Phụ nữ Hàn Quốc ngày càng 'dám' ly hôn, đặc biệt sau lễ tết

Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc ly hôn, nhất là sau các dịp lễ. Họ độc lập về kinh tế, và việc này càng được chấp nhận hơn sau khi các ngôi sao như Song - Song 'đường ai nấy đi'.

Chỉ vài ngày sau ngày lễ Chuseok (tết Trung thu), một trong hai dịp lễ chính của Hàn Quốc, Kim Jin Ju quyết định ly hôn.

“Tôi đã chán phải làm cái bị cho chồng tôi xả mọi tức giận”, người mẹ hai con kể lại với South China Morning Post.

Cô nằm trong số ngày càng nhiều phụ nữ quyết định ly hôn ở xứ sở kim chi, nơi đang có tỷ lệ ly hôn cao nhất ở Đông Á và xếp thứ 14 trong khối các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong đó Trung Quốc xếp thứ 27 còn Nhật Bản xếp thứ 28). Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, số vụ ly hôn tăng 2,5% vào năm 2018 lên 108.700 vụ.

Ly hôn vẫn là việc không được tán thành trong một xã hội bảo thủ như Hàn Quốc. Nhưng thái độ về ly hôn đang dần thay đổi, sau khi ngày càng nhiều cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”, phụ nữ ngày càng có chỗ đứng trong xã hội, và do thông tin dày đặc về chuyện “đổ vỡ” của người nổi tiếng như cặp đôi Song Joong Ki và Song Hye Kyo, hai ngôi sao của bộ phim nổi tiếng Hậu duệ Mặt trời.

Cặp sao của phim Hậu duệ Mặt trời vừa ly hôn tháng 6, một cú sốc đối với người hâm mộ. Ảnh: AFP.

Cặp sao của phim Hậu duệ Mặt trời vừa ly hôn tháng 6, một cú sốc đối với người hâm mộ. Ảnh: AFP.

Tăng vọt “ly hôn sau Tết” suốt 5 năm nay

“(Việc ly hôn) đã thay đổi lớn khi ngày nay, phụ nữ đi làm và không còn bất lợi trong quá trình ly hôn”, Kim Se Ri (đã đổi tên), phụ trách một nhóm hỗ trợ các cha mẹ đơn thân, nói với South China Morning Post. “Tôi nghĩ trong xã hội trọng nam này, phụ nữ không còn chịu nhịn mãi sự ấm ức nữa”.

Theo số liệu từ Tòa án Tối cao, số đơn ly hôn tăng 30,8% vào tháng 3/2018, so với tháng trước đó, tức tháng có ngày Tết Nguyên đán.

Xu hướng “ly hôn sau Tết” này đã diễn ra mọi năm từ 2014 cho đến 2017 - cụ thể, số vụ ly hôn tăng lần lượt 14,7%, 39,5%, 28% và 13,9% vào tháng 3 của các năm đó.

Một thăm dò từ trang web việc làm Career rút ra ba nguyên nhân khiến các đôi vợ chồng “đường ai nấy đi” sau dịp lễ. Tỷ lệ lớn nhất (21,8%) là mâu thuẫn với ba mẹ chồng hoặc ba mẹ vợ, theo sau là cảm giác đối xử không công bằng với gia đình của nhau (16,9%). Việc phải sắp xếp các chuyến đi của gia đình hai bên cũng chiếm tới 15,8%.

“Cũng khó nói rằng mùa lễ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bỏ nhau”, Kim nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng lễ tết là dịp các đôi vợ chồng lại cảm nhận được những phong tục, tập quán cổ xưa của gia đình Hàn Quốc, trong đó mặc định rằng phụ nữ phải phục tùng đàn ông”.

Kim Jin Ju quyết định dứt áo ra đi sau 8 năm hôn nhân không phải vì việc phải ở chơi vài ngày với gia đình chồng. “Tôi thực sự thích gia đình anh ấy”, người phụ nữ 50 tuổi nói.

Nhưng Kim kể rằng chồng cô đã tức giận và quát lát vì cô chia sẻ các bức xúc trong nhà với gia đình chồng. “Anh ta khá tự cao vì là con trai trưởng trong nhà, điều được các gia đình Hàn Quốc tôn trọng. Nhưng đối với tôi, anh ta chỉ là chồng mình”.

Cuộc hôn nhân của họ xuống dốc sau một số biến cố về kinh tế. Họ cùng nhau kinh doanh mỹ phẩm, nhưng Kim nghỉ hai năm sau khi sinh đứa con thứ hai.

“Chồng tôi làm việc kinh doanh đi xuống, khiến chúng tôi lún sâu nợ nần, mà giấy tờ lại đứng tên tôi”, cô nói. “Ổn định về kinh tế là điều bắt buộc cho một mối quan hệ hạnh phúc thời nay”.

Một cô dâu đang ngáp trong một đám cưới tập thể ở Hàn Quốc. Ảnh: AP.

Ly hôn được tôn trọng hơn, nhưng thành kiến vẫn còn

Các số liệu cũng cho thấy Kim Jin Ju nói đúng. Khủng hoảng tiền tệ những năm 1990 khiến nhiều người Hàn Quốc mất việc làm, và vào năm 1997, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải cấp tiền cứu trợ nước này. Tỷ lệ ly hôn vài năm sau đó đã tăng kỷ lục.

Số liệu từ Tòa Tối cao cho thấy tỷ lệ ly hôn đạt kỷ lục 3,54 trên 1.000 người vào năm 2003, so với tỷ lệ 2/1.000 người của những năm 1980. Tỷ lệ đó năm 2018 là 2,1/1.000.

Thập niên 1970, 1980, nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn là ngoại tình, bạo hành và mâu thuẫn trong gia đình, nhưng gần đây, nguyên nhân chính là tài chính và khác biệt về tính cách.

“Chúng ta đang ở thời điểm mà cả hai bên đều độc lập trong tài chính và công việc, và mâu thuẫn về kinh tế dễ dàng xảy ra”, Kim Se Ri nói. Phụ nữ 40-44 tuổi có tỷ lệ ly hôn cao nhất - 8,8 trên 1.000 người, trong khi đàn ông 45-49 tuổi cũng ly hôn với tỷ lệ lên tới 8,6 trên 1.000.

“Tôi nghĩ ngày nay mọi người tôn trọng quyết định ly hôn của người khác”, Son Min Hee, nhân viên một trung tâm trông trẻ, nói với South China Morning Post.

Người mẹ đơn thân 35 tuổi đã ly hôn năm 2015 cho rằng quan niệm về ly hôn giờ đây đã trở nên công bằng hơn khi ngày càng nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau. 33,4% người Hàn Quốc ly hôn sau 20 năm kết hôn, trong khi 21,4% ly hôn sau dưới bốn năm.

Phụ nữ Hàn Quốc ngày càng có chỗ đứng trong xã hội và độc lập về kinh tế. Ảnh: AFP.

Cô nói những người nổi tiếng bàn về chủ đề này một cách công khai và nhẹ nhàng đã khiến quan niệm thay đổi. Cô cũng nhắc đến cặp đôi Song - Song, và cặp đôi ngôi sao bóng rổ Seo Jang Hun và người dẫn chương trình Kim Gu Ra - hai người đã bàn về cuộc ly hôn của mình một cách cởi mở trên sóng truyền hình.

“Nhưng vẫn có thành kiến với phụ nữ ly hôn, như đánh giá họ ‘lẳng lơ’”, Son nói thêm.

Kim Se Ri cũng đồng tình rằng dù chủ đề này đã được thừa nhận rộng rãi hơn, các quan niệm truyền thống vẫn còn đó.

“Hầu hết không công khai nói về việc ly hôn của mình. Làm theo kỳ vọng của xã hội vẫn là một phần quan trọng trong ý thức của người Hàn Quốc”, bà nói. “Mọi người vẫn sợ bị xã hội đàm tiếu”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phu-nu-han-quoc-ngay-cang-dam-ly-hon-dac-biet-sau-le-tet-post985353.html