Phụ huynh 'phản pháo' kết quả thẩm định cuộc thi Khoa học kỹ thuật: Bộ GD&ĐT nói gì?

Không phục với kết quả thẩm định một số dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật của Bộ GD&ĐT, nhiều phụ huynh tiếp tục gửi đơn kiến nghị.

Liên quan đến những “lùm xùm” xoay quay câu chuyện phụ huynh tố một số dự án của cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) “có vấn đề”, sao chép, ý tưởng trùng lặp với các đề tài trước; Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phải lập ban giám khảo, chấm thẩm định lại một số đề tài.

Theo báo cáo, hội đồng đã tiến hành chấm thẩm định các dự án. Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn trả lời chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay sau đó, lại có ý kiến phụ huynh “phản pháo”, cho rằng kết quả chấm thẩm định không thuyết phục.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy chế thi dựa vào Thông tư 38 và Thông tư 32 sửa đổi một số điều của Thông tư 38. Quá trình tổ chức chấm thi đã đảm bảo đúng quy chế. Ở cuộc thi này Ban giám khảo là các nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, thuộc các chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực dự thi.

Mỗi nhóm lĩnh vực sẽ có từ 8 đến 12 giám khảo, tùy theo số lượng dự án, và các giám khảo này sẽ bốc thăm chọn dự án để chấm. Mỗi dự án được chấm ở 2 phần với tổng số 100 điểm: Phần 1 chấm trên báo cáo tóm tắt (45 điểm). Phần 2 chấm trên poster và phỏng vấn thí sinh (55 diểm).

Ở phần 1, mỗi giám khảo chấm độc lập, sau đó điểm được tính trung bình. Khi tính trung bình, nếu điểm của giám khảo nào vượt quá 25% so với điểm trung bình thì điểm đó bị loại để tính trung bình lại điểm số của những người còn lại. Phần 2 cũng chấm tương tư, các giám khảo bốc thăm lại một lần nữa để phỏng vấn thí sinh.

 Sau thẩm định kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật, phụ huynh tiếp tục phản đối

Sau thẩm định kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật, phụ huynh tiếp tục phản đối

Do phụ huynh có đơn kiến nghị, đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại kết quả của một số dự án đoạt giải và cả không đoạt giải của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (cấp quốc gia khu vực phía Bắc), Bộ GD&ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định, mỗi hội đồng thuộc 2 lĩnh vực (ứng dụng cơ khí và xã hội hành vi).

Theo ông Thành, khi thành lập hội đồng, Bộ GD&ĐT cũng thành lập 2 tiểu ban, mỗi tiểu ban gồm 5 người là các nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc về các trường đại học, viện nghiên cứu tiến hành chấm thẩm định.

Mỗi giám khảo trong thành viên của hội đồng chấm thẩm định là độc lập nghiên cứu báo cáo của học sinh để từ đó đánh giá sự phù hợp. Sau khi có kết quả chấm thẩm định đã thông tin đến phụ huynh, kết quả này phù hợp với kết quả mà ban giám khảo đã đánh giá trong cuộc thi.

Về việc phụ huynh cho rằng việc thành lập hội đồng chấm thẩm định, quy trình và phương pháp chấm thẩm định không hề được nói đến trong các thông báo công khai; Hội đồng thẩm định gồm những ai, có độc lập, khách quan không cũng không được công bố trong văn bản gửi tới phụ huynh và báo chí. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Hội đồng chấm thẩm định hoàn toàn độc lập, không trùng với ban giám khảo và đã có quyết định rõ ràng.

Trước ý kiến cho rằng một số công trình giải Nhất có sự sao chép, ông Thành khẳng định: "Bộ đã thẩm định và khẳng định không có việc đó. Nếu có sự sao chép thì dự án đó sẽ bị loại tức thì. Một số dự án có thể giống nhau ở câu chữ diễn đạt nhưng về bản chất không phải vậy… do đó có thể có sự hiểu nhầm".

Như báo Công lý đã đưa tin, từ ngày 9/3-13/3, tại Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, Ban tổ chức đã trao 15 giải Nhất và nhiều giải thưởng khác cho học sinh có dự án xuất sắc trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Tuy nhiên, sau đó nhiều phụ huynh đã khiếu nại ban tổ chức VISEF phía Bắc khi cho rằng những đề tài được chấm giải nhất có dấu hiệu vi phạm quy chế cuộc thi. Trong đó, 5 trong số 15 giải nhất không sáng tạo, có ý tưởng và giải pháp trùng lặp với kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học chuyên sâu trong và ngoài nước.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/phu-huynh-phan-phao-ket-qua-tham-dinh-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-bo-gd-dt-noi-gi-291804.html