Phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú 'nghèo' dinh dưỡng

Chất lượng bữa ăn bán trú tại một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội chưa tương xứng với kinh phí mà phụ huynh đóng góp đang là thực tế khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng.

 Hình ảnh bữa ăn bán trú trường Tiểu học Yên Viên (Ảnh do phụ huynh cung cấp)

Hình ảnh bữa ăn bán trú trường Tiểu học Yên Viên (Ảnh do phụ huynh cung cấp)

Kém cả “cơm bụi”

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện trên địa bàn có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh với khoảng 200 DN cung cấp thực phẩm đầu vào cho các cơ sở này. Kinh phí trung bình mà mỗi bậc phụ huynh đóng góp cho các trường để con em họ ăn bán trú dao động từ 18.000 đồng đến 25.000 đồng/bữa trưa. Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, với số tiền nêu trên, trẻ hoàn toàn có được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu phóng viên được biết, việc cung cấp suất ăn cho học sinh bán trú hiện nay chưa được các nhà trường quan tâm đúng mức, còn đó tình trạng suất ăn sơ sài, nghèo nàn, chế biến không hợp khẩu vị trẻ khiến cho trẻ không hào hứng với suất ăn tại trường. Hệ lụy là việc phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ không đạt kỳ vọng do dinh dưỡng bữa ăn không được đảm bảo.

Qua một nguồn tin, phóng viên Báo Hải quan nhận được phản ánh về tình trạng suất ăn nghèo nàn, không đảm bảo dinh dưỡng tại Trường tiểu học thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội). Lần theo phản ánh của phụ huynh, phóng viên đến ngôi trường này tìm hiểu thực hư sự việc. Trong vai một phụ huynh từ trường khác đến xin học cho con, phóng viên được một phụ huynh từng làm hội trưởng hội phụ huynh một lớp 1 chia sẻ, đang rất bức xúc vì suất ăn nghèo nàn của nhà trường thời gian qua và lo lắng việc con mình ăn những bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng. “Cách đây vài hôm, tôi vô tình vào trường và thấy suất ăn của con rất ít. Một thìa thịt băm, 1-2 miếng thịt gà bé bằng ngón tay cái và ít giá xào”, chị này này bức xúc.

Mục sở thị bữa ăn của Trường tiểu học thị trấn Yên Viên ngày 20/3, phóng viên cũng thấy khá lo lắng khi khay cơm của học sinh bán trú tại đây chỉ gồm một nhúm tép khô, vài cọng su hào xào, 1-2 miếng thịt gà công nghiệp mỏng tang. Thực đơn cho trẻ ngày hôm sau 21/3 cũng không khá khẩm là mấy với 1 quả trứng kho, bốn miếng đậu sốt cà chua, vài miếng bí đỏ, cơm trắng và canh ngao.

Với các suất ăn này theo phân tích của một đầu bếp chuyên nấu các suất ăn tập thể, giá chỉ khoảng 8.000-10.000 đồng/suất.

Cụ thể, theo tính toán sơ bộ, thịt gà công nghiệp khoảng 50- 60 gram tương đương khoảng 4.000 đồng, tép khô khoảng 10 gram giá 1.500 đồng, su hào khoảng 70 gram bằng 1.000 đồng, nước canh 300 đồng, ngoài ra tính thêm chi phí khác khoảng 800 đồng. Bữa phụ lúc 14h cùng ngày là một hộp sữa chua nhãn hiệu Phù Đồng giá 2.900 đồng hay chiếc bánh ngọt giá 3.000 đồng. Như vậy, tổng giá trị suất ăn của học sinh cả hai bữa trong ngày khoảng 10.000 đồng. Trong khi đó hiện trường này đang nhận đóng góp của các bậc phụ huynh là 22.000 đồng suất ăn bán trú.

Chứng kiến thực đơn có phần “nghèo nàn” của học sinh Trường tiểu học thị trấn Yên Viên, phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo nhà trường là bà Đào Thị Mai, Hiệu trưởng để làm rõ. Câu trả lời mà phóng viên nhận được là các thực đơn của nhà trường có tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng nhằm đảm bảo đủ hàm lượng calo cho học sinh. Về thông tin cơ sở cung cấp suất ăn cho trường có đảm bảo chất lượng, bà Mai cho rằng, nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần suất ăn công nghiệp Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề giám sát quá trình chuyển đến và chế biến thực phẩm, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Yên Viên thông tin: “Hàng ngày luôn có giáo viên và cán bộ xuống kiểm tra, giám sát bếp ăn. Chúng tôi giám sát định lượng tổng thực phẩm mang đến đã đầy đủ hay chưa”.

Ngay từ đầu năm học hoặc trong buổi họp phụ huynh học sinh, nhà trường cũng đề nghị các bậc phụ huynh đến trường giám sát đột xuất hoặc báo trước.

Còn đại diện Công ty Cổ phần suất ăn công nghiệp Hà Nội - nhà cung cấp suất ăn cho trường lại cho rằng: “Mỗi ngày, công ty phải chia hàng trăm suất ăn, nên không thể tránh việc chia không đều. Vì vậy, có khay nhiều khay ít là khó tránh khỏi”.

Sau đó, đại diện công ty này lại cho biết thêm: “Chúng ta đánh giá thực phẩm dựa trên khoa học bằng định lượng, hàm lượng, calo dinh dưỡng. Các con ăn đủ no, đảm bảo chứ không thể nhìn vào mắt thường mà khẳng định được".

Chất vấn về chênh lệch giá giữa tính toán của chuyên gia và giá trị suất ăn mà học sinh đang đóng góp, ông Vũ Huy Hà, thành viên của Công ty Cổ phần Suất ăn Công nghiệp Hà Nội cho rằng, do DN nhập nguyên liệu đảm bảo chất lượng nên đương nhiên sẽ có giá thành cao hơn khoảng 10% so với giá thị trường.

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Bữa ăn nghèo nàn, nguồn thực phẩm không đảm bảo đang là những lo ngại của nhiều phụ huynh khi gửi con ăn bán trú ở trường. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị T. có con đang học tiểu học chia sẻ: “Tôi cũng chỉ biết con ăn món gì, còn về chất lượng bữa ăn như thế nào cũng không thể biết được. Khi cánh cổng trường đã đóng thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên khó có thể tiếp cận được bữa ăn bán trú của các cháu ở trường”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm cho biết, trưa ngày 27/3, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường và Công ty Cổ phần Suất ăn công nghiệp Hà Nội. Phòng sẽ kiểm tra định lượng về dinh dưỡng, giá tiền suất ăn ở trường này. Khi nào có kết luận thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm sẽ thông tin cụ thể đến Báo Hải quan.
Khi hỏi về quá trình cấp phép Công ty Cổ phần Suất ăn công nghiệp Hà Nội cung cấp thực phẩm vào trường Tiểu học Yên Viên, ông Cường cũng cho biết: Công ty do nhà trường lựa chọn và đã ký hợp đồng. Chức năng của Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ kiểm tra năng lực hồ sơ của công ty, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Theo phản ánh của nhiều bậc phụ huynh, tại một số trường tiểu học có thực hiện ăn bán trú, nhà trường cho phụ huynh được giám sát nhưng lại yêu cầu phải báo trước nhà trường. Như vậy, việc kiểm tra sẽ chỉ mang tính hình thức, thiếu tính khách quan. Do vậy, nhiều phụ huynh kiến nghị, cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể về việc tham gia giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) của Ban phụ huynh. Đồng thời, cho phép Ban phụ huynh tham gia việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho trường, tránh tình trạng nhà trường buộc phải chọn đơn vị theo danh sách UBND quận, huyện đưa ra.

Trước bức xúc của nhiều phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh hiện nay, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khuyến khích, phụ huynh cần chủ động hơn trong việc tham gia giám sát bếp ăn trường học. Đặc biệt, phụ huynh cần tăng cường kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện ra những nghi ngờ liên quan đến thực phẩm hàng ngày. Thông tin kiểm tra giám sát hàng ngày phải công khai, minh bạch để các phụ huynh khác cùng nắm được, tránh mang tính hình thức.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, việc đảm bảo ATTP bếp ăn trường học trách nhiệm chính vẫn là nhà trường, chịu trách nhiệm cao nhất là Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn trường học phải là các DN lớn, có uy tín, có thẩm định từ phía các cơ quan chức năng.

"Nhà trường và Ban phụ huynh có thể kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các đơn vị cung cấp thực phẩm. Nếu có nghi ngờ cần dừng hợp đồng và thông báo đến các cơ quan chức năng”, ông Tiến cho hay.

Được biết, để quản lý chất lượng suất ăn của các bếp ăn tập thể tại các trường học, Bộ Y tế có quy định, các cơ sở này phải lấy nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn chứng từ cụ thể. Vì thế lãnh đạo nhà trường thường hợp đồng liên kết với các công ty cung cấp thực phẩm có tư cách pháp nhân, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay đang có “lỗ hổng” trong quy trình kiểm tra, giám sát việc đưa thức ăn vào trường học.

Chẳng hạn, hiệu trưởng nhà trường đứng ra ký kết hợp tác với DN A. có đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm, có các giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, DN A. này chưa chắc đã là nơi làm ra, chế biến ra thực phẩm, mà lại lấy lại của một cơ sở B. nào đó. Rất có thể, cơ sở B. lại nhập lại của một DN C…

Trong khi nhà trường chỉ có thể nắm được mác ATTP của DN A., khó có thể truy xuất được nguồn gốc của thực phẩm cung cấp vào trường. Vậy là các bậc phụ huynh nếu muốn kiểm tra được nguồn cung thực phẩm sẽ phải vượt qua mê cung các tầng nấc trung gian nêu trên. Và sau cùng, ai dám chắc tất cả các “cầu” cung cấp thực phẩm này đều thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hay lại là “con voi chui lọt lỗ kim”?

Đỗ Hòa - Dương Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/phu-huynh-lo-lang-ve-bua-an-ban-tru-ngheo-dinh-duong-101956-101956.html