Phụ huynh lo lắm

Bộ GDĐT vừa tổ chức họp trực tuyến với 63 sở GDĐT về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới.

Theo đó đã có một số nội dung quan trọng được tập trung trao đổi, thảo luận gồm: Triển khai thực hiện chương trình, SGK lớp 1; triển khai góp ý bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6; biên soạn, thẩm định phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; bồi dưỡng tập huấn giáo viên…

Tại Hội nghị này, một lần nữa câu chuyện về chỉnh sửa bộ SGK Cánh Diều được đề cập. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo các tác giả, nhà xuất bản xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và hiện đang xin ý kiến để hoàn thiện ngữ liệu thay thế. Không chỉ bộ SGK Cánh Diều, ông Nhạ yêu cầu phải rà soát các SGK, trên cơ sở ý kiến của giáo viên (GV) trong quá trình dạy học và từ các nhà xuất bản. Việc rà soát phải thường xuyên, liên tục, thực hiện một cách nghiêm túc, không đợi xã hội có ý kiến mới rà soát.

Liên quan đến việc chỉnh sửa bộ SGK Cánh Diều, theo quy định đến ngày hôm nay (20/11) là hết hạn lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, các nhà khoa học và xã hội. Bắt đầu từ 21/11, Hội đồng sẽ thẩm định tài liệu sau khi nhận các góp ý.

Dự kiến trước ngày 30/11, nhà xuất bản sẽ hoàn thiện tài liệu và gửi về các trường tiểu học cho học sinh miễn phí. Kế hoạch là như vậy, nhưng cả phụ huynh và các chuyên gia đều băn khoăn rằng việc chỉnh sửa sách như cách đang làm có vẻ chắp vá. Mà đã chắp vá thì khó có sản phẩm hoàn thiện được. Điều đã được chỉ ra là quá trình biên soạn SGK vừa rồi đã bị làm theo một qui trình ngược, các khâu thẩm định, thực nghiệm…đều có vẻ như vội vàng.

Vẫn biết trước đây, các SGK của chúng ta khi tái bản lần 1, lần 2, lần 3... đều có chỉnh sửa, bổ sung chứ không thể nào hoàn chỉnh được. Nhưng việc triển khai chương trình GDPT mới, biên soạn SGK mới là một quá trình, có thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị. Nếu đổ lỗi tất cả tại Covid- 19 đã thỏa đáng hay chưa?

Đáng nói hơn thế là vai trò của GV trong quá trình thẩm định/chọn sách cũng rất mờ nhạt. Thậm chí trước thềm năm học mới 2020- 2021 vừa rồi, GV nhiều địa phương rất nóng ruột khi khó tiếp cận với những cuốn sách mà mình sẽ dạy trò nay mai.

Rồi đến khi phát hiện những hạt sạn ở bộ SGK Cánh Diều, ý kiến giữa những người “thiết kế” chương trình, SGK mới và một bên là GV cùng phụ huynh lại hoàn toàn trái ngược nhau. Giáo viên thì cho rằng kiến thức quá nặng, phụ huynh thì phản ánh chương trình quá tải nên con em họ phải học đến khuya vẫn chưa hết bài. Còn những người viết chương trình tổng thể, chương trình môn học và SGK thì cho rằng chương trình mới đã giảm tải hơn trước…Chỉ tội cho học sinh lớp 1, chỉ biết học và học, những bạn nhận thức tốt hơn một chút, thì có biết chuyện người lớn đang “cãi nhau” quanh cuốn sách của chúng…

Trước mắt với các bộ SGK lớp 2, lớp 6 đang trong quá trình thẩm định, ông Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh khâu lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đặc biệt từ GV. Theo ông Nhạ, không ai sát sao, hiểu rõ về SGK hơn các chuyên gia về nội dung này và các thầy cô đang đứng lớp. Đây đồng thời cũng là dịp để thầy cô tiếp cận sớm với SGK mới. Tổng tư lệnh ngành giáo dục cũng nhấn mạnh rằng: “SGK phải được làm thật chuẩn mực, thật kỹ, thật tinh thì mới ban hành”.

Dư luận cũng đang đặt một câu hỏi ngược lại: Vậy nếu sách chưa chuẩn mực, liệu có được dừng lại chưa ban hành theo hướng cầu thị không? Hay ngành giáo dục vẫn quyết tâm làm cho bằng được, cho đúng kế hoạch năm học đã đặt ra?

Thành thử bây giờ người lo nhất vẫn là phụ huynh. Vì con em họ đi học trong tình trạng có quá nhiều nỗi lo: Đối phó với dịch bệnh, lo bữa ăn học đường không đảm bảo, lo bão lũ, thiên tai gây hậu quả nặng nề. Lâu lâu lại phát hiện ra một “hạn sạn” nào đó, rồi cô trò lại dạy và học trong tình trạng thấp thỏm chờ chỉnh sửa SGK, thử hỏi đổi mới như thế có an tâm được hay chăng?

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phu-huynh-lo-lam-524287.html