Phủ Lý (Hà Nam): Xác định nguồn gốc đất chưa rõ ràng đã đưa ra mức giá đền bù, cưỡng chế?

Việc UBND TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) ký vào các văn bản và đưa ra giá bồi thường bằng với giá đất nông nghiệp đang khiến không ít người dân ở phường Lê Hồng Phong bức xúc.

Thẩm định nguồn gốc đất “qua loa”?

Như báo Gia Đình Việt Nam đã có bài phản ánh về việc đền bù đất riêng lẻ (đất cha ông để lại) của gia đình chính sách và một số hộ dân khác với giá rẻ mạt.

Trao đổi với phóng viên, ông Lại Văn Thuật - Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong cho biết: “Phần diện tích đất của ông Nhãn và một số hộ dân khác chưa nhận đền bù đều là đất ruộng cá thể riêng lẻ”. Khi PV hỏi về việc diện tích số đất của gia đình ông Nhãn có từ bao giờ thì ông Thuật thừa nhận: “Cái này tôi cũng không nắm rõ được đâu, hình như là có từ năm 1993”.

Trước câu trả lời “lấp lửng” không nắm rõ về nguồn gốc đất của vị chủ tịch phường, phóng viên được giới thiệu xuống phòng địa chính phường để nắm rõ thông tin hơn về quy trình, xác minh nguồn gốc đất.

Gia đình ông Nhãn không đồng ý giá giá bồi thường đất riêng lẻ bằng giá đất nông nghiệp

Gia đình ông Nhãn không đồng ý giá giá bồi thường đất riêng lẻ bằng giá đất nông nghiệp

Tại buổi làm việc, ông Lê Viết Anh - Cán bộ địa chính phường Lê Hồng Phong chia sẻ: “Căn cứ trong hệ thống bản đồ địa chính của phường thì nguồn gốc khu đất của ông Lại Văn Nhãn đã có từ năm 1989. Trong quá trình thẩm định, đánh giá nguồn gốc đất chúng tôi cũng có phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất và phòng Tài nguyên môi trường thành phố.

Sau khi kiểm tra, thẩm định đánh giá nguồn gốc khu đất lúa nằm trong dự án của ông Nhãn thuộc loại đất cá thể. Việc đền bù đất theo đơn giá của UBND tỉnh ban hành, mục đích sử dụng đất làm gì thì đền bù theo giá đó”.

Cũng tại buổi làm việc với PV, ông Trần Đức Thọ - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phủ Lý khẳng định: “Chúng tôi là cơ quan chuyên môn nên không tổ chức thực hiện dự án nên chưa nắm bắt được thông tin gì và cũng chưa cho anh em xuống phối hợp kiểm tra chi tiết về nguồn gốc đất.

Còn việc phối hợp xác định nguồn gốc đất của các hộ dân nằm trong dự án là do UBND phường Lê Hồng Phong và Trung tâm quỹ đất thực hiện. Sau khi phường xác định nguồn gốc đất thì phòng TNMT chỉ thẩm định lại tổng diện tích phường báo cáo lên và làm thủ tục thông báo thu hồi đất, rồi các phòng ban ký vào phương án tổng thể đền bù”.

Bồi thường theo mục đích sử mục đất

Trong khi thẩm định, đánh giá nguồn gốc đất chưa rõ ràng các phòng ban thành phố Phủ Lý đã ký vào những văn bản và đưa ra bảng giá bồi thường, tiến hành cưỡng chế “thần tốc” đối với những hộ dân có đất riêng lẻ mà chưa nhận tiền đền bù.

Trong lúc gia đình ông Nhãn đang chờ đợi UBND thành phố Phủ Lý và cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam giải quyết đất ở và đền bù đất riêng lẻ nằm trong dự án, vào ngày 10/09/2018 gia đình ông bất ngờ nhận được giấy cưỡng chế của UBND thành phố Phủ Lý về số đất riêng lẻ của gia đình ông ở phía sau nhà. Nhưng cuộc cưỡng chế không thành vì gặp sự phản đối gay gắt từ phía gia đình ông Nhãn.

Đơn giá bồi thường đưa ra áp giá bằng đất nông nghiệp đối với các hộ dân có đất riêng lẻ

Để nắm bắt thêm thông tin về việc đền bù và quy trình cưỡng chế đất đối với những hộ dân có đất ruông riêng lẻ. Trao đổi với PV báo Gia Đình Việt Nam, ông Trần Huy Quân- Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố phủ lý cho biết: Theo quy hoạch dự án khu tái định cư đường D5 đã có từ năm 2012 nhưng đến đầu năm 2018 mới thực hiện.

“Về nguồn gốc đất của 16 hộ dân là đất cá thể gia đình chứ không phải là chia theo tiêu chuẩn 115 được nhà nước giao đất. Lúc xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thì chúng tôi xác định theo mục đích sử dụng đất và nguồn gốc đất đã được UBND phường xác định.

Còn khi nhà nước thu hồi đất thì xác định theo mục đích sử dụng đất, thu hồi loại đất nào thì đền bù theo giá đất đó. Đối với đất riêng lẻ của 16 hộ dân và đất nông nghiệp thì giá đền bù giống nhau theo quy định UBND tỉnh ban hành. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với UBND phường tuyên truyền vận động, nếu những hộ dân không chấp hành theo phương án phê duyệt bồi thường thì chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi theo quy định của pháp luật”, ông Quân nói thêm.

Mặc dù chưa thẩm định, đánh giá về nguồn gốc đất đai rõ ràng mà các phòng ban thành phố Phủ Lý đã đưa ra đơn giá bồi thường, tiến hành cưỡng chế một cách thần tốc. Trước sự việc các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần vào cuộc kiểm tra để đảm bảo quyền quyền lợi cho gia đình chính sách và hộ dân nằm trong dự án.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/phu-ly-ha-nam-xac-dinh-nguon-goc-dat-chua-ro-rang-da-dua-ra-muc-gia-den-bu-cuong-che-d139221.html