Phụ huynh trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan kêu cứu, phản đối học phí

Nhóm phụ huynh trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, TP.HCM, kêu cứu vì trường không đồng ý dạy bù thời gian như mong muốn. Trường cũng không hoàn trả học phí khi học sinh nghỉ.

'Nhà trường không thiện chí đối thoại với phụ huynh' Nhóm phụ huynh cho rằng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan không có thiện chí đối thoại với phụ huynh, nhiều lần đơn phương đưa ra ý kiến của mình.

50 phụ huynh trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, TP.HCM (VFIS) đã ký vào đơn kêu cứu khẩn cấp về chất lượng dạy học và học phí online gửi Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM và Sở GD&ĐT TP.HCM.

Những người này mong muốn con họ được dạy bù kiến thức thiếu hụt do nghỉ dịch hoặc hoàn trả học phí. Nhưng trường cho rằng đã tổ chức dạy bù hết khả năng và không thể trả học phí.

Mong muốn học sinh được dạy bù thỏa đáng

Có con học tại trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, bà Trần Ngọc Hoàng Phương cho biết trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19, trường đã tổ chức học online, có tương tác giữa giáo viên và học sinh, từ ngày 17/2.

Tuy nhiên, không phải tất cả môn đều được dạy và thời gian dạy chỉ khoảng 20 phút/ tiết. Trong khi đó, phụ huynh đã đóng học phí để con được hưởng giáo dục 40 giờ/tuần và nhiều tiện ích, cơ sở vật chất tại trường. Nhưng khi học online, trẻ chỉ được học khoảng 1,5-3 giờ/tuần. Với thời lượng như vậy, phụ huynh lo lắng con mình không được truyền đạt đầy đủ kiến thức.

"Là người học cùng con, tôi thấy chất lượng học online không cao qua cách con tiếp thu, làm bài. Nhưng trường luôn nói chất lượng dạy học online rất cao. Tôi đã nhiều lần phản ánh vấn đề này nhưng nhà trường không có hình thức kiểm tra, đánh giá để thể hiện kết quả", bà Phương chia sẻ.

 Phụ huynh trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan gửi đơn kêu cứu đến Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: Minh Thừa.

Phụ huynh trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan gửi đơn kêu cứu đến Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: Minh Thừa.

Bà Phương và một số phụ huynh đề nghị nhà trường xem xét vấn đề dạy bù cho học sinh. Sau đó, nhà trường thông báo sẽ kéo dài năm học thêm 2 tuần so với lịch ban đầu để bù đắp kiến thức thiếu hụt trong quá trình học online.

Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng 2 tuần là quá ít để bù đắp lượng kiến thức cho cả 3 tháng nghỉ dịch và tiếp tục gửi kiến nghị đến trường. Nhóm phụ huynh đề nghị thời gian dạy bù ít nhất phải bằng 2/3 thời gian học sinh nghỉ.

Sau đó, trường ra thông báo sẽ miễn phí khóa hè 3 tuần dành cho các học sinh hiện tại của trường. Nữ phụ huynh đặt câu hỏi tại sao VFIS không dạy bù thêm 3 tuần nữa, trong khi trường có đủ nguồn lực để mở khóa hè? Phải chăng trường muốn mở khóa hè để thu tiền từ học sinh bên ngoài mà không muốn dạy bù?

Nếu trường minh bạch và tử tế thì nên thông báo từ đầu là dạy online sẽ thu học phí và cần thời gian để xác định mức thu. Phụ huynh sẵn sàng chờ đợi chứ không phải cứ phớt lờ. Phụ huynh tha thiết yêu cầu được gặp nhà trường để được thỏa thuận.

Phụ huynh Phùng Thanh Sơn

Mặt khác, phụ huynh đặt vấn đề nếu trường không tổ chức dạy bù một cách thỏa đáng, thì phải xác định mức học phí dạy online, trừ vào khoảng học phí đã nộp từ đầu năm, còn lại phải hoàn trả cho phụ huynh. Nhưng trường chỉ đồng ý trả lại tiền ăn và xe đưa rước, không hoàn trả học phí.

Ông Phùng Thanh Sơn, phụ huynh học sinh lớp 1 của trường, cho rằng VFIS và phụ huynh đã ký kết hợp đồng, khi điều kiện thực hiện hợp đồng thay đổi, tức là chuyển từ dạy trực tiếp sang online, lẽ ra, trường phải thỏa thuận lại với phụ huynh về học phí.

Các phụ huynh cho hay rất nhiều lần họ đề nghị được họp, trao đổi về vấn đề này đều bị từ chối. Trường chỉ đồng ý trao đổi riêng với cá nhân.

"Nếu trường minh bạch và tử tế thì nên thông báo từ đầu là dạy online sẽ thu học phí và cần thời gian để xác định mức thu. Phụ huynh sẵn sàng chờ đợi chứ không phải cứ phớt lờ. Phụ huynh tha thiết yêu cầu được gặp nhà trường để được thỏa thuận", ông Phùng Thanh Sơn nói.

Các phụ huynh thống nhất rằng ưu tiên hàng đầu vẫn mong trường tổ chức dạy bù thỏa đáng. Nếu không thể sắp xếp thời gian dạy bù thêm, trường phải trả lại học phí cho phụ huynh.

Trường không dạy bù thêm và không hoàn học phí

Trao đổi với Zing về những vấn đề phụ huynh bức xúc, bà Seija Nyholm, Hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, cho biết ngay từ ngày 4/2, trường đã bắt đầu tổ chức dạy học online cho học sinh.

Sau 1-2 tuần triển khai dạy học online, trường đã nghĩ ngay đến việc kéo dài năm học. Lúc đó, trường có thông báo rằng cứ 1-2 tuần học online, học sinh sẽ được dạy bù 1, 2 ngày.

"Tôi cũng giải thích với phụ huynh rằng đối với trường quốc tế, duy trì học tập cho các con là ưu tiên hàng đầu. Tôi cũng thừa nhận với phụ huynh rằng việc học online không thể nào thay thế được cho việc học trên lớp. Nó chỉ giải quyết được một số nội dung chính của chương trình học. Còn những hoạt động khác thì phải chờ trường mở cửa trở lại, các con sẽ được bù đắp", bà Seija trả lời.

Bà Seija Nyholm, Hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan. Ảnh: Minh Nhật.

Nói thêm về vấn đề học online, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng, cho biết ngay từ ngày 4/2 đến ngày 16/2, giáo viên đều đặn gửi, đăng bài giảng qua email và Google classroom cho học sinh. Do đó, nếu nói việc học online chỉ bắt đầu từ ngày 17/2 là không chính xác.

"Từ ngày 17/2 đến ngày 13/3, hình thức online tương tác qua Google meet và Google hangouts giữa giáo viên và học sinh diễn ra đều đặn theo thời khóa biểu. Trừ các môn hoạt động ngoài trời, giáo dục thể chất, Thủ công, Mỹ thuật, Âm nhạc bị thiếu hụt, các môn khác đều được học đủ theo thời khóa biểu bình thường. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia chỉ đạt 60-70%, tùy lớp. Đến khi Bộ GD&ĐT thúc đẩy việc học online, trường mới thông báo bắt buộc", bà Huyền cho biết.

Theo nữ hiệu phó, với học sinh tiểu học (trường chỉ có cấp tiểu học), thời gian học online chỉ có thể kéo dài từ 20-35 phút, tùy lớp, do khả năng tập trung của các em còn kém. Mặc khác, các lớp đều có một giáo viên dạy và một trợ giảng quản lý lớp.

Với những gia đình không thể hỗ trợ con học online, trường đã in các tập tài liệu rất chi tiết và gửi về tận nhà cho học sinh (trong thời gian cách ly xã hội).

Về việc đánh giá chất lượng học online, bà Huyền cho rằng trong triết lý giáo dục của trường, việc đánh giá học sinh không chỉ có các bài kiểm tra mà giáo viên còn đánh giá học sinh thông qua hoạt động trao đổi, tương tác khi học.

"Với những hỗ trợ, sự nỗ lực từ đội ngũ giáo viên như trên, chúng tôi không có lý do gì để cắt giảm lương của họ. Ngoài ra, trường còn duy trì lương cho nhân viên khác để vận hành trường. Việc in ấn tài liệu cũng tốn chi phí. Trường chỉ tiết kiệm chút chi phí điện nước. Nhưng cũng không là bao nếu tính trên trung bình số học sinh. Do đó, trường không thể hoàn trả lại học phí", Hiệu trưởng Seija Nyholm nói.

Phụ huynh yêu cầu bù 2/3 thời gian là không thể. Bộ GD&ĐT yêu cầu kết thúc năm học trước 15/7. Hướng dẫn mới nhất của Phòng GD&ĐT quận 7, năm học sẽ kết thúc ngày 11/7, kể cả trường công lập.

Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Huyền

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền nói thêm: "Với những nỗ lực trong suốt quá trình học sinh nghỉ dịch, cộng với nỗ lực sau khi học sinh đến trường trở lại, đó chính là nhà trường cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục với mức phí đã thu phụ huynh từ đầu năm. Cam kết của nhà trường là đủ chương trình về giáo dục".

Trường cho rằng việc bổ sung kiến thức cho học sinh không phải chỉ diễn ra trong năm nay, mà có thể còn là năm sau, nên nhìn về tương lai dài hạn chứ không nên tính tháng tính ngày.

Cả hiệu trưởng và hiệu phó của trường đều trả lời rằng thời gian 2 tuần dạy bù đã được tính toán rất kỹ lưỡng dựa trên thời gian của giáo viên và sự phát triển của học sinh. Phía nhà trường cũng cho biết, khóa hè sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Ngoài việc dạy kỹ năng, vui chơi, học sinh sẽ được ôn lại Toán, Khoa học và có sự kết nối với chương trình hiện tại. Đây cũng là một cách để bù đắp kiến thức cho học sinh trong quá trình các em nghỉ.

Ngày 25/3, trường đã tổ chức họp phụ huynh online và giải thích tất cả các vấn đề phụ huynh thắc mắc nhưng có nhiều người vẫn chưa thông cảm với trường.

"Phụ huynh yêu cầu bù 2/3 thời gian là không thể. Bộ GD&ĐT yêu cầu kết thúc năm học trước 15/7. Hướng dẫn mới nhất của Phòng GD&ĐT quận 7, năm học sẽ kết thúc ngày 11/7, kể cả trường công lập. Hơn nữa, tháng 8, trường đã bắt đầu năm học mới. Như vậy, khi chúng tôi dạy bù thêm 2 tuần, kết thúc năm học vào 26/6, giáo viên chỉ có một tháng để học bồi dưỡng chuyên môn theo quy định chứ không phải chỉ nghỉ hè", bà Huyền nói.

Hơn nữa, bà Seija nói rằng nếu kéo dài năm học thêm nữa, học sinh sẽ cảm thấy rất áp lực, mệt mỏi bởi vì thời gian các con đã duy trì liên tục việc học online.

"Mặc dù hợp đồng ký với giáo viên là 365 ngày, có quy định thời gian làm việc của giáo viên chỉ là 195 ngày. Dạy thêm ngày nào, trường phải trả thêm lương ngày đó ngoài khoản đã trả theo hợp đồng. Dạy bù 2 tuần, trường cũng chịu tổn thất không nhỏ", bà Huyền chia sẻ.

Để hỗ trợ phụ huynh, trường đã thông báo hoàn trả toàn bộ tiền ăn và xe đưa đón trong học kỳ II. Sau khi học sinh đến trường trở lại, các em vẫn được ăn uống và đưa rước miễn phí.

Đồng thời, trường không tăng học phí năm sau đối với những học sinh hiện tại và giảm 10% nếu phụ huynh thanh toán sớm học phí năm tới. Thời gian thanh toán đang được trường cân nhắc.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-truong-quoc-te-viet-nam-phan-lan-keu-cuu-phan-doi-hoc-phi-post1081776.html