Phụ huynh kiện trường quốc tế: Rạn nứt vì... tiền

Các quy định về thu học phí còn mở, dẫn tới việc áp dụng việc thu học phí còn tương đối 'tùy nghi', thiếu minh bạch...

Nhiều lần đòi đối thoại không được, ngày 30/5, khoảng 100 phụ huynh muốn khởi kiện Công ty Cổ phần giáo dục Quốc tế Việt Úc (VAS). Theo đó, nội dung các phụ huynh khởi kiện gồm 3 ý chính: Phản đối việc Trường VAS thu 30% học phí online mà chưa được sự thỏa thuận của phụ huynh; không đồng ý về giờ học bổ sung 10 tiết/ngày cho học sinh THCS, THPT; chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền mà phụ huynh chưa sử dụng.

Phụ huynh Trường VAS đã 3 lần đề nghị được đối thoại với lãnh đạo trường nhưng không được chấp nhận. Ảnh: Dân Việt

Phụ huynh Trường VAS đã 3 lần đề nghị được đối thoại với lãnh đạo trường nhưng không được chấp nhận. Ảnh: Dân Việt

Bình luận về diễn biến trên, LS Trương Anh Tú (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, phản ứng của phụ huynh có con theo học trường Quốc tế Việt Úc là kết quả tất yếu khi giữa nhà trường và phụ huynh không thống nhất, đồng thời vẫn có chính sách thu học phí bất hợp lí xảy ra. Để đảm bảo quyền lợi thì các phụ huynh có thể làm đơn khởi kiện gửi tới TAND thành phố để được giải quyết.

Vị luật sư cho biết, căn cứ gốc để tòa án xem xét vụ kiện này là các bộ luật, các nghị định và các thông tư có nội dung chỉ đạo liên quan tới vấn đề thu học phí.

Cụ thể, việc thu học phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Về cơ bản, các trường quốc tế, trường tư thục có quyền tự quyết định mức thu học phí và việc thu học phí sẽ được thực hiện theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh, được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, học sinh đã phải nghỉ học thời gian dài, vì vậy việc thu học phí sẽ có những thay đổi nhất định, phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 9 của Nghị định có quy định: Khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiệt hạ.

Bên cạnh đó, ngày 27/2, Sở GD-ĐT TP. HCM đã có thông báo hướng dẫn về việc thu học phí trong thời gian nghỉ vì dịch Covid-19.

Theo đó, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, các trường công lập, ngoài công lập từ mầm non đến THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, cao đẳng chỉ thu học phí và các khoản thu khác trong thời gian thực học, học phí không được quá 9 tháng đối với cơ sở giáo dục phổ thông. Riêng đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà trường cần thỏa thuận với phụ huynh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, ngày 11/5, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2019-2020, 2020-2021 và chỉ đạo điều hành giá.

Trong đó có chỉ đạo, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm các nguyên tắc, công khai, minh bạch và thỏa thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.

Việc thu học phí chỉ được thực hiện khi tổ chức học trực tuyến hoặc bố trí học bù.

"Theo quy định, nếu các chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM nằm trong khuôn khổ pháp luật và diễn giải luật pháp hợp lý sẽ được tòa án coi là căn cứ, áp dụng để giải quyết vụ án.

Trường hợp, những chỉ đạo trên vượt qua khuôn khổ pháp luật hoặc đi ngược với các quy định của pháp luật thì tòa án sẽ cân nhắc xem xét khi áp dụng xử lý", LS Tú nói.

Tranh cãi học phí trường quốc tế: Khi đã là dịch vụ...

Nhìn nhận chung, vị LS cho rằng, các quy định của luật pháp Việt Nam trong các quy định thu học phí còn tương đối sơ sài. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới những mâu thuẫn trong quá trình thu - nộp học phí giữa phụ huynh và nhà trường, nhất là với các trường học tư thục.

Vì thế, khi vụ việc bị đẩy tới mức phụ huynh và nhà trường phải đưa nhau ra tòa là chuyện rất đáng buồn nhưng cũng sẽ tạo ra tiền lệ tốt cho sau này khi thực hiện giải quyết tranh chấp trong các giao dịch mà phụ huynh luôn đứng phía yếu.

"Khởi kiện nhà trường vì không thỏa thuận được học phí cho thấy mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh với thầy cô, nhà trường là mối quan hệ vốn rất bó nay đã bị rạn nứt. Từ chỗ có thể lắng nghe, chia sẻ, thỏa thuận với nhau đã đi đến mức không thể ngồi lại được với nhau, không thể nói chuyện, không thể thỏa thuận được với nhau chỉ vì "tiền". Nhìn từ góc độ này, đây là điều rất đáng tiếc.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ pháp luật dân sự, luật giáo dục khi các bên không thể thỏa thuận được với nhau thì giải quyết bằng tòa án cũng là một cách xử lý rất văn minh.

Nếu nhìn từ góc độ này, đây có thể lại là cơ hội để nhà trường, phụ huynh ứng xử với nhau dựa trên các nguyên tắc, công khai, minh bạch theo đúng khuôn khổ của luật pháp", ông Tú phân tích.

Qua vụ việc này, LS Trương Anh Tú cho rằng, Bộ GD-ĐT nên ra thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về việc thu học phí trong các trường học công - tư cho cụ thể. Hiện nay, các quy định về thu học phí còn mở, dẫn tới việc các trường học áp dụng việc thu học phí còn tương đối "tùy nghi", thiếu minh bạch, khiến cho các bên có những hành xử mang tính cá nhân, không thể tìm được tiếng nói chung.

"Cần có những hướng dẫn quy định chi tiết hơn trong việc thực hiện thu tiền học phí tại các trường công cũng như các trường tư thục và trường quốc tế để tránh tình trạng lạm dụng, áp dụng tùy nghi trong thực hiện", ông Tú khuyến nghị.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/phu-huynh-kien-truong-quoc-te-ran-nut-vi-tien-3404060/