Phụ nữ di cư hồi hương đối mặt với nhiều rủi ro và tổn thương

Theo các chuyên gia, phụ nữ di cư phải chịu phân biệt gấp 2 lần và là đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Họ đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý, trong đó có tới 44% đã ly hôn nhưng không mang theo giấy tờ xác nhận tình trạng ly hôn về nước.

Chiều ngày 26/4, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức hội thảo "Vận động chính sách và chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ di cư hồi hương". Hoạt động này nằm trong Dự án "Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu về những trải nghiệm, khó khăn và nhu cầu của phụ nữ di cư hồi hương; thảo luận giữa các bên liên quan giải pháp nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương có hiệu quả, qua đó kiến nghị hoàn thiện luật pháp, chính sách trong lĩnh vực này.

Hội thảo "Vận động chính sách và chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ di cư hồi hương" đã đưa ra nhiều vấn đề bất cập của phụ nữ di cư. Ảnh PT

Hội thảo "Vận động chính sách và chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ di cư hồi hương" đã đưa ra nhiều vấn đề bất cập của phụ nữ di cư. Ảnh PT

Trong buổi hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra những bất cập đối với phụ nữ di cư hồi hương. Dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ" được triển khai từ tháng 3/2020 nhằm hỗ trợ tái hòa nhập kinh tế - xã hội bền vững và giải quyết những khó khăn mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Văn phòng Âu Sâu (OSSO) tại 5 tỉnh thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng, Hải Dương.

Bà Bùi Thị Hòa – Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu phân tích tình hình về phụ nữ di cư kết hôn hồi hương được dự án thực hiện cho thấy, nhiều khó khăn của phụ nữ di cư hồi hương liên quan đến pháp lý – thiếu giấy tờ pháp lý xác định tình trạng hôn nhân: 30% chưa ly hôn; 44% đã li hôn nhưng không mang theo giấy tờ xác nhận tình trạng li hôn về nước; 23,5% đã li hôn nhưng vẫn tiếp tục phải xử lý các thủ tục liên quan đến li hôn; 18% trẻ em từ các cuộc hôn nhân quốc tế chưa có giấy khai sinh. Phụ nữ di cư hồi hương cũng rất khó khăn về việc tìm kiếm việc làm, hòa nhập và hơn 70% có nhu cầu được hỗ trợ về tâm lý.

Bà Mi Hying Park, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam cũng cho biết, phụ nữ di cư bị phân biệt chủng tộc gấp 2 lần và là đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Họ bị đối xử bất bình đẳng không chỉ ở đất nước họ đến mà khi trở về, phụ nữ di cư phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để tái hòa nhập cộng đồng như khó tiếp cận vấn đề pháp lý, việc làm… Để hỗ trợ phụ nữ di cư cần phối kết hợp các ban ngành, cần giải quyết vấn đề bất bình đẳng, nâng cao các dịch vụ…

Một vấn đề nổi cộm hiện nay được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo là việc kết hôn vì mục đích kinh tế làm tăng sự thao túng của môi giới hôn nhân phi pháp và tình trạng phụ nữ di cư hồi hương trong tình trạng "4 không". Đó là không biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật của nước đến; không biết nhân thân người dự định kết hôn; Không biết hoàn cảnh gia đình người dự định kết hôn; Không tình yêu. Chính vì điều này dẫn tới tình trạng ly hôn cao.

Trên cơ sở kết quả của các nghiên cứu, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về cách thức phối hợp và vai trò, sự tham gia của các cơ quan, bộ, sở, ngành liên quan trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương. Cụ thể, đề xuất giải quyết những vấn đề đặt ra hiện nay đối với phụ nữ di cư hồi hương; hỗ trợ tái hòa nhập bền vững; giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan tới tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về hôn nhân, các vấn đề liên quan tới trẻ em, tư vấn tâm lý…

Ngoài ra, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, trong đó, có hoạt động của Văn phòng Dịch vụ một điểm đến (OSSO). Trên cơ sở đó đưa ra các chính sách mang tính dài hơi nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/phu-nu-di-cu-hoi-huong-doi-mat-voi-nhieu-rui-ro-va-ton-thuong-20210426203201365.htm