Phụ nữ là hạt nhân không thể thiếu của gia đình và xã hội

Càng ngày vai trò của phụ nữ càng được coi trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những đóng góp của phụ nữ không chỉ giúp giữ 'ngọn lửa ấm' cho mỗi gia đình, mà còn góp phần tạo dựng một xã hội tiến bộ, văn minh.

Vì lẽ đó, trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia, bình đẳng giới, trong đó có vấn đề của giới nữ được xem là ưu tiên đặc biệt nhằm bảo đảm sự thịnh vượng, ổn định bền vững.

Phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nếp sống văn hóa và các giá trị truyền thống.

Trong một báo cáo gần đây về vai trò của phụ nữ trong thời đại mới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khẳng định, phụ nữ có vai trò rất quan trọng. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Trách nhiệm chính của hầu hết các bà mẹ là nuôi dưỡng những đứa con khỏe mạnh và thiết lập cho con hành trang mang tính nền tảng để chuẩn bị vào đời như sự tự giác, khả năng thích nghi hay ý thức trách nhiệm... Do từ khi sinh ra đến khi học phổ thông, phần lớn thời gian trẻ sống trong môi trường gia đình nên mẹ được coi là người thầy đầu tiên. Vì vậy, chất lượng của những công dân tương lai phụ thuộc rất nhiều vào vai trò dìu dắt ban đầu của người mẹ.

Kết quả nghiên cứu của nhiều nhà giáo dục cho thấy, việc xây dựng nếp sống, lối sống văn minh phải được bắt đầu từ trong gia đình và từ khi đứa trẻ bắt đầu hình thành nhận thức. Trong khi đó, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với việc hình thành các giá trị đạo đức, nhân cách, lối sống của mỗi cá nhân; góp phần củng cố hệ giá trị đạo đức gia đình, cộng đồng...

Các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản mất 30 năm để định vị vững chắc nếp sống văn minh. Một đứa trẻ ở Nhật Bản không thấy thùng rác ở gần thì sẽ bỏ rác định vứt đi (hoặc đồ không dùng) vào túi áo, một thanh niên tại Singapore chỉ qua đường tại nơi có kẻ vạch ưu tiên dành cho người đi bộ. Các hành vi đó dường như đã ngấm sâu vào tiềm thức và là một phần kết quả của giáo dục gia đình, trong đó không thể không kể đến công lao của người mẹ.

Theo một báo cáo được đăng trên tạp chí Cultural Survival (Mỹ), phụ nữ ở bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào cũng giữ vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Trong quá trình lao động sản xuất, phụ nữ cũng là đồng tác giả của kho tàng văn hóa dân gian như: Dân ca, thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực truyền thống, tín ngưỡng, lễ hội... Sự khéo léo và tâm hồn nhạy cảm vốn dĩ của phụ nữ góp nên những sắc thái rất riêng trong việc sáng tạo giá trị văn hóa tích cực của mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Phụ nữ cũng đóng góp tích cực trong việc trao truyền, phổ biến giá trị văn hóa cho các thế hệ trong gia đình, dòng họ và quảng bá, phổ biến các giá trị văn hóa của cộng đồng ra thế giới.

Lấy câu chuyện về nghề mây tre đan tại nước Cộng hòa Mauritius, báo cáo đăng trên tạp chí Cultural Survival đã chứng minh những đóng góp đầy ý nghĩa của phụ nữ Hindu trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở quốc đảo nằm giữa Ấn Độ Dương này. Nghề đan giỏ xách có truyền thống rất lâu đời tại Mauritius, tuy nhiên, những người lao động trong lĩnh vực này không được xã hội coi trọng vì hầu hết họ là phụ nữ dù sản phẩm đan lát được sử dụng rất phổ biến trong hoạt động hằng ngày ở Mauritius, từ những chiếc làn để đựng đồ ăn mang ra đồng tới túi xách cho trẻ em đến trường. Nghệ nhân nổi tiếng nhất trong nghề này là bà Reotee Buleeram, sống tại làng Bon Accueil. Hơn 50 năm trước, sau khi kết hôn, bà đã được mẹ chồng dạy nghệ thuật đan lát truyền thống. Ngay lập tức bà cảm thấy say mê công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo này. Không ngừng học hỏi và sáng tạo, bà Reotee Buleeram đã biến những sản phẩm mà mình làm ra thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Và giờ đây, bà đã trở thành nữ nghệ nhân nổi tiếng nhất Mauritius. Để gìn giữ nghề thủ công truyền thống này, Reotee Buleeram không chỉ truyền lại bí quyết làm nghề cho con cháu trong nhà mà còn mở lớp học miễn phí để dạy cho bất kỳ ai muốn tham gia.

Còn với Ủy ban Quốc gia Na Uy, phụ nữ đã đảm nhận vai trò trung tâm trong sự phát triển nền văn hóa đặc trưng của đất nước, đặc biệt là việc gìn giữ kho tàng truyện dân gian theo phương pháp truyền miệng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, có thể vì sự gặp nhau thường xuyên hơn so với nam giới trong sinh hoạt hằng ngày, những người phụ nữ Na Uy trước đây mới có thể kể lại những câu chuyện mà họ biết cho người khác. Bằng cách này, những người phụ nữ đã truyền lại các truyền thuyết và huyền thoại từ đời này sang đời khác, làng này sang làng khác. Nhờ đó mà giờ đây, những câu chuyện này được lưu lại trong tập truyện dân gian Na Uy có tên gọi Asbjfornsen và Moe.

Phụ nữ là nhân tố tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội. Phụ nữ cũng là nguồn lực dồi dào và mạnh mẽ. Ở đâu vai trò người phụ nữ được coi trọng thì nơi đó đạt được nhiều thành tựu. Vì vậy, nhiều quốc gia và diễn đàn thế giới đã và đang triển khai những chương trình hành động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực với mục tiêu hướng tới một xã hội tiến bộ và văn minh hơn.

Phương Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/981209/phu-nu-la-hat-nhan-khong-the-thieu-cua-gia-dinh-va-xa-hoi