Phụ nữ cần 'ly dị' giày cao gót khi lái ô tô

Theo các chuyên gia lái xe an toàn, việc đi giày cao gót khi lái ô tô tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và người lái rất khó xử lý cũng như dễ bị nhầm chân ga, chân phanh khi gặp tình huống khẩn cấp.

Nếu đi giày cao gót thì có thể chuẩn bị trong xe một đôi giầy phù hợp, có thể thấp và rộng để điều khiển xe dễ dàng hơn

“Tử thần cao gót”

Cách đây không lâu tại TP. Hồ Chí Minh, một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra khi người phụ nữ lái chiếc xe BMW tông vào nhiều xe máy dừng đèn đỏ khiến 01 người tử vong và 5 người khác bị thương. Theo lời khai ban đầu của nữ tài xế này thì việc đã sử dụng rượu bia và đi giày cao gót là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra liên quan đến giày cao gót. Trước đó, tại Hà Nội vào lúc 17h30 ngày 21/8/2018, gần nút giao Nguyễn Trãi - Láng, chiếc xe BMW đang lưu thông trên đường bất ngờ tông vào nhiều phương tiện phía trước.

Tại cơ quan điều tra, nữ tài xế này cho biết quai giày cao gót bất ngờ vướng vào chân ga, khiến chiếc xe lao về phía trước đâm liên hoàn vào xe máy, xe đạp điện đang lưu thông ở phía trước. Hậu quả là một nạn nhân bị thương nặng nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài hai vụ việc trên, đã có hàng loạt vụ tai nạn khác mà nguyên nhân được xác định là do giày cao gót.

Trên cơ sở khoa học, một nghiên cứu tại nước Anh với 2.000 phụ nữ lái xe cho thấy rằng, có đến 40% phụ nữ đi giày cao gót, 24% đi chân trần khi lái xe. Cũng theo đó, việc đi giày cao gót làm giảm 0,13 giây phản xạ chân phanh và chân ga so với bình thường.Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên có khuyến cáo, thậm chí là quy định cấm mang giày cao gót khi lái xe để tránh xảy ra các vụ va chạm do giày cao gót gây ra.

Hiện nay, nhiều người lái ô tô là phụ nữ ở Việt Nam có quan điểm khác nhau về sử dụng giày cao gót khi lái xe ô tô. Một số vẫn sử dụng giày cao gót lái xe hàng ngày trong khi một số cũng đã có những nhận thức về sự an toàn.

Chị L.M.H ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Đi giày cao gót khi lái xe khó xử lý tình huống hơn giày bệt, giày thể thao. Trong quá trình lái xe đã có lần tôi vướng gót giày vào vị trí chân ga, chân phanh. Đặc thù của giày cao gót là đế nhọn, thường cắm lõm xuống sàn xe và chỉ di chuyển được mũi chân nên rất khó xử lý. Nhưng vì phụ nữ thích đẹp nên nhiều khi quên mất sự an toàn khi cầm lái”.

Chị Đ.N.L. (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, phụ nữ không nên đi giày cao gót khi lái xe. Giày cao gót quá sẽ không cân bằng đối với điểm tiếp xúc của mũi chân và gót chân, khiến đầu gối sẽ bị chạm vào vô lăng.

Khuyến cáo khi sử dụng giày cao gót lái xe ô tô

Việc đi giày cao gót làm giảm 0.13 giây phản xạ chân phanh và chân ga so với bình thường

Chia sẻ về việc phụ nữ đi giày cao gót khi lái xe ô tô, lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện và Người lái (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe, các thầy dạy lái thường phổ biến học viên nữ tuyệt đối không mang giày cao gót bởi khi đi giày cao gót rất khó xử lý tình huống, sẽ không thật chân và chân nhanh bị mỏi, dẫn đến tình trạng vướng, dễ nhầm chân ga và chân phanh”.

“Trong trường hợp phải phanh khẩn cấp, việc sử dụng giày cao gót sẽ khiến người lái phanh không đủ nhanh và mạnh kịp thời. Chân có thể trượt ra khỏi bàn đạp phanh, không thể phanh xe tiếp, thậm chí có thể gãy cả ngón chân khi tuột bàn chân do các ngón chân không được bảo vệ”, vị này nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Tạch - kỹ sư ô tô nêu quan điểm: “Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy giày cao gót trực tiếp gây nguy hiểm khi lái xe nhưng ô tô thường di chuyển với tốc độ nhanh, cần thao tác chính xác và dứt khoát, nếu đi giày dép không vừa kích cỡ chân có thể khó khăn trong việc xử lý các tình huống nguy cấp”.

Đối với việc cấm đi giày cao gót, ông Tạch cho rằng không nên đặt ra vấn đề này, bởi đây là vật dụng bình thường của con người. Với những người lái xe thuần thục, họ có thể thao tác điều khiển ô tô dễ dàng, ngược lại với những người không quen có thể sẽ vụng về.“Tuy vậy, phụ nữ khi lái xe nên đi đôi giày quen thuộc, dễ thao tác. Nếu đi giày cao gót thì có thể chuẩn bị trong xe một đôi giày phù hợp, có đế thấp và rộng để điều khiển xe dễ dàng hơn”, ông Tạch khuyến cáo.

Ở một góc nhìn khác, Trung tá Phạm Văn Tuyến - nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, chiểu theo quy định về ATGT thì hiện không có điều luật nào bắt buộc người lái xe phải mang giày dép, quần áo ra sao. Thế nhưng các cơ quan vẫn luôn khuyến cáo (không chỉ riêng ô tô mà với cả xe đạp, xe máy...), khi đã điều khiển xe thì trang phục của tài xế luôn phải gọn gàng.

Về ý kiến nên cấm mang giày cao gót khi lái xe, theo Trung tá Tuyến chỉ nên dừng ở mức khuyến cáo chứ không nên cấm. Người lái xe nói chung và phụ nữ nói riêng không nên đi giày cao gót khi điều khiển xe.

“Để lái xe an toàn, các tài xế nữ nên chuẩn bị sẵn một đôi giày đế bằng vừa với chân, có cảm giác thật khi đạp chân phanh hoặc chân ga. Khi muốn đẹp thì có thể dừng xe vào vị trí an toàn rồi thay giày cao gót. Tôi nghĩ rằng việc này không hề có gì là bất tiện, bởi thao tác thay đôi giày chỉ mất 01 - 02 phút nhưng đảm bảo an toàn. Hơn nữa, nếu là xe của mình thì việc để một đôi giày trên xe cũng không có gì khó khăn. Hãy lựa chọn an toàn thay vì thời trang” - Trung tá Tuyến nhận định

Nhị Hà

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/phu-nu-can-ly-di-giay-cao-got-khi-lai-o-to-d68503.html