Phụ nữ có quyền ăn mặc mát mẻ nhưng không ai có quyền chạm vào người họ

Những gì còn lại sau những câu chuyện bị tấn công tình dục có lẽ là nỗi đau của nạn nhân. Khi truyền thông và dư luận dần quên đi, chỉ có người trong cuộc là vẫn mãi ám ảnh vì những gì đã qua.

"Nói thế nào về chuyện bị cưỡng bức?"

Julia Rayberg tỉnh lại bên trong một cái lán cạnh con sông, chỗ này gần với thị trấn mà cô ở. Xung quanh cô nồng nặc mùi nước tiểu, ở cạnh là một gã đàn ông vạm vỡ, còn cô thì trần truồng, cơ thể đầy vết bầm tím.

Đó là tất cả những gì Julia Rayberg có thể nhớ được sau khi bị hãm hiếp tập thể bởi nhóm bác sĩ và huấn luyện viên thể hình của mình ở thành phố Solola hồi tháng 9/2018. Đám đàn ông này đánh thuốc mê và thực hiện hành vi đồi bại với cô một cách dã man. Julia Rayberg chính là người sáng lập và CEO của tổ chức phi lợi nhuận Worthy Village ở Guatemala ( Mexico ). Cô không thể ngờ mình lại là nạn nhân của chuyện đáng sợ như vậy.

10 ngày sau khi sự việc xảy ra, Julia Rayberg đã viết về vụ hiếp dâm và chia sẻ trên blog của mình với tiêu đề: "How do you put rape into words" (Nói thế nào về chuyện bị cưỡng bức?). Những dòng tâm sự của cô nhanh chóng thu hút hơn 100.000 lượt xem và được chia sẻ rộng rãi.

Julia Rayberg là một nhà hoạt động nhân đạo với các dự án thiện nguyện của mình trên nhiều quốc gia. Ảnh: FBNV

Julia Rayberg là một nhà hoạt động nhân đạo với các dự án thiện nguyện của mình trên nhiều quốc gia. Ảnh: FBNV

Quãng thời gian sau khi bị cưỡng hiếp mới thực sự là địa ngục với Rayberg. Cô phải chuyển nhà đến một nơi cách xa hàng ngàn cây số vì sợ hãi. Cô sợ mình có thai, sợ bị lây bệnh truyền nhiễm và sợ những chấn thương sau cuộc hãm hiếp đó.Rayberg bị thẩm vấn bởi các luật sư bào chữa và được khám bởi một bác sĩ nam trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Rất nhiều thủ tục rắc rối để cô gái này đòi lại công bằng cho mình. Bên cạnh đó, dù là người bị hại nhưng Rayberg phải chi trả các khoản vô cùng đắt đỏ khi đi tìm công lý.

Mặc dù sống trong sợ hãi, tinh thần bị đày đọa kinh khủng nhưng Rayberg vẫn không bỏ cuộc. Cùng với đó, cô được hàng ngàn người ủng hộ, khích lệ. Những tưởng tất cả sẽ khiến kẻ hiếp dâm phải trả giá thì...

"Sau khi chiến đấu hết mình cho lệnh bắt giữ đối với kẻ hiếp dâm, bằng cách nào đó, anh ta đã được tại ngoại và bây giờ anh ta cũng bước đi trên phố, giống như tôi, hoàn toàn tự do", Rayberg thất vọng kể lại.

Rayberg cho rằng, sự im lặng của nạn nhân chính là tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ hiếp dâm. Vốn dĩ nạn nhân của quấy rối hay tấn công tình dục vô tội. Không bao giờ đó là lỗi của họ. Những người phụ nữ có quyền đi lại tự do, mặc trang phục mát mẻ. Dù vậy đi nữa thì cũng không ai có quyền chạm vào người họ nếu không có sự cho phép.

Thật khó để lại sống bình thường sau những gì đã qua

Lại một trường hợp bị quấy rối tình dục khác. Amal (tên nạn nhân đã được thay đổi) ở Dubai. Cô bị quấy rối từ năm 24 tuổi, khi còn là sinh viên, bởi những người đàn ông trong trường, ở trung tâm thương mại, các nhà hàng và nơi công cộng khác.

Đau đớn hơn, Amal nói: "Khi tôi kể với những anh em trai của mình rằng tôi bị đàn ông nhìn chằm chằm, họ đã cười và nói rằng đó là điều bình thường...". Nhiều lúc cô gái này cảm thấy tất cả mọi người chỉ muốn làm tổn thương mình. Sau những gì đã xảy ra, cô thấy mình trở nên yếu đuối hơn. Có lẽ, việc phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới chính là nguyên nhân cho việc đáng buồn đó.

Khi chính gia đình cũng nghĩ như vậy, các cô gái cũng chẳng còn niềm tin vào ai được nữa. Đến bây giờ, Amal vẫn bị ám ảnh vì quá khứ và thấy hối hận khi mình không tìm sự giúp đỡ sớm hơn: "Tôi quở trách bản thân mình, tôi đổ lỗi cho vẻ ngoài của mình, đổ lỗi cho những lời tôi đã nói, tôi căm ghét bản thân mình và đau khổ trong im lặng".

Phụ nữ Ả Rập tin rằng một trong những lý do khiến họ bị tấn công tình dục là bởi sự phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới. Ảnh: Getty

Hầu hết các nạn nhân sau khi chịu đựng chuyện đó đều nghĩ đến việc tự tử đầu tiên. Một người đàn ông bị tấn công tình dục từ khi còn nhỏ bởi người linh mục ở địa phương đã viết một bức thư gửi cho luật sư.

Trong đó ông viết: "Ngay sau khi bị tấn công tình dục lẫn thể xác, tôi bắt đầu có ý nghĩ tự tử. Đó là suy nghĩ rất phổ biến của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Tôi từng nghĩ nó thật kỳ lạ vì tôi đã có mọi thứ tôi muốn, tôi được cha mẹ trao cho một tuổi thơ hạnh phúc, vậy mà vẫn muốn tự vẫn. Đó là điều phi lý mà tôi không tài nào hiểu nổi.

Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu lạm dụng rượu. Việc lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích là điều thường xảy ra với các nạn nhân của lạm dụng trẻ em. Nhiều khi tôi không thể ngừng uống cho đến khi mình bất tỉnh. Tôi cũng đã tự uống thuốc để xua đi nỗi đau rằng tôi không bị lạm dụng. Tôi uống rượu và lái xe, đó là một hành động đầy nguy hiểm và rủi ro. Tôi luôn lái xe rất nhanh và sống trên bờ vực. Bạn bè của tôi nói rằng tôi đã thực sự muốn chết.

Tôi cũng trở nên rất nóng nảy với những người bước vào không gian riêng của mình. Đã có rất nhiều lần tôi động tay động chân và bạn bè dần rời xa tôi. Tôi đã mất nhiều mối quan hệ vì sự lạm dụng rượu bia và tính hung hăng của mình. Tôi nhận ra mình chỉ uống rượu một mình. Đó chính là tôi, nhưng tôi không biết tại sao mình lại trở thành như vậy. Nhiều thập kỷ sau đó, vào một ngày anh trai hỏi tôi rằng "Em cứ giận dữ điều gì thế?" Tôi không có câu trả lời. Tôi thật sự không biết".

Nhiều nam giới cũng cho biết mình là nạn nhân của quấy rối và tấn công tình dục. Ảnh: Hunkmag

Thời gian qua, một số phong trào nổi lên để khích lệ các nạn nhân của tấn công và quấy rối tình dục. Trong đó có thể kể đến như #Metoo. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi. Bởi khi truyền thông không còn chú ý nữa, vẫn chỉ còn lại các nạn nhân phải tự đối mặt, cố vượt qua những nỗi ám ảnh tâm lý.

MP

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/phu-nu-co-quyen-an-mac-mat-me-nhung-khong-ai-co-quyen-cham-vao-nguoi-ho-68118.html