Phù Lưu, làng phong lưu

Gần 40 năm sau khi đọc truyện ngắn 'Làng' của nhà văn Kim Lân, tôi mới thực sự đi trên con đường lát đá xanh mà ông yêu quý. 'Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất'. Hôm ấy trời không mưa, con đường không bật nổi màu đá xanh trầm mặc, nhưng cũng đủ khiến chúng tôi trầm trồ.

Cổng làng cổ Phù Lưu với hai câu đối.

Cổng làng cổ Phù Lưu với hai câu đối.

Nhà văn Kim Lân (và tất nhiên là cả con trai ông, họa sĩ Thành Chương) chỉ là hai trong số nhiều văn nghệ sĩ, bác sĩ, kỹ sư… nổi tiếng mà làng Phù Lưu (tên nôm là làng Giàu/ Giầu, nay thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đóng góp cho đất nước. Đó là cụ Chu Tam Dị đậu Tiến sĩ năm 1529; Tiến sĩ, nhà thơ Hoàng Văn Hòe, đã tham gia phong trào Cần Vương; cụ Nguyễn Đức Lân, đỗ Phó bảng năm Nhâm Dần (1842)… Là một trong 4 dòng họ lớn nhất làng, họ Hoàng đặc biệt tự hào với cụ Hoàng Thụy Chi, Tổng đốc Bắc Giang, dân làng thường gọi là cụ Tuần Chi, người đã cho lát toàn bộ đường trục chính trong làng bằng đá xanh. Con trai cụ Hoàng Thụy Chi, ông Hoàng Thụy Ba, là bác sĩ đầu tiên ở xứ Đông Dương lấy bằng Y khoa tại Pháp. Họ Hoàng còn có Cử nhân Hoàng Tích Phụng, từng là tri phủ, tham gia Đông Kinh nghĩa thục, cùng những người con như nhà báo Hoàng Tích Chu, người mở đầu cách tân báo chí Việt Nam; họa sĩ Hoàng Tích Chù, đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000; nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Tích Chỉ…

Nhiều văn nghệ sĩ, trí thức khác cũng xuất thân từ Phù Lưu, như các nhà văn Nguyễn Địch Dũng, Hoàng Hưng, nhà quay phim, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sĩ Hồ Bắc, dịch giả Hoàng Thúy Toàn… Phù Lưu còn sinh ra những nhân vật thành danh trong nhiều lĩnh vực khác như Trung tướng Chu Duy Kính, Tư lệnh Quân khu Thủ đô; Bộ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức; Giáo sư Sử học Phạm Xuân Nam; Giáo sư Ngữ văn Chu Xuân Diên; Giáo sư Toán học Hồ Bá Thuần…

Tự hào về truyền thống đó, Phù Lưu là một trong số ít làng quê có Hương Hiền Từ - vừa là nơi thờ người có công với làng, vừa là nơi thờ những người đỗ đại khoa, tôn vinh truyền thống hiếu học. Làng hiện còn có “Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam” do dịch giả nổi tiếng “Thúy Toàn họ Hoàng, chợ Giầu – Phù Lưu và đóng góp của bạn bè gần xa” thành lập – như chính ông cho khắc ở nhà lưu niệm.

Nhưng đằng sau những người đàn ông thành đạt ấy, không thể không kể đến những người phụ nữ giỏi giang buôn bán ngược xuôi, khéo léo thu xếp kinh tế gia đình để chồng con yên tâm học hành, phụng sự đất nước. Trong ký ức của nhiều người cao tuổi trong làng, Phù Lưu mang dáng dấp như một phố thị sầm uất với các cửa hàng cửa hiệu san sát hai bên đường. Chẳng thế mà Phù Lưu còn có tên Nôm là làng Giầu (Giàu).

So với nhiều làng quê khác thời đô thị hóa, Phù Lưu chưa chắc đã vượt trội về kinh tế, nhưng giàu về truyền thống văn hóa thì không ai có thể phủ nhận.

CẨM HÀ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phu-luu-lang-phong-luu-130534.html