Phụ huynh Hà Nội chồng chất nỗi lo vì thi 4 môn vào lớp 10

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội lâu nay luôn là kỳ thi căng thẳng đối với cả phụ huynh và học sinh. Chính vì vậy, phương án thi 4 môn thay vì chỉ 2 môn văn và toán như năm ngoái đang khiến các bậc cha mẹ đứng ngồi không yên.

Lo con quá tải vì học

Thay vì chỉ thi 2 môn toán và văn, kỳ thi vào lớp 10 năm tới được Sở GD&ĐT Hà Nội chốt phương án thi 4 môn bao gồm: Toán, văn, ngoại ngữ và một trong số các môn còn lại (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Môn thi thứ 4 này sẽ được công bố vào tháng 3/2019.

Chị Phạm Thu Hương (Q. Đống Đa, Hà Nội) có con trai đang học lớp 9, khi biết được thông tin này tỏ ra vô cùng lo lắng, thậm chí bức xúc. Theo chị, việc học của con hiện tại đã khá nặng, riêng việc ôn luyện các môn văn, toán, ngoại ngữ đã chiếm phần lớn thời gian học của con chị. Nay Sở GD&ĐT buộc học sinh thi thêm 1 môn mà tới tận tháng 3/2019 mới công bố, đang khiến nhiều phụ huynh có con học lớp 9 như ngồi trên lửa.

Phụ huynh Hà Nội có con học lớp 9 như "ngồi trên lửa" trước thông tin liên quan đến thi vào lớp 10 của con - Ảnh minh họa

Chị Hương kể, ngay từ đầu năm học con chị đã rất vất vả vừa học chính ở trường, vừa đi học thêm. Hầu như con không có chút thời gian rảnh rỗi nào để nghỉ ngơi. Chị vẫn thường mắng con là “phải chịu khó học đi!” nhưng thực ra nhìn con học quá căng, chị rất thương con. Cứ nghĩ con ra khỏi guồng học thì khó có thể thi đỗ được. Nhiều lúc, mẹ con như cãi nhau vì chuyện học của con quá căng thẳng.

“Việc học thêm rất mệt mỏi, nếu nói thi 4 môn để các con học đều thì không hiệu quả chút nào bởi các con thường có tâm lý học để thi. Các môn học đều rất nặng kiến thức, đầy ắp lý thuyết thì liệu đây có phải là cách làm hiệu quả, hay chỉ khiến áp lực học hành đè nặng trên vai các con, và chính bố mẹ các con? Học thế chỉ làm khổ học sinh thôi chứ không giải quyết được việc học lệch” - chị Hương băn khoăn.

Đồng tình với chị Hương, anh Trần Xuân Tùng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng lo lắng với phương án thi mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố. Anh Tùng cho rằng, đây vẫn là cách thi quá đột ngột và quá tải cho các con.

“Từ 2 môn “nhảy” lên 4 môn, đã vậy 1 môn còn đến tháng 3 mới công bố. Đột ngột như vậy, Sở nên công bố luôn môn thi cho học sinh, hoặc phải làm theo lộ trình là tăng dần từng môn. Với đà này, các con sẽ phải vất vả ngày đêm cày bài thôi!” - anh bức xúc.

Phụ huynh này chia sẻ, với áp lực thi cử ngày càng nặng, bản thân vợ chồng anh không chỉ căng về sức lực mà còn cả về tài chính. Con gái anh hiện tại học thêm 3 môn thì tiền học thêm của con mỗi tháng đã lên đến 5 triệu đồng. “Nay chắc chắn cháu sẽ phải theo guồng học thêm nhiều môn nữa, không học thì lo lắng lắm. Mà học thêm nữa thì đúng là quá tải đối với gia đình tôi. Sở công bố phương án thi thì cũng nên đồng hành với việc quán triệt việc học thêm, dạy thêm” - anh Tùng thẳng thắn nói.

Giảm học lệch- tăng áp lực cho phụ huynh và học sinh

Chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam, thầy Bùi Hoàng - nguyên Hiệu trưởng THPT Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, thay đổi theo hướng tránh học lệch, học tủ là nỗ lực của Sở GD&ĐT đối với thi đầu vào lớp 10. Tuy nhiên, những cách này chỉ làm tăng áp lực không đáng có cho phụ huynh hơn là buộc chính các học sinh phải học hành nghiêm túc.

“Hơn 50 năm dạy học của tôi, tôi nhận thấy có thể lượng hóa được một tỉ lệ nhất định các học sinh chịu học và không chịu học. Tôi nghĩ chỉ có khoảng 30% các em luôn chịu khó học chăm chỉ với mục tiêu đỗ vào các trường tốp đầu thì dù có thêm 1 hay vài môn, đối với các em cũng không vấn đề gì. Nhưng vấn đề ở phần lớn các em còn lại, những em học lực trung bình, hoặc những em không chịu khó học tập. Thay đổi thi cử kiểu gì thì các em vẫn không học. Áp lực vì thế lại dồn lên vai cha mẹ” - thầy Hoàng nói.

Theo thầy Hoàng, muốn giảm tải áp lực và muốn học sinh học đều các môn thì việc ép các em học đều để thi chỉ là giải pháp tình thế. Mọi việc chỉ có thể bền nếu việc học các môn xuất phát từ chính ý thức của các em, và bên cạnh đó chương trình học cũng cần phải nhẹ hơn, bớt các kiến thức lý thuyết khô cứng.

“Chỉ có cách giảm tải chương trình, hiện tại chương trình nặng quá. Còn ép học sinh học đều chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy cách này chỉ có thể chấp nhận được thôi chứ không phải là cách hay. Bên cạnh đổi mới thi, ngành giáo dục cũng cần xem xét việc điều chỉnh chương trình học theo hướng giảm kiến thức, tăng kỹ năng” - thầy Hoàng cho biết.

Dự kiến, ngay trong tháng 10 này, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 2, 3/6/2019, sớm hơn 1 tuần so với năm học trước.

Nhật Lam

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/phu-huynh-ha-noi-chong-chat-noi-lo-vi-thi-4-mon-vao-lop-10-post49532.html