Phụ huynh Hà Nội 'mỏi mắt' tìm thông tin đào tạo song bằng THCS

Năm học mới 2018-2019, 7 trường THCS công lập Hà Nội chính thức tuyển sinh chương trình đào tạo song bằng trong nước và Anh ngữ. Với chỉ tiêu ít ỏi 350 em toàn thành phố, rất nhiều phụ huynh quan tâm đến chương trình đào tạo mới này. Tuy nhiên, thông tin chương trình hiện chưa khiến cha mẹ 'thỏa mãn' trước khi nộp đơn dự tuyển cho con.

Học chương trình quốc tế với mức học phí “nội địa”

Đây là năm đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội thí điểm đào tạo song bằng tú tài cấp THCS. Năm học 2017 - 2018, Sở đã thí điểm hệ THPT ở duy nhất 1 trường công lập, với chỉ 50 học sinh.

Năm nay, việc thí điểm ở cấp THCS dự kiến sẽ áp dụng rộng rãi cho 7 trường công lập trải đều các quận nội thành, tổng số chỉ tiêu là 350 em. Riêng cấp THPT tiếp tục được đào tạo, ngoài trường THPT Chu Văn An đã thí điểm vào năm ngoái, năm nay còn có thêm THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (học sinh học học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc, chứng chỉ A-level).

Với cấp THCS, hiện 7 trường đang trong quá trình thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Đến 31/5 sẽ là hạn cuối nộp đơn. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, chương trình song bằng sẽ giúp các em đạt đúng chuẩn học thuật chương trình giáo dục chuẩn quốc tế.

Học sinh THCS có cơ hội tiếp cận chương trình quốc tế với mức học phí "nội địa". Ảnh minh họa

Học sinh được đào tạo theo chương trình này bên cạnh học chương trình chuẩn sẽ được tham gia tích cực vào các sân chơi trí tuệ có sử dụng đến ngôn ngữ tiếng Anh và các môn khoa học tự nhiên, xã hội theo tư duy logic và tiên tiến theo quy chuẩn quốc tế.

Điểm sáng nhất của chương trình là sau khi hoàn thành chương trình, học sinh có bằng tốt nghiệp THCS; đạt trình độ tiếng Anh B1 (theo chuẩn CEFR); nắm bắt được kiến thức các môn Toán, Khoa học, ICT bằng tiếng Anh; có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và các chứng chỉ quốc tế khác nếu có nhu cầu. Học sinh đạt chứng chỉ IGCSE có cơ hội nhập học ở các trường chất lượng cao trọng điểm, học tiếp A level hoặc du học tại các trường liên cấp tiên tiến thế giới.

Một trong những thuận lợi lớn nhất mà học sinh học chương trình này được thụ hưởng, theo Sở GD&ĐT Hà Nội là mức học phí khá dễ chịu do có sự hỗ trợ ngân sách từ UBND thành phố. Theo đó, dự kiến học phí ở bậc THPT là 7,5 triệu đồng/tháng, một khóa học 24 tháng sẽ mất chi phí 180 triệu đồng/học sinh để lấy chứng chỉ A Level. Cấp THCS có học phí dự kiến 5,6 triệu đồng/tháng.

Với trường quốc tế, mức học phí cho chương trình này lên đến 320-400 triệu đồng/năm, chưa nói đến học ở nước ngoài.

Phụ huynh do dự vì ít thông tin

Lần đầu tiên tuyển sinh khắt khe với nhiều vòng thi, chỉ tiêu hạn hẹp, chương trình học của có nhiều môn học bằng tiếng Anh và mức học phí phù hợp nên khá nhiều phụ huynh Thủ đô năm nay có con vào lớp 6 quan tâm để đăng ký nộp đơn thi tuyển.

7 trường THCS công lập của Hà Nội được chọn thí điểm đào tạo song bằng

Tuy nhiên, dù thời hạn chốt đơn đăng ký là 31/5, cho đến thời điểm này không ít phụ huynh vẫn tỏ ra do dự bởi họ có quá ít thông tin về chương trình đào tạo này. Rất nhiều băn khoăn đặt ra khiến cha mẹ đang băn khoăn không biết có nên cho con nộp đơn thi tuyển hay không, dù trình độ tiếng Anh của con khá tốt.

Chị Mỹ Hằng có con trai hiện học tại Tiểu học Ngọc Hà (Hà Nội), cho biết, chị mất nhiều ngày để tìm thông tin về chương trình nhưng những gì chị cần biết khá là hạn chế. Một trong những lo lắng của chị là liệu giáo viên của chương trình có đủ đáp ứng khả năng giảng dạy, đảm bảo chất lượng dạy học hay không.

“Thật sự mà nói, giáo viên trong nước dạy tiếng Anh chất lượng vẫn chưa đồng đều, vì thế nếu để đội ngũ này giảng dạy các môn thì tôi khá lo lắng. Biết là có chuyên gia Cambridge kiểm định nhưng mong muốn của chúng tôi là con được đào tạo bởi đội ngũ giáo viên giỏi và chuẩn thật sự!”, chị Hằng chia sẻ.

Một trong những vấn đề khác khiến chị ngại ngần khi nộp đơn cho con là liệu con có bị áp lực việc học hay không khi phải học song song cả 2 chương trình trong nước vào quốc tế. Theo chị, chương trình trong nước hiện hành đã khá nặng nề rồi, việc học thêm 1 chương trình song song, lại bằng tiếng Anh có khả năng khiến con quá tải, không còn thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi.

Với anh Nguyễn Hồng Đăng, có con gái đang học tại trường Tiểu học Phan Đình Giót (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), việc tuyển sinh trải qua nhiều vòng và khá khắt khe. Tuy nhiên, có đảm bảo được yếu tố khách quan, minh bạch khi tuyển lựa hay không, lại là câu chuyện khác.

“Tôi chỉ mong quá trình tuyển sinh diễn ra minh bạch, công bằng, đảm bảo quyền lợi ngang nhau cho thí sinh và tuyển lựa được những học sinh giỏi thật sự, có như vậy mới tạo niềm tin cho phụ huynh vào những năm tới đối với chương trình đào tạo này!”, anh Đăng nói.

Hạn đăng ký hồ sơ:

- Ngày 31/5/2018, học sinh nhận đơn và nộp đơn đăng ký nguyện vọng tại cơ sở giáo dục nơi học lớp 5 tiểu học. Mỗi em được đăng ký 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2.

- Trường tiểu học tập hợp đơn đăng ký nguyện vọng dự tuyển, nộp cho Phòng Giáo dục ngày 4/6. Danh sách được nộp lên Sở Giáo dục ngày 6/6.

- Ngày 15/6, học sinh xem danh sách, số báo danh và tiếp nhận phiếu báo dự kiểm tra tại trường THCS nơi học sinh đăng ký nguyện vọng 1.

Thời gian tuyển sinh:

- Sáng 20/6, học sinh làm bài kiểm tra tiếng Anh với 45 phút phần viết và 30 phút phần nghe.

- Chiều 20/6, các em làm bài kiểm tra môn Toán bằng tiếng Anh, thời gian 60 phút.

- Từ ngày 28/6 đến 30/6, trường THCS công bố điểm xét tuyển và nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển.

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/phu-huynh-ha-noi-moi-mat-tim-thong-tin-dao-tao-song-bang-thcs-post42864.html