong xã hội hiện đại, sự chịu đựng của người phụ nữ cũng có giới hạn nhất định, chứ không như trước đây. Dễ yêu, dễ cưới nên dễ bỏ.

Cách đây vài chục năm, chuyện ly hôn là điều gì đó rất nặng nề trong suy nghĩ của nhiều người. Phải chăng sự chịu đựng kém đi khiến cho nhiều gia đình đổ vỡ, thưa chuyên gia?

Mọi người sống hối hả hơn, việc bắt buộc chịu đựng hay cam chịu là khó hơn. Thực tế cũng có những cặp vợ chồng chấp nhận xa cách để đi xuất khẩu lao động. Người vợ đi làm ăn xa, chồng ở nhà nhận được tiền vợ gửi về thì nảy sinh đánh bài bạc, rượu chè… Cũng có những người chồng đi làm ăn xa, trước khi đi cũng phải vay mượn, nhưng khi về vợ đã cưới người đàn ông khác.

Cuộc sống gia đình đôi khi không chỉ có sự vui vẻ mà còn cần sự nhẫn nhịn, chịu đựng. Hiện nay, nhiều bạn trẻ dễ yêu, dễ bỏ, còn trước đây để tán tỉnh được ai đó phải khá kỳ công. Cho nên, cái gì không vất vả để đạt được thì thường không được trân trọng. Việc yêu dễ nên dẫn đến có suy nghĩ không thích nữa thì bỏ hoặc đã cưới nhau mà không hợp thì ly hôn.

Vậy, theo chuyên gia, nam hay nữ thường là người đứng ra ly hôn khi cuộc sống không đúng như kỳ vọng?

Thông thường bạo lực, ngoại tình, thiếu trách nhiệm bắt nguồn do đàn ông. Tuy nhiên, tâm lý đàn ông là dù có bất hạnh thì cũng ngại thay đổi hay nói cách khác là rất ngại đứng đơn ra tòa để đòi ly hôn. Thậm chí, đàn ông có suy nghĩ, mình thiếu trách nhiệm hay rượu chè, bê tha rồi không lẽ lại bỏ luôn người bạn đời. Cũng có trường hợp, người vợ muốn nộp đơn ly hôn nhưng chồng lại níu kéo, cản trở để giữ hạnh phúc gia đình.

Cho nên, khoảng 70% người đứng đơn là phụ nữ. Khi người phụ nữ ý thức được quyền của mình, sẽ sẵn sàng đứng ra ly hôn nếu cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Các chị em đơn giản nghĩ rằng, cuộc đời ngắn ngủi, không phải cứ chịu đựng được mãi. Dù sự chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam là hơn hẳn so với nước ngoài nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó.

70% người đứng đơn là phụ nữ

Nhiều người khi ly hôn vẫn nói “ly hôn là sự giải thoát”. Theo chuyên gia, liệu ly hôn có phải là sự giải thoát thực sự?

Không có công thức chung về điều này, với người phụ nữ chung sống cùng người chồng bạo lực, sống trong sợ hãi đề phòng do sợ không biết chồng đánh đập lúc nào thì ly hôn là cuộc giải thoát. Trong cuộc sống, đôi khi có những mâu thuẫn là chuyện bình thường, nên phải học tập kỹ năng hóa giải mâu thuẫn, ứng xử mềm mại và khéo léo một chút. Nhiều người nghĩ rằng ly hôn thì sẽ cưới người khác nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy. Mỗi một lần yêu, lấy vợ lấy chồng để lại một vết xước dù có lên da non cũng khó trở lại như ban đầu. Thậm chí, sau ly hôn, nhiều người không đi bước nữa vì đã trải qua cú sốc về tinh thần.

Xin cám ơn ông!

Lê Văn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/phu-nu-la-nguyen-nhan-chinh-dan-den-viec-ly-hon-54953.htm