Phụ nữ giữ lửa yêu thương

Từ xưa đến nay, giữ cho 'trong ấm ngoài êm' luôn ghi dấu vai trò của người phụ nữ. Trong thời hiện đại, vai trò đó còn đòi hỏi khả năng bắt nhịp, 'cập nhật' kiến thức, kỹ năng của người phụ nữ…

Diễn giả Bùi Thiên Nga (người bên phải) trong một buổi trao đổi với phụ nữ xã Thạch Lưu (Thạch Hà) về bí quyết nuôi dạy con cháu trong thời đại mới.

Diễn giả Bùi Thiên Nga (người bên phải) trong một buổi trao đổi với phụ nữ xã Thạch Lưu (Thạch Hà) về bí quyết nuôi dạy con cháu trong thời đại mới.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, câu nói của người xưa vẫn luôn luôn đúng với các gia đình Việt. Phụ nữ, dù ở tầng lớp nào thì vẫn luôn đóng vai trò chính trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, trong thời đại mới, người phụ nữ cần phải học hỏi thêm rất nhiều kỹ năng mềm để “xây tổ ấm”. Để giữ cho gia đình luôn êm ấm, người phụ nữ phải luôn biết duy trì và khuyến khích các hành động, cử chỉ yêu thương dành cho nhau giữa các thành viên, coi đó chính là nhân tố không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày.

Thạc sỹ Bùi Thiên Nga - Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và Phát triển nhân lực, nhân tài Việt Nam cho biết: “Trong gia đình Việt, người mẹ vẫn luôn đóng vai trò chính, trực tiếp trong việc nuôi dạy con cái. Xã hội phát triển đòi hỏi người phụ nữ phải tự trang bị cho mình rất nhiều công cụ để giáo dục con. Trong đó, công cụ hàng đầu chính là khả năng thấu hiểu. Ngoài việc thấu hiểu bằng tình cảm, tâm lý, tình yêu thương thì phụ nữ cũng cần tiếp cận cách thấu hiểu con cái bằng khoa học như thông qua sinh trắc học vân tay, các bài test về khả năng của con… Từ đó tôn trọng, đón nhận và khích lệ điểm mạnh giúp con vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm... là cách mà Hội LHPN các địa phương đã và đang triển khai nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho hội viên.

Nắm bắt được những đòi hỏi mới đó, thời gian gần đây, Hội LHPN tỉnh cũng như Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố đều chú trọng các hoạt động nâng cao kiến thức cho hội viên của mình. Rất nhiều hoạt động tập huấn kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, diễn giả… về các vấn đề liên quan đến hạnh phúc gia đình đã được triển khai. Bên cạnh đó, tại các địa phương cũng có rất nhiều mô hình CLB để chị em sinh hoạt, chia sẻ với nhau nhiều kiến thức, kinh nghiệm về gìn giữ ngọn lửa yêu thương trong gia đình cũng như chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Chị Lê Nhung Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Khê cho biết: “Để giúp chị em hội viên nâng cao kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động thành lập 22 CLB gia đình hạnh phúc với 1.149 thành viên. Thông qua sinh hoạt của các CLB này, hội đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền liên quan đến xây dựng gia đình hạnh phúc, hỗ trợ các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình…”.

Những buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng giải quyết được những mâu thuẫn trong cuộc sống. (Ảnh Đình Nhất)

Thông qua việc học tập, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, nhiều phụ nữ đã thu nhận được rất nhiều công cụ để gìn giữ tình yêu thương và sự phát triển trong gia đình. Không chỉ được nuôi dạy tốt, con cái còn được định hướng nghề nghiệp rất đúng đắn, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc, tránh được những ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần không đáng có.

Chị Phạm Thị Thúy ở thôn Lộc Ân (xã Thạch Lưu, Thạch Hà) cho biết: “Ngày nay, có rất nhiều gia đình, do cha mẹ thiếu đi sự ân cần, chăm sóc khiến nhiều đứa trẻ mắc các chứng bệnh xã hội như tự kỷ, tăng động… đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Xã hội phát triển đòi hỏi việc nuôi dạy con cái cao hơn, chính vì thế, tôi luôn chủ động cập nhật các kiến thức mới qua nhiều kênh. Theo tôi, cha mẹ phải có kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu, bao dung, trân trọng và đồng hành cùng sự phát triển của con thì mới mong có kết quả tốt đẹp. Gần đây, tôi được biết đến một số công cụ thấu hiểu con cái bằng phương pháp khoa học như sinh trắc học vân tay, các bài test với các chuyên gia… Tôi cũng mong muốn sớm được tiếp cận để có thể hiểu con thấu đáo hơn”.

Chị Phạm Thị Thúy (thôn Lộc Ân - Thạch Lưu) trong một buổi sinh hoạt của Hội LHPN xã về nâng cao kiến thức chăm sóc con cái.

Việc cập nhật những kỹ năng mềm trong xây tổ ấm không chỉ cần thiết với phụ nữ nông thôn mà cũng rất cần thiết với phụ nữ thành thị và phụ nữ thành đạt. Một thực tế cho thấy, phụ nữ càng thành đạt thì càng ít có thời gian dành cho gia đình. Làm thế nào để cân bằng giữa công việc với gia đình đòi hỏi kỹ năng sắp xếp công việc và những nguyên tắc sống của mỗi người.

Để đảm đương được vai trò trong gia đình, đồng thời, phát huy được hết khả năng bản thân để phát triển trong công việc xã hội, yếu tố tự thân của mỗi phụ nữ là rất quan trọng. Chỉ khi nào tính tích cực, chủ động của người phụ nữ được khơi dậy, họ mới vừa có thể đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, vừa duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, một tổ ấm hạnh phúc

Chị Lê Thị Bích - Phó Giám đốc Công ty Hatico Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài công việc ở Hatico, tôi còn là Giám đốc Công ty Du lịch Ohana Chi nhánh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hà Tĩnh nên thời gian đối với tôi rất eo hẹp. Ngoài việc tự trang bị kiến thức, kỹ năng để giải quyết tốt công việc, tôi cũng luôn tranh thủ học hỏi kiến thức nuôi dạy con cái. Xã hội ngày càng phức tạp, nếu mình không gần gũi để hiểu con thì rất dễ đẩy con lệch hướng. Nguyên tắc của tôi là không đưa công việc của công ty về nhà. Và luôn duy trì những cử chỉ yêu thương với các thành viên trong gia đình”.

Phụ nữ, dù ở nông thôn hay thành thị, dù làm bất kỳ công việc gì cũng đều có vai trò quan trọng trong xây dựng và gìn giữ tổ ấm. Cao hơn việc duy trì tình yêu thương, họ còn là người kiến tạo nên văn hóa gia đình. Vì vậy, phụ nữ phải luôn chủ động trong việc tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình để bắt nhịp với biến đổi của đời sống xã hội. Từ đó có những cách thức, những ứng xử phù hợp với các tình huống của cuộc sống, nhằm tạo nên những nét đẹp trong văn hóa của gia đình mình, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa xã hội.

hoài anh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/gioi-tinh/phu-nu-giu-lua-yeu-thuong/180886.htm