Phụ nữ Huyện Gia Lâm: Chung tay vì an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những tiêu chí quan trọng khi đánh giá địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Chính vì vậy, để hoàn thành mục tiêu về đích NTM trong năm 2018, cùng với tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, Gia Lâm luôn chú trọng những giải pháp nhằm bảo đảm ATTP trên địa bàn, trong đó, vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện là rất tích cực.

Khi nhận thức thay đổi
Ở thôn Phù Dực 2 (xã Phù Đổng), gia đình chị Nguyễn Thị Xuân là một trong những hộ chăn nuôi bò sữa lâu năm nhất. Chị cho biết: Trước năm 2018, chất thải vật nuôi thường được gia đình đổ bỏ ra kênh mương, cống rãnh, cánh đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, được sự hướng dẫn Chi hội phụ nữ thôn Phù Dực 2, chị đã bắt tay xây dựng hầm biogas. Một phần lượng phân bò được thu gom bán cho Hợp tác xã làm phân vi sinh. Không chỉ gia đình chị Xuân, hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn đều tuân thủ cách làm trên. Qua đó, giúp cải thiện đáng kể môi trường sống trong cộng đồng dân cư nơi đây.

Một cơ sở sản xuất, chế biến hành khô trên địa bàn huyện Gia Lâm

Những thay đổi nhận thức đó không phải ngẫu nhiên, điều này có được một phần là nhờ hoạt động tuyên truyền, vận động được triển khai rất tích cực của Chi hội Phụ nữ thôn Phù Dực 2. Nhận thức được tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ ở thôn Phù Dực 2 đã thay đổi hành vi trong chăn nuôi bò sữa theo hướng tích cực.
Thúc đẩy tiến trình về đích
Chi hội Phù Dực 2 chỉ là một trong tổng số 7 chi hội phụ nữ của huyện Gia Lâm được thành lập từ đầu năm 2018 với mục tiêu “Thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”. Ngoài Chi hội thôn Phù Dực 2 (xã Phù Đổng) liên quan tới chăn nuôi bò sữa, còn có 6 chi hội phụ nữ về ATTP thuộc các nhóm lĩnh vực khác, gồm: Sản xuất rau và cam canh ở thôn Cổ Giang (xã Lệ Chi); cam Văn Giang tại thôn Báo Đáp (xã Kiêu Kỵ); kinh doanh thực phẩm tại Tổ dân phố Cửu Việt (thị trấn Trâu Quỳ), Tổ dân phố Yên Bắc (xã Đình Xuyên) và Tổ dân phố Vân (thị trấn Yên Viên), và sản xuất rau an toàn tại thôn Giao Tất A (xã Kim Sơn).

Theo thống kê của UBND huyện Gia Lâm, đến nay, địa phương mới có 11/24 xã, thị trấn đạt tiêu chí về ATTP trong xây dựng nông thôn mới.

Cũng giống như Chi hội Phụ nữ xã Phù Đổng, các chi hội: Kiêu Kỵ, Lệ Chi, Đình Xuyên, Kim Sơn, Yên Viên và Trâu Quỳ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn… Đồng thời, ký cam kết đảm bảo ATTP và thực hiện “3 không”: Không sản xuất không an toàn; Không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn và Không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Hương Trà cho biết, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hội viên trong đảm bảo ATTP, Hội phụ nữ huyện và 7 chi hội còn tích cực phối hợp với các ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Kịp thời phát hiện, đề xuất với Ban chỉ đạo ATTP các xã (thị trấn) và huyện Gia Lâm thông báo cho các ngành chức năng về các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm kém chất lượng, vi phạm quy định Nhà nước về ATTP để có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời. Bà Trà kỳ vọng: Sự vào cuộc quyết liệt của tổ chức hội các cấp sẽ góp phần đưa địa phương hoàn thành tiêu chí ATTP, qua đó đẩy nhanh tiến trình về đích NTM của huyện Gia Lâm.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phu-nu-huyen-gia-lam-chung-tay-vi-an-toan-thuc-pham-317425.html